(VNTB) – Những đứa trẻ sinh non, vốn dĩ đã yếu hơn những bé bình thường. Mẹ không đủ sữa nên bệnh viện khuyến cáo uống thêm sữa công thức, bổ sung dưỡng chất cho bé. Thế mà…
Trong tháng 4, Bộ Công an đã công bố danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong vụ án liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.
Trước đó, vào tháng 1/2024, lực lượng chức năng cũng phát hiện xưởng sản xuất sữa giả quy mô lớn bán qua thương mại điện tử tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Sữa bột là một một sản phẩm sản xuất từ sữa ở dạng bột khô. Đối tượng sử dụng sữa bột thường đa dạng, từ những người có sức khoẻ bình thường cho đến những người bệnh, từ những đứa trẻ sơ sinh cho đến trẻ em đang ở độ tuổi “mau ăn, mau lớn”.
Theo thông tin ghi nhận từ báo chí, có đa dạng các loại sữa bột trong hàng ngàn sản phẩm sữa bị thu hồi. Từ những sản phẩm dinh dưỡng; sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung dành cho trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi; 6 tháng – 6 tuổi; từ 2 – 15 tuổi… cho đến những thực phẩm bổ sung vi chất.
“Những đứa trẻ sinh non, vốn dĩ đã yếu hơn những bé bình thường. Mẹ không đủ sữa nên bệnh viện khuyến cáo uống thêm sữa công thức, bổ sung dưỡng chất cho bé. Là người nằm trong trường hợp đó, chính vì thế, khi đọc tin sữa giả, trong đó có sữa dành cho con nít, tôi cảm thấy vô cùng bức xúc trước những trường hợp vì tiền hại sức khoẻ của biết bao người tiêu dùng. Nhà chức trách cần mạnh tay hơn với những trường hợp sản xuất và tiêu thụ sữa giả này, để răn đe”, bà Minh Ngọc, một bà nội trợ chia sẻ.
Ở Việt Nam, đối với một số trường hợp, sữa bột không khác gì một thứ “xa xỉ phẩm”. Để duy trình sữa bột uống hằng tháng, cũng là một vấn đề.

“Con tôi chạy xe du lịch thuê. Tôi biết, để kiếm được từng đồng, nó cũng đã bỏ công sức rất nhiều, có những buổi chạy đêm nữa. Tôi nhớ, có một lần, nó mua một hộp sữa nhỏ đến cho tôi uống. Nó nói bữa nay sữa hộp lớn đã hết rồi nên nó mua lon nhỏ. Thế nhưng, tôi biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, cũng như chính sách ngăn sông cấm chợ ở thời điểm đó, đã làm công việc của nó vốn dĩ đã khó, nay còn khó hơn. Nước mắt của tôi trào ra lúc nào cũng không hay”, ông Hai Thành, một bệnh nhân mở niệu quản ra da, nhớ lại.
“Những loại sữa đặc biệt, dành riêng cho người bệnh, như bệnh thận mạn tính, bệnh ung thư, bệnh tiểu đường… nói mắc thì không mắc nhưng nói rẻ thì không rẻ! Vì sao tôi lại nói như vậy? Với những người khá giả, có của ăn của để, lấy ví dụ cụ thể, việc mua một hộp sữa cho người chạy thận vào tầm một trăm chục ngàn hơn một tí, là điều cũng không quá khó khăn. Nhưng với người nghèo, người chạy ăn từng bữa thì sao?
Có một trường hợp, tôi bắt gặp ở Bệnh viện Ung Bướu, Thành phố Hồ Chí Minh: Hai vợ chồng già dắt díu nhau từ quê lên thành phố để khám bệnh. Do đường xá xa xôi, phần phải tái khám thường xuyên, nên hai vợ chồng quyết định ở lại thành phố, mướn nhà trọ. Chi phí cho trọ, ăn uống, nhín nhút thì hai vợ chồng cũng có thể qua được. Con cái tuy không khá giả gì nhưng cũng giúp ba mẹ được phần nào. Nhưng sữa thì sao? Để có thêm nguồn dinh dưỡng cho người nhà chữa bệnh, người phụ nữ lớn tuổi ấy, mỗi ngày phải đi bán thêm vé số gần đó để kiếm thêm tiền.
Tôi đưa ra ví dụ ấy để cho thấy điều gì? Là hành vi sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả, đó là một tội ác, đặc biệt là với người nghèo. Cần có biện pháp chế tài nặng hơn với những trường hợp đó”, ông Nguyễn Văn Trường, một bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu bức xúc trước tin sữa giả.

Theo pháp luật, hành vi buôn bán sữa giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi buôn bán sữa giả, căn cứ quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sẽ bị xử lý hình sự theo các mức độ khác nhau.