Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sáng kiến “Tiền thay tù”

Nguyễn Huỳnh (ghi)

 

(VNTB) – Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất “tiền thay tù” đối với tội phạm tham nhũng 

 

Phát biểu gây bão của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, Việt Nam cần giảm xử lý hình sự, ưu tiên thu hồi tài sản tham nhũng được kỳ vọng giúp tránh được nạn “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, đi đôi với xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, có chính sách phân hóa mạnh đối với những người làm vì nhiệm vụ. Việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng đã làm tốt hơn trước với mục đích chứng minh tội phạm và đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng tiến độ, xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không để lọt tội phạm, đồng thời bảo đảm tính nhân văn, tính thuyết phục.

Một tài liệu của Viện KSND Tối cao đã diễn giải về đề xuất của ông Lê Minh Trí như sau (trích):

Thu hồi tài sản là biện pháp được ghi nhận tại Chương V Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC). Đây là biện pháp hữu hiệu đã và đang được nhiều quốc gia sử dụng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Hầu hết các thủ tục pháp lý thu hồi tài sản dựa trên các cuộc điều tra tài chính. Đó là quá trình truy tìm tài sản, các khoản thu nhập và chi tiêu của người phạm tội.

Mặc dù mỗi trường hợp thu hồi tài sản là duy nhất và có hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên, quá trình này thường bao gồm 05 giai đoạn: Thu thập thông tin, bằng chứng và truy tìm tài sản; bảo quản tài sản; thủ tục Tòa án; thi hành các lệnh; trả lại tài sản).

Trong đó, 03 giai đoạn đầu chính là quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với chủ thể có hành vi tham nhũng: Thu thập thông tin, bằng chứng và truy tìm tài sản,  Bảo quản tài sản, và Thủ tục Tòa án.

Thu thập thông tin, bằng chứng và truy tìm tài sản:

Giai đoạn này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình sử dụng các biện pháp, nghiệp vụ điều tra để thu thập thông tin, bằng chứng và truy vết tài sản cần phải thu hồi.

Theo hướng dẫn tại “Cẩm nang thu hồi tài sản”, nếu là vụ kiện dân sự, cán bộ thực thi pháp luật, Điều tra viên tư nhân hoặc các bên quan tâm khác tiến hành thu thập chứng cứ và truy tìm tài sản dưới sự giám sát hoặc hợp tác chặt chẽ của các Công tố viên hay Thẩm phán điều tra.

Việc thu thập này có thể từ thông tin đã công khai và thông tin tình báo từ các cơ quan thực thi pháp luật hoặc từ cơ sở dữ liệu của các cơ quan chính phủ. Bên cạnh đó, các cán bộ thực thi pháp luật có thể sử dụng biện pháp điều tra đặc biệt khi được Công tố viên hoặc Thẩm phán cho phép như giám sát điện tử, lệnh khám xét và tạm giữ, lệnh yêu cầu cung cấp thông tin hay lệnh giám sát tài khoản); một số biện pháp khác không cần sự cho phép, ví dụ như giám sát thể chất, thông tin từ các nguồn công cộng, hỏi nhân chứng.

Các Điều tra viên tư nhân không có thẩm quyền như các cán bộ thực thi pháp luật, tuy nhiên họ có thể sử dụng các nguồn thông tin công khai và đề nghị Toà án ban hành lệnh dân sự như lệnh yêu cầu cung cấp thông tin, rà soát hồ sơ tại chỗ, điều trần trước khi lập hồ sơ, hay báo cáo chuyên gia.

Bảo quản tài sản:

Trong giai đoạn này, số tiền thu được và các công cụ bị tịch thu trong giai đoạn trước sẽ được bảo quản để tránh tiêu tán, di chuyển hoặc tiêu hủy và để phục vụ cho mục đích thu hồi cũng như chứng minh hành vi tham nhũng trong giai đoạn kế tiếp.

Đối với những nước có nền tài phán theo hệ thống dân luật, Công tố viên, Thẩm phán điều tra hoặc các cơ quan thực thi pháp luật có thẩm quyền ban hành lệnh phong tỏa hay tạm giữ tài sản nhằm mục đích tịch thu, còn ở các nước có nền tài phán khác thì cần phải có uỷ quyền tư pháp.

Thủ tục Tòa án:

Tố tụng tại Toà án có thể liên quan đến tịch thu hình sự hoặc tịch thu không dựa trên phán quyết của Toà án.

Thu hồi tài sản sẽ đạt được thông qua việc ban hành các lệnh tịch thu, bồi thường; tiền bồi thường thiệt hại hoặc phạt tiền, tịch thu có thể dựa trên tài sản hoặc dựa trên giá trị.

Các hệ thống tịch thu dựa trên tài sản, còn được gọi là các hệ thống “tài sản bẩn” cho phép tịch thu những tài sản được cho là do phạm tội mà có hoặc là công cụ phạm tội, đòi hỏi phải có mối liên hệ giữa tài sản và tội phạm – đòi hỏi này khó chứng minh trong trường hợp tài sản đã được tẩy rửa, bị biến đổi hoặc chuyển đổi nhằm che đậy, ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp.

Các hệ thống dựa trên giá trị, còn được gọi là các hệ thống “lợi ích” cho phép quyết định giá trị của những lợi ích có được từ hành vi phạm tội và tịch thu phần tài sản có thể là tài sản sạch có giá trị tương ứng.

Có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất của việc điều tra thu hồi tài sản tham nhũng là tìm kiếm bằng chứng chứng minh mối quan hệ của tài sản với hành vi phạm tội hoặc chứng minh rằng tài sản có được từ hành vi phạm tội.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định và truy vết tài sản cho đến khi xác định được có mối liên hệ như trên. Để giải quyết được khó khăn đó thì các quốc gia cần áp dụng mô hình điều tra đặc biệt; mô hình này không giống như biện pháp điều tra hình sự thông thường, mà bao gồm các Cơ quan điều tra tài chính để thực hiện việc truy tìm tài sản tham nhũng cho mục đích tịch thu.

Biện pháp này được gọi là Biện pháp điều tra tài chính. Hiện nay, điều tra tài chính đang là biện pháp chiếm ưu thế hơn so với các biện pháp điều tra khác, bởi tham nhũng là loại tội phạm vì lợi nhuận, luôn gắn với lợi nhuận – tài sản, do vậy các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới điều tra loại hành vi này bằng cách truy vết tài sản để thu thập bằng chứng liên quan.

Phương pháp này đa dạng về cách tiếp cận thông tin để phục vụ cho công tác điều tra, như: Thông tin từ ngân hàng, từ khai báo tài sản hay thông tin sẵn có về tiền lương, thu nhập và chi tiêu (hóa đơn, báo cáo chi phí); thông tin mở từ internet và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, các nhà thực thi pháp luật cũng có thể phân tích thông tin kế toán, hợp đồng, hóa đơn và các tài liệu khác của các doanh nghiệp.

Khi xem sổ sách và tài khoản của doanh nghiệp, các cơ quan thực thi pháp luật đặc biệt chú ý đến các loại hoa hồng được trả, các thỏa thuận tư vấn, các khoản chi phí báo cáo và các khoản thanh toán tạm ứng, các nhóm giao dịch đáng ngờ, giao dịch với chứng khoán.

Ví dụ trong một vụ án hình sự về tham nhũng ở Hoa Kỳ, các hình thức công khai tài chính của các viên chức theo yêu cầu của Đạo luật về đạo đức trong Chính phủ đã cung cấp cho các Công tố viên thông tin về những món quà nhận được, bao gồm cả việc đi lại, thu nhập và trách nhiệm của vợ/chồng và những người thân khác.

Đây là nguồn cung cấp bằng chứng về tham nhũng và lạm dụng công quỹ.

Các hình thức khai thác thông tin khác ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như biểu mẫu tiết lộ thông tin du lịch, biểu mẫu tiết lộ xung đột lợi ích, biểu mẫu tiết lộ vận động hành lang cũng là các yếu tố cung cấp thông tin.

Trong một trường hợp khác, liên quan đến các quan chức được bầu, thông tin công khai do Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ thu thập được sử dụng. Các bài báo và thông cáo báo chí cũng là một nguồn thông tin công cộng quan trọng.

Một trong những vụ án tham nhũng khác, thông tin từ một thông cáo báo chí và dữ liệu từ biểu mẫu thông báo du lịch công khai của một quan chức nhà nước đã được các công tố viên sử dụng để phỏng vấn anh ta. Thông tin đó cho phép chứng minh rằng quan chức đó đã sử dụng chuyến đi chính thức này cho mục đích cá nhân, và điều này được sử dụng như một bằng chứng trong vụ án tham nhũng để chống lại anh ta.

Hà Lan là một ví dụ điển hình về việc sử dụng phương pháp điều tra tài chính.

Kể từ đầu những năm 1990, điều tra tội phạm ở Hà Lan tập trung vào việc tịch thu thu nhập và tài sản bất hợp pháp của thủ phạm. Năm 1993, đạo luật tịch thu (Đạo luật tước tài sản phạm tội) được ban hành nhằm phát triển chuyên môn tài chính trong cơ quan thực thi pháp luật. Kể từ đó, Chính phủ đã ưu tiên điều tra tài chính và tịch thu theo luật hình sự liên quan đến tài sản do phạm tội mà có.

Tuy nhiên vấn đề của Việt Nam là tư pháp vẫn đang chịu sự định hướng của Đảng cầm quyền, không có được sự độc lập như nhiều quốc gia đang áp dụng Biện pháp điều tra tài chính như diễn giải ở trên.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tư pháp bao giờ độc lập?

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyền thông gián tiếp tiết lộ: Đảng Cộng sản Trung Quốc đấu đá nội bộ

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại xuất hiện trên truyền thông

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.