Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao không cho thành phố giữ lại ngân sách để chống dịch?

Sài gòn - Ngân sách

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Đã chống dịch như chống giặc, vậy thì tương ứng phải cần có đủ số bạc cho tích trữ quân lương, quân trang…

 

Ngân sách nhà nước (NSNN) là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước được dự toán và thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Có các trường hợp các khoản thu chi này kéo dài hơn 1 năm, ví dụ NSNN trung hạn là các khoản thu chi của nhà nước trong 3 năm.

Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, xác định rõ tỷ lệ phần trăm được giữ lại của 63 tỉnh thành. Cụ thể, TP.HCM có tỷ lệ điều tiết giữ lại là 18% và nộp về trung ương là 82%.

Trong một buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách.

Ngoài sự ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần định hướng phát triển thành phố Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, chú trọng đổi mới kinh tế số để đảm bảo đóng góp 25% GDP như mục tiêu đề ra.

Có thể nói, vấn đề thành phố đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước, nhiều người biết. Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra trong những tháng qua, đó là thành phố bị ảnh hưởng nhiều từ đợt dịch bùng lần này.

Một số doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa; nhiều loại hình dịch vụ phải tạm dừng; chợ đầu mối tạm dừng; người buôn bán cũng phải tạm nghỉ; lao động bình dân lâm vào cảnh thất nghiệp, bữa đói bữa mì gói…

“Không khó để bắt gặp những cảnh đó, càng không khó khi muốn nghe họ chia sẻ, tâm sự. Vấn đề là có thật sự muốn hay không? Hay là chỉ muốn đi chụp hình rồi quy kết rằng dịch để như vậy là do dân cứ mải mê đi ngoài đường, lấy mấy bức hình vô tri vô giác đó gọi là ‘bằng chứng’.

Câu hỏi đặt ra, với hàng loạt những khó khăn đó, sản xuất có nơi đình trệ, buôn bán khó khăn, người lao động thất nghiệp, liệu rằng, sẽ có chỉnh sửa nào về thu ngân sách trong thời gian này? Hay là vẫn tiếp tục thu 82%?” – ông Tám, cư dân sống ở Bình Chánh nêu hàng loạt thắc mắc.

“Nói về ngân sách thì tôi không phải chuyên môn, cũng không rành. Nhưng tình hình thực tế như thế nào, ai cũng thấy. Theo tôi nghĩ, nên có một sự tính toán lại, không chỉ ở thành phố này mà cả với Bình Dương hay Đồng Nai và mấy tỉnh miền tây, giống như kêu gọi hỗ trợ điện vậy đó.

Chống dịch như chống giặc mà, nếu không có kinh tế, không có hỗ trợ thì người dân đâu đủ ăn để có sức chống dịch, rồi còn sau đó nữa, phải hồi phục nữa chứ. Đọc trên mạng, có một số ý kiến cho rằng giãn cách cũng bình thường mà, ngoài đó cũng giãn cách đâu có la lối như thành phố. Đó cũng có thể là một cách bù lỗ ngân sách nếu điều chỉnh chính sách đóng góp ngân sách trong thời điểm hiện tại” – một người dân góp chuyện.

Có thể nói, với tình hình thực tế trong những tháng qua, nhiều người dân lâm vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp sản xuất đình trệ, quá đủ để trả lời cho câu hỏi nên hay không việc cho thành phố giữ lại ngân sách trong những tháng ngày này.

Với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trải qua bao đời nay, nhiều người chung tay hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho thành phố, ngay cả lúc kêu gọi đóng góp quỹ vaccine, thành phố cũng ủng hộ một khoản không nhỏ. Thiết nghĩ nên chăng có một chút gọi là “hỗ trợ chi phí” cho thành phố từ nguồn ngân sách? Bởi bấy lâu nay, đóng góp của thành phố vốn dĩ là không nhỏ tí nào…


Tin bài liên quan:

VNTB – Chính quyền địa phương hiệu quả – chìa khóa cho nền dân chủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiếu khẩu trang y tế, nhưng lại không biết nguyên do vì sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ý kiến: Sự sống còn của niềm tin dân chúng về Đảng cầm quyền?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo