Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao lại bêu riếu những công dân mà luật pháp vẫn chưa tuyên bản án có hiệu lực?

Hiền Vương

(VNTB) – Hiến pháp của nhà nước Việt Nam hiện hành có điều khoản số 20 ghi rõ rằng, “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều số 31 của bản Hiến pháp cho biết, “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Diễn giải với viện dẫn hiến pháp như trên để thấy rằng các phiên tòa được xét xử không phải chốn công đường, mà là nơi công cộng như phiên toà xét xử trình tự sơ thẩm hình sự diễn ra tại sân vận động, tức sân đá banh của thành phố Điện Biên Phủ hôm 26/12/2019 – là hành vi nhà chức trách cố tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các bên liên quan đang hầu tòa.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, thẩm phán Phạm Văn Nam trả lời báo chí rằng, việc xét xử lưu động tại sân vận động tỉnh Điện Biên, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ nhằm mục đích góp phần răn đe, giáo dục về pháp luật đối với người dân.

Tin rằng các vị thẩm phán của hệ thống tòa án ở Việt Nam đều được học qua những lớp tu dưỡng về môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Theo đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “…đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy trừ phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời” – trích Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2011, trang 558.

Như vậy, xem ra xét xử lưu động là việc phải đối mặt với cái nhìn khắt khe và nghiêm khắc, thận trọng quá mức so với các vụ án xét xử tại trụ sở của hội đồng xét xử, do nhận được sự theo dõi rộng rãi với nhiều quan điểm “tự do” của những người chứng kiến. Mặt khác, bản thân bị cáo phải đối mặt với sự soi xét và cả soi mói, tò mò, hiếu kỳ, bàn tán thậm chí dè bỉu, bôi bác từ dư luận xã hội, của cơ quan truyền thông qua việc chứng kiến phiên tòa, ‘live stream’… Tất cả những yếu tố đó dễ tạo ra tâm lý ức chế, chán chường, xấu hổ, bất mãn, nghĩ mình bị bêu riếu, kỳ thị, bị trả thù về tinh thần, tâm lý hoang mang, sợ hãi thậm chí suy nghĩ cực đoan, hằn học, hận thù với pháp luật và với xã hội.

Còn đối với những vụ án bị cáo phạm tội mang tính chất chuyên nghiệp, phạm tội có tổ chức, thì xét xử lưu động lại làm tăng thêm sự manh động liều lĩnh của bị cáo.

Trên báo Pháp Luật TP.HCM từng đưa tin là, “Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2018 mới đây, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, đã nhấn mạnh từ năm 2018 sẽ dừng việc xét xử lưu động” – https://plo.vn/phap-luat/tu-nam-2018-nganh-toa-an-dung-xet-xu-luu-dong-750208.html.

Thông tin từ báo chí cho biết, ngày 8/4/2016, Quốc hội Việt Nam khóa 13 tại kỳ họp thứ 11 đã bầu ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kì 2011-2016 với số phiếu tán thành chiếm 95,55% tổng số đại biểu Quốc hội (472/490 phiếu hợp lệ). Ngày 27/7/2016, ông Nguyễn Hòa Bình tiếp tục được Quốc hội Việt Nam khóa 14 bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016-2021, với tỷ lệ 473/488 phiếu hợp lệ (95,75% tổng số đại biểu) tán thành. Ông Bình đã tuyên thệ thượng tôn pháp luật vào buổi sáng cùng ngày.

Nguyên tắc của hoạt động tư pháp, trong mục đích của Nhà nước pháp quyền là bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Do đó, xét xử lưu động đã thể hiện sự không bình đẳng, khi có bị cáo được xét xử tại trụ sở, rất ít người dự khán, trong khi có những bị cáo bị xét xử lưu động trước cộng đồng.

Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng chưa bao giờ được nghĩ đến trong tất cả phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử lưu động.

“Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện?”. Đó là câu nói của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Tin rằng nhiều gia đình bị cáo có người thân đang phải ra vành móng ngựa ở các phiên xét xử hình sự sơ thẩm diễn ra nơi công cộng như vụ ở sân banh Điện Biên chẳng hạn, cũng tâm trạng hệt như Chí Phèo hồi nào.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vai trò của tòa án ở đâu trong những vụ quy hoạch đất đai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đồng bào trong cơn nguy khốn, Đảng vẫn bận họp

Phan Thanh Hung

VNTB – Lý thuyết Nghị viện của thế giới vì sao lại khó áp dụng ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.