VNTB – Sao lại e ngại tiếng nói “độc lập” của các tổ chức xã hội dân sự?

VNTB – Sao lại e ngại tiếng nói “độc lập” của các tổ chức xã hội dân sự?

Hồng Hà

(VNTB) –  Từ chuyện “độc lập” của “xã hội dân sự” sẽ là đòn bẩy thúc đẩy đa nguyên, đa đảng…

Nếu vẫn ‘lệ thuộc’ thì tranh biện sẽ thiếu khách quan

Trong tuyến bài viết chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, thường lập luận như sau:

Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tan rã các Đảng Cộng sản, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong quá trình này, “xã hội dân sự” được họ sử dụng như một công cụ quan trọng. Thực tiễn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây là diễn ra theo kịch bản này.

Cơ quan Tuyên giáo Đảng cũng nhìn nhận, về tổ chức, xã hội dân sự là một tổ hợp của các thiết chế chính trị – xã hội phù hợp với hệ thống dân chủ, tự do và kinh tế thị trường, bao gồm: các tổ chức cộng đồng, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.

Trong một không gian công cộng, các thiết chế này được hình thành một cách tự nguyện, độc lập, có thể thảo luận, tranh luận với nhau; độc lập hoặc cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra.

Về bản chất, xã hội dân sự là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó là sự khác biệt giữa “xã hội dân sự” với “xã hội quân sự” hay “xã hội chính trị” (nhà nước), nhưng xã hội dân sự có thể được nhà nước hậu thuẫn. Những vấn đề xã hội dân sự không tự giải quyết được thì thuộc chức năng của nhà nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam không thể ‘tệ’ hơn thực dân Pháp

Trong tài liệu có tên “Đồng chí Phan Đăng Lưu với báo chí Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ” lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có đoạn viết (trích):

“Trên lĩnh vực báo chí, Phan Đăng Lưu có những đóng góp quan trọng, trở thành một trong những nhà báo vô sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.

Năm 1931, khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Ban Mê Thuột, Phan Đăng Lưu đã học tiếng Êđê, tổ chức ra tờ báo lấy tên là “Doãn Đê tuần báo” với hai thứ tiếng Kinh và Êđê, dùng làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục tù nhân và anh em binh lính người Êđê. Đồng chí phụ trách mục Bình luận và Dạy tiếng Ê đê. Báo ra hàng tuần, viết tay và lưu hành bí mật trong anh em.

Để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài, có bài bị bọn cai ngục bắt được, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án lên 5 năm tù khổ sai.

(…) Hoạt động trên lĩnh vực báo chí là một đóng góp rất to lớn của Phan Đăng Lưu trong phong trào này.

Là người phụ trách báo chí, đồng chí đã khắc phục, vượt lên mọi khó khăn về tài chính để tổ chức biên tập bài vở, in, phát hành báo dưới sự theo dõi, bắt bớ rất gắt gao của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi báo Nhành Lúa bị cấm, Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay, trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng dân chủ và phản động vẫn đang tiếp diễn.

Lúc này, tờ Sông Hương do Phan Khôi chủ trương đang bế tắc, có thể phải đóng cửa và phá sản. Các đồng chí xứ ủy chủ trương mua lại, vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ “tục bản” vì báo nghỉ đã lâu, nay ra lại. Ta giữ nguyên tên người sáng lập.

(…) Sau khi Xứ ủy Trung kỳ chính thức thành lập, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Báo ra được 17 số: số 1 ra ngày 6-7-1938; số cuối – số 17 ra ngày 7-10-1938. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế.

Thời kỳ này, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân trước Viện dân biểu Trung kỳ, trước tòa soạn báo Dân để phản đối, yêu cầu Viện Dân biểu bác dự án thuế thân và dự án tăng thuế điền thổ của chính phủ.

Kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra tòa, ra lệnh đóng cửa báo Dân. Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn.

Danh nghĩa báo là cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Quản lý: Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn: số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo ra được 5 số: số 1 ra ngày 27-10-1938; số cuối – số 5 ra ngày 22-12-1938 thì bị đóng cửa.

Đồng chí lại tiếp tục cho ra tờ Dân Muốn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và xuất bản xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Đăng Lưu là người trực tiếp chỉ đạo biên tập. Chủ nhiệm báo là Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5cm x 60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối – số 2 ra ngày 25-1-1939 thì bị đình bản” (dừng trích).

Tâm lý ‘đổ thừa’ là biểu hiện của mặc cảm ‘yếu kém’ cạnh tranh?

Nếu làm một so sánh ‘xưa’ dưới thời thuộc địa, và ‘nay’ là độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không khó nhận ra là mang tiếng thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng những ông quan Tây này chấp nhận báo chí độc lập để cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước Pháp về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội ở xứ thuộc địa.

Việc ‘đổ thừa’ theo lập luận lâu nay của “diễn biến hòa bình”, với viện dẫn sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vì “xã hội dân sự độc lập”, là xem thường dân trí trong các lựa chọn thể chế chính trị của người dân Đông Âu – nay là khối Liên minh Châu Âu, với Hiệp định Thương mại tự do EVFTA mà Việt Nam đã ký kết.

Còn nói theo cách của môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đang giảng dạy bắt buộc ở bậc đại học, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 276).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Sao lại e ngại tiếng nói “độc lập” của các tổ chức xã hội dân sự?”

    Vấn đề là các tổ chức xhds chưa làm gì để Đảng tin cả .