Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao lại gọi tao bằng mày?

Tam Bình

(VNTB) – Tin nhắn có chữ “mày” là mạt sát: liệu có đang nói quá?

Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, liên quan đến vụ ngộ độc pate Minh Chay, “…Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết từ 2 ngày qua, ông liên tục nhận các tin nhắn từ số máy lạ, có nội dung mạt sát lãnh đạo Cục, liên quan thu hồi pate Minh Chay.

“Có tin nhắn đến lúc đêm khuya; có tin nhắn chất vấn, gọi lãnh đạo Cục là “mày”: ‘‘Sao mày chậm công bố pate Minh Chay có nhiễm độc?’’, ông Phong cho hay.

Theo ông Phong, ngoài việc xuất hiện tin nhắn từ số máy lạ với nội dung mạt sát tương tự tin nhắn nêu trên, có tình trạng phát tán thông tin giả…”.

Xét về giao tiếp, người Việt Nam hay có thói quen gọi nhau bằng tên, bằng ông/bà – tui, bằng cậu – tớ, bằng mày – tao… Một vài người cho rằng trong mối quan hệ thân thiết, việc gọi nhau bằng mày – tao nghe có vẻ thân thiện hơn so với những cách gọi khác. Cũng chính vì lẽ đó, nếu nói gọi lãnh đạo Cục bằng mày là tin nhắn mạt sát, xem ra có vẻ hơi bị “thậm xưng”.

Có ý kiến cho rằng, với cái khẩu khí trong tin nhắn như bài báo Thanh Niên đã viết,  từ mày đó là một sự xúc phạm, nhất là đối với những người có quyền hành. Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, nếu tin nhắn đó xuất phát từ chính thân nhân của người bệnh bị ngộ độc thì sao? Cho nên, cũng dễ hiểu và thông cảm cho cảm xúc trong từng tin nhắn gọi là “mạt sát” đó.

“Sinh mạng con người quan trọng, cân bằng lợi ích với sức khỏe người dân. Một câu nói không xứng để mặc áo blouse. Tôi đề nghị truy tố cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc bộ y tế”, một facebooker bức xúc.

Cũng theo nhiều bài báo khác liên quan đến vấn đề ngộ độc do ăn pate Minh Chay này, Cục An toàn thực phẩm phản bác thông tin chậm công bố. Cũng theo Cục, ngày 18-8-2020, nhận được thông tin, theo đúng quy trình pháp luật và nhanh chóng, Cục gửi mẫu đi xét nghiệm. Đến ngày 28-8-2020, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia có kết quả khẳng định sản phẩm pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn trong quá trình sản xuất. Ngày 29-8-2020 bắt đầu cảnh báo rộng rãi cho người tiêu dùng.

Tôi tin rằng, tất cả những điều Cục nói là hoàn toàn đúng và chính xác, phù hợp với tiêu chí “sức khỏe người tiêu dùng là tối thượng”. Tuy nhiên, có một điều tôi thắc mắc, tại sao ở thời điểm bệnh viện Bạch Mai thông báo với Cục An toàn thực phẩm về ca ngộ độc do ăn phải pate Minh Chay, trong suốt thời gian chờ xét nghiệm kỹ càng, Cục không thông báo cho người tiêu dùng để họ biết?

Có ý kiến cho rằng, Cục đã làm đúng chức trách, tạm dừng việc bán pate ở thời điểm đó. Không sai, nhưng câu hỏi đặt ra, vậy thì những người tiêu dùng đã mua hàng ở thời gian trước đó như thế nào? Đó là chưa kể đang vào mùa Vu Lan, số lượng người ăn chay nhiều hơn (có người bình thường không ăn nhưng đến tháng 7, họ ăn để cầu nguyện cho quyến thuộc của mình). Nếu ngay lúc đó, Cục cảnh báo rộng rãi liền cho người dân, có lẽ cũng sẽ đỡ hơn về số lượng ca nhiễm độc.

“Những người bị ngộ độc tiền thuốc điều trị tổn hại sức khỏe. Công ty pate Minh Chay phải trả hay gia đình phải trả ai biết chỉ giùm cho hiểu với…”, một facebooker thắc mắc.

“Sinh mạng con người là vốn quý”. Cho nên, thật khó có thể không kềm được cảm xúc khi nhìn người thân của mình đang nằm trong phòng bệnh. Đó là chưa kể còn lo chi phí chữa bệnh, thuốc thang. Càng bức xúc hơn nữa, nếu thông tin được cảnh báo sớm, có lẽ người thân của họ sẽ không bị như vậy.

Biết rằng nhận những tin nhắn như vậy quá nhiều, ít nhiều con người cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Nhưng hãy thử một lần đặt mình vào vai trò của những con người đang có thân nhân bị ngộ độc ấy. Chắc là khi đó sẽ không có cảm giác “mạt sát” nữa đâu.

Tin bài liên quan:

VNTB – Người cần bị kỷ luật nặng thì không thấy

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Ông Nguyễn Thành Phong bị kỷ luật vì lý do gì?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chính quyền TP.HCM có chống dịch kém?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo