Thanh Đức
(VNTB) – Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM có văn bản về việc tiếp tục xét nghiệm tại các địa bàn dân cư từ nay đến hết ngày 30-9-2021.
Ban chỉ đạo TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn tiếp tục xét nghiệm liên tục theo kế hoạch 2716 ngày 15-8-2021 và công văn 2817 ngày 22-8-2021 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Trong một diễn biến tương tự liên quan đến việc xét nghiệm kháng nguyên, tại buổi gặp gỡ, lắng nghe chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15-9 của lãnh đạo TP.HCM sáng 17-9, theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Chia sẻ về vấn đề này, có ý kiến: “Đồng ý với đề xuất dừng xét nghiệm diện rộng. Nên dùng chi phí đó để mua vắc xin thì hiệu quả hơn cho việc mở cửa lại các hoạt động của thành phố. Nên dừng xét nghiệm diện rộng vì khả năng lây chéo trong lúc xét nghiệm rất cao, nên để người dân tự xét nghiệm là được”.
“Nói thật bây giờ có xét nghiệm thì sẽ ra F0 rồi cứ sẽ mãi lẩn quẩn với cái vòng tròn cách ly, giãn cách, xét nghiệm. Con số F0 bây giờ không còn ý nghĩa, vì có F0 hay không có chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là sẽ phải sống chung với nó. Vì thế, ai có triệu chứng thì tự cách ly tự chữa trị, ai không có triệu chứng thì cứ sinh sống 5K bình thường. Ai chích đủ 2 mũi vắc xin đủ thời hạn thì cứ được đi học đi làm, ai chưa chích thì tranh thủ đi chích. Thế thôi. Phải trở về cuộc sống bình thường thôi chứ không thể ngồi đếm con số F0 mãi được”, một ý kiến khác.
“Câu chuyện liên quan đến xét nghiệm phải nói là hoàn toàn không mới, nếu không nói là cũ rích. Cứ nhìn vào thực tế, từ lúc Gò Vấp bùng dịch với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, phần đông dân Gò Vấp phải đi xét nghiệm. Rồi sau đó là khắp thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỗ nào cũng có ca nhiễm. Lại ầm ầm xét nghiệm. Đi liên tỉnh cũng phải có giấy âm tính, tài xế tấp vào bệnh viện xét nghiệm. Rồi cuối cùng thì sao? Có giải quyết được triệt để không? Thay vì đầu tư xét nghiệm, vậy thì đầu tư kiếm vắc xin đi. Bộ trưởng Bộ Y tế đi kiếm vắc xin mà dân đã chích mũi 1 về chích cho dân mũi 2 đi. VNVC còn kiếm được mà”, một ý kiến khác không kém gay gắt.
“Tôi thì thấy xét nghiệm là phí. Anh muốn xét nghiệm đúng không? Ô-kê, người dân tự ra nhà thuốc tây mua kit test nếu họ cảm thấy trong người bất ổn. Nếu ra dương tính, F0 không triệu chứng, ở nhà điều trị được thì ở nhà; trở nặng thì vào bệnh viện. Cần gì đóng cửa, phong thành miết để tối ngày sáng đêm xét nghiệm. Lỗ mũi con người chứ bộ cục đá hả, chọt hoài”, một ý kiến dung hòa cho ai đó vẫn bảo thủ yêu cầu ‘xét nghiệm thần tốc’.
Thay lời kết, có ý kiến cho rằng, việc xét nghiệm là theo quy định của TP.HCM, là do chính quyền thành phố, chẳng liên hệ gì tới ông Nguyễn Thanh Long hay Vũ Đức Đam.
Điều đó có thể không sai nhưng không hẳn… trúng. Là một Bộ trưởng Bộ Y tế với kinh nghiệm lâm sàng dày dặn, ông Long “dư sức” thấy được những rủi ro khi xét nghiệm, cũng như việc liên tục “chọt” lỗ mũi sẽ gây ra tổn thương gì. Còn với ông Đam, vì sao ông có thể khăng khăng rằng người dân ra đường không vì nhu cầu thiết yếu, để rồi ông yêu cầu thành phố siết chặt, kiểm soát người ra đường hơn, mà lại không yêu cầu thành phố dừng công tác xét nghiệm diện rộng, nhất là thời gian qua đã xét nghiệm quá nhiều.
Nếu chi phí xét nghiệm cao hơn cả vắc xin, vì sao ông Nguyễn Thanh Long hay Vũ Đức Đam không lo tập trung vào việc tìm kiếm nguồn vắc xin? Dĩ nhiên, không phải là những cái như Vero Cell, Hayt-Vax hay Abdala. Những người chích AstraZeneca, Moderna hay Pfizer, cũng chẳng cần đến đâu mấy anh quan trên ạ…