Cát Tường
(VNTB) – Theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, việc xét xử vắng mặt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để dẫn độ tội phạm. Khi đã có bản án sẽ không có nước nào dung tha tội phạm.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng khi mới chỉ là đối tượng truy nã và chưa có bản án sẽ rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi đã là tội phạm và bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, tội phạm, nhất là với tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế, sẽ không có nước nào dung tha.
Với những quốc gia Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết sẽ thực hiện nguyên tắc có đi có lại. Và lúc này, không phải chỉ lực lượng điều tra Bộ Công an mà các lực lượng cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài như ngoại giao, đều phối hợp thực hiện nhiệm vụ. “Chúng ta sẽ cố gắng quyết tâm và tin rằng việc này sẽ có kết quả”, ông Yên khẳng định.
Tờ báo Đức Taz hôm 7-8 vừa qua đưa tin cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn của nước này. Taz cho biết Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác công văn này. Kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, tất cả các yêu cầu dẫn độ từ Đức về Việt Nam, theo nguyên tắc, đều bị từ chối.
Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về những hành động bất hợp pháp tiếp theo. “Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”, Taz dẫn lời Bộ Ngoại giao Đức.
Vào ngày 4-1-2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC đã bị một toà án ở Hà Nội xét xử vắng mặt và tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù với cáo buộc tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức thiệt hại 152 tỷ đồng.
Bàn luận về vấn đề trên, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), thừa nhận sẽ gặp những khó khăn nhất định nếu bà Nhàn đang ở ở Đức.
“Để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.
Quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài. Trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể. Dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia không dễ dàng dẫn độ được tội phạm từ Đức về nước” – thiếu tướng Trần Thế Quân nhận định.
Trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi có lại” giữa hai quốc gia. “Ví dụ, nước bạn đề nghị nước ta dẫn độ một tội phạm nào đó đang trốn ở Việt Nam, chúng ta giúp họ thì nay chúng ta đề nghị, nước bạn sẽ giúp lại” – tướng Trần Thế Quân nói.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng căn cứ để Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên mạnh miệng tuyên bố với báo chí về trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đó là theo tuyến kịch bản bà Nhàn bị tuyên án về tội tham nhũng.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 (Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2009), thì Cảnh sát hình sự quốc tế được quyền bắt giữ theo yêu cầu của Việt Nam, và việc dẫn độ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận ngoại giao đặt trong khuôn khổ của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.
1 comment
Cần đặt vấn đề đủ lý lẽ ngoại giao thuyết phục với cộng hòa liên bang Đức để dẫn độ tên tội phạm này về nước để nghiêm trị. Không nên để Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.