Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sẽ lại có nhiều người bị bắt vì dám tố cáo bí thư Bùi Văn Cường?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Rõ ràng bí thư Bùi Văn Cường rất mạnh, đã chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc nhanh như cắt để tìm ai tố cáo mình…

Tháng 8-2020, một nhà báo ở Sài Gòn nhắn tin cho bí thư Cường xác nhận về đơn tố cáo. Vài ngày sau có 3 công an tỉnh Đắc Lắc mang giấy giới thiệu đến làm việc yêu cầu nhà báo cung cấp nguồn tin tố cáo.

Rõ ràng bí thư Cường rất mạnh, đã chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc nhanh như cắt để tìm ai tố cáo mình…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn – phó hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng – cho biết theo thông tin ban giám hiệu nhà trường có được, hiện đã có rất nhiều đơn thư từ các giảng viên, cán bộ các khoa của nhà trường gửi đến cho ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Chính phủ… để tố cáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Bùi Văn Cường làm chủ tich, nay ông Cường làm Bí thư Đắc Lắc.

Theo ông Sơn, lý do của các đơn thư tố cáo này bắt nguồn từ việc tháng 10-2017, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra tài chính nhà trường. Sau đó, cơ quan chủ quản này đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với nhà trường, đặc biệt trong đó buộc nhà trường phải trích nộp đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế – mức cụ thể do Tổng liên đoàn quyết định.

Vì bắt phải nộp trái luật nên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã không chấp nhận, và dứt khoát không nộp ngân sách thực hiện nghĩa vụ với Tổng liên đoàn, và đã gửi công văn phản đối, viện dẫn quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, và chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 3995 năm 2008 khi chuyển trường này về Tổng liên đoàn.

“Nhà trường cho rằng việc buộc trường phải trích nộp cho Tổng liên đoàn 30% là khoản thu trái với thực tế quản lý và trái với quy định của pháp luật” – ông Sơn thông tin.

Sở dĩ đặt vấn đề là liệu “sẽ lại có nhiều người bị bắt vì dám tố cáo bí thư Bùi Văn Cường?” trong thời gian tới – vì vụ được gọi là “bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp” mà công an tỉnh Đắc Lắc đã thực thi bất chấp pháp luật với hai công dân tố cáo công khai về dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong luận văn tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường – thời điểm thực hiện luận án tiến sĩ, ông Bùi Văn Cường là Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công an tỉnh Đắc Lắc đã bất chấp các quy định về trình tự tố tụng hình sự (TTHS) trong vụ nêu trên, nên đây sẽ là tiền lệ để họ có thể tiếp tục “bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp” với bất kỳ ai lại tố cáo ông Bùi Văn Cường, người đang là Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc.

Trước đây Điều 81 Bộ luật TTHS 2003 quy định là bắt người trong trường hợp khẩn cấp, thì hiện nay Bộ luật TTHS 2015 quy định là giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bởi vì trong quá trình áp dụng theo quy định của Điều 81 Bộ luật TTHS năm 2003 thì có thể “bắt trước, phê chuẩn sau”, tuy nhiên theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát”. Chính vì vậy Bộ luật TTHS năm 2015 đã có sự sửa đổi thành biện pháp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” được quy định tại Điều 110 cho phù hợp.

Theo đó, quy định cụ thể giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải đảm bảo đủ 3 căn cứ được quy định tại Khoản 1 Điều 110, về cơ bản những căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp không có sự thay đổi nhiều so với quy định trước đây, nhưng cụ thể và chi tiết hơn.

Chỉ có sự khác biệt là trước đây tại điểm a – Khoản 1 – Điều 81 Bộ luật TTHS 2003 quy định “Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, căn cứ này chỉ mang tính chất định tính, cho nên tại điểm a – khoản 1 – Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cụ thể khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải đảm bảo “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Như vậy, trong trường hợp này khi muốn giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập được đầy đủ các căn cứ để xác định người đó có các hành vi đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, và điều quan trọng là tội đó phải là tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với căn cứ thứ 2 thì mở rộng và bổ sung thêm đối tượng chính mắt thấy người đã thực hiện tội phạm là “Người cùng thực hiện tội phạm…”, căn cứ thứ 3 ngoài những dấu vết của tội phạm phát hiện ở người hoặc chỗ ở thì bổ sung thêm những dấu vết của tội phạm tại “nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm” ngoài việc xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, còn nhằm ngăn chặn việc “tiêu hủy chứng cứ” cũng được xem là căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đã có người Việt tự sát vì bong bóng bất động sản

Phan Thanh Hung

VNTB – Tham nhũng trong quân đội

Phan Thanh Hung

VNTB – Họa binh đao ở Trung Đông

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.