(VNTB)-“Sinh nhật Hai Bà Trưng”: Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội dốt lịch sử

Minh Tâm
Hình: Tuổi trẻ

(VNTB) – “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận như vậy trong một bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác.

Đúng như lo ngại của chủ tịch nước, nhân dân đang ngày càng hết kiên nhẫn vào Đảng. Chuyện “sinh nhật Hai Bà Trưng”, một tác phẩm đáng xấu hổ về sự dốt đặc lịch sử của Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội đang diễn ra, là một giải thích cho chuyện làm sao để có thể tin vào Đảng.

Mê tín, cuồng tín hay độc đoán?

Lễ mít tinh kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội, dự kiến sẽ được tổ chức vào tối 23-8 và truyền hình trực tiếp với chủ đề “2.000 năm Vương nữ đất Rồng”, đã nhận được thông báo hoãn với lý do vỏn vẹn 5 từ: “có nhiệm vụ đột xuất”.

Trên các báo, hầu hết các bài viết liên quan chuyện “sinh nhật Hai Bà Trưng”, đều cho rằng đây là đề nghị không tưởng, thuộc dạng đi tìm huyền tích cho một tấm giấy khai sinh.

Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, ông Nguyễn Quang Ngọc nói: “Tôi xin khẳng định không có bất cứ một căn cứ khoa học nào trong việc xác định ngày sinh của Hai Bà Trưng. Họ chỉ dựa vào thần tích, mà thần tích thì không phải là lịch sử. Thần tích chỉ phản ánh một phần nào đó trong lịch sử. Muốn xác định tính chính xác của nó thì phải được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và đối chiếu với rất nhiều tư liệu khác. Thần tích, câu chuyện lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác, nhiều thần tích là do con người nghĩ ra chứ không hề tồn tại trong lịch sử”.

Từ góc độ văn hóa lễ hội, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN, ông Lương Hồng Quang cho rằng: “Việc tổ chức lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng thực chất là một cách nâng cấp lễ hội, phản ánh tâm lý thích hoành tráng của nhiều địa phương hiện nay. Thứ nhất, lễ hội lớn cũng là một cách để người ta giải ngân. Thứ nữa nó thể hiện một xã hội đang quá mê tín, nơi nơi tổ chức khuếch trương lễ hội, càng to càng tốt”.

Ông Quang nhấn mạnh: “Ngày sinh của Hai Bà Trưng chỉ là chuyện dã sử. Nhưng việc tổ chức một lễ hội lớn với sự chủ trì của Nhà nước thì dã sử nhân cơ hội này đã được nhiều người thừa nhận là chính sử. Rồi sự kiện này sẽ được nhắc đến trong các văn bản hành chính nhà nước, rồi sẽ có các danh hiệu. Cả quá trình này, thực chất là việc tìm kiếm cho huyền tích một tấm giấy khai sinh”.

Cao cấp chính trị sao lại dốt đặc lịch sử?

Cách nhìn nhận của các chuyên gia văn hóa là không bàn cãi. Ở đây điều cần nói nhất lại chưa thấy báo chí nào đề cập trực diện: trách nhiệm của “thầy dùi” ra sao, phải chịu xử lý thế nào để tránh tái diện chuyện “dùi”… trật lất?.

Danh sách ban cán sự Đảng của TP. Hà Nội toàn là chức sắc, gồm có cả ủy viên trung ương Đảng, đa phần danh xưng học vị tiến sĩ và tất cả đều có bằng Cao cấp Chính trị. Vậy mà lại dốt đặc về lịch sử Việt Nam nên mới “điếc không sợ súng” để đưa ra quyết định tổ chức “sinh nhật tuổi 2.000” cho Bà Trưng Trắc và Bà Trưng Nhị.

Đọc trên các báo về tin tức của bộ máy công quyền UBND TP. Hà Nội, mật độ của cụm từ “Ban Cán sự Đảng” được xuất hiện khá nhiều; từ báo cáo kinh tế – xã hội của Hà Nội 6 tháng đầu năm, đến ý kiến mang tính quyết định về quy hoạch đô thị, cầu đường. Với sự kiện “sinh nhật Hai Bà Trưng” mà tác giả là Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội, liệu đã đến lúc cần “điểm danh” tất cả các quan chức trong ban cán sự này, để tìm hiểu thực hư về trình độ tiến sĩ, cao cấp chính trị của họ?

Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước Việt đều được viết bằng mồ hôi và máu của biết bao thế hệ. Nếu “sinh nhật Hai Bà Trưng” như phán quyết của Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội là một chuyện có thật bằng giấy trắng mực đen, thì cũng giống như chuyện nhân danh cuộc chiến, Đảng từng dựng lên một huyền thoại Lê Văn Tám không có thật.

Hãy trở lại đúng vai của mình

Hiến pháp ghi rõ: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên cho đến nay, văn bản có tên “Quy định 172-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng Trung ương do Bộ Chính trị ban hành”, tiếp tục được thực hiện như thách thức mọi quy định của pháp luật.

Quy định này trao cho đảng viên “quyền bắt buộc” là lãnh đạo, chỉ đạo những định hướng chính trong các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có trách nhiệm trong soạn thảo; những nội dung quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (Trích Điều 2.2).

Liệu sau câu chuyện Ban Cán sự Đảng TP. Hà Nội dự tính tổ chức tiệc tùng tưng bừng cho “sinh nhật Hai Bà Trưng”, còn bao nhiêu chuyện trời ơi nữa sẽ lại xảy ra khi “thầy dùi” thuộc loại “dốt hay nói chữ”?

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)