Việt Nam Thời Báo

VNTB – So Nguyễn Xuân Phúc với ‘khai phóng Phan Chu Trinh’: Người nịnh ta là kẻ hại ta

Anh Văn (VNTB) Trang tin Cafe F dẫn lại bài viết của tác giả Vương Diệu Quân trên Trí Thức trẻ, theo đó, bên cạnh Chí sĩ Phan Chu Trinh, thì “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hay nguyên Bí thư Hội An đều là những người con xứ Quảng. Dù ở bất kỳ vị trí nào, với tư tưởng khai phóng, họ đều cống hiến hết mình cho địa phương và đất nước.” Liệu đây là một đánh giá đúng mực hay đơn thuần chỉ là một lời ca tụng mang tính “sát thương” đối với người được khen?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn ảnh: chinadailyasia
Trước hết, khi đề cập đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dường như cụm từ “khai phóng” được sử dụng quá dễ dãi, và nếu đặt Thủ tướng ngang Phan Châu Trinh lại càng trở nên trơ trẽn vì sự lệch pha. Bởi một người thực sự mang “tư tưởng khai phóng” thì người đó phải thoát khỏi bảo thủ (khép kín) trong địa vực hiện tại, dung nạp kiến thức mới đã thoát khỏi những giới hạn về định chế hiện tại. Chí sĩ Phan Châu Trinh sở dĩ “khai phóng” vì ông cổ xúy cho tư tưởng dân quyền – một cốt lõi trong hệ thống dân chủ Tây phương, vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu cung để đưa quyền lại cho người dân. Xét về mặt chính trị gia, nó là sự tiếp nhận cái “mới” liên quan đến tinh thần dân chủ, để phát triển sâu rộng cả về kinh tế – chính trị lẫn văn hóa xã hội. Đưa quốc gia tiếp cận thực sự với nền văn minh thế giới.

Nhưng hiện nay, với một định chế khép kín bởi nhóm lợi ích, thì việc đánh giá một quan chức “cộng sản” có tư tưởng “khai phóng” là cực kỳ khó khăn. Ngay cả đối với ông Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những người chỉ dám đánh giá là mưới tiệm cận được đến tư tưởng này; huống gì đối với cá nhân Thủ tướng – vốn mới chỉ làm việc chưa được ½ chặng đường của nhiệm kỳ 4 năm?

Nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần được “tụng ca”, thì ít nhất ông phải thoát ra khỏi “sắp đặt” của hệ thống Vua tập thể. Chưa cần đòi hỏi ông có thể có những phát ngôn và hành động như ông Trần Xuân Bách, vốn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nhưng có chủ trương đa đảng ở Việt Nam từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Người đã từng dám tuyên bố thẳng, “Dân chủ không phải là ban ơn”. Nhưng ít nhất ông phải tuyên chiến với “não trạng Cộng sản” trong ban ơn dân chủ giả hiệu hoặc thừa nhận một cách dung cảm rằng, làm gì có cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng được ca ngợi theo những cách rất khác nhau. Ảnh: mingpao
Thứ hai, đánh giá về một con người chỉ sau khi họ kết thúc nhiệm kỳ, thậm chí ngay cả khi họ chết đi. Không ai đánh giá bằng lời khen khi họ chỉ mới làm việc được chưa đầy 6 tháng, nếu không muốn nói đó là những lời ca tụng của sự thái quá, là nịnh nọt hay thậm chí là sự kỳ vọng đến mức ảo tưởng về mặt ngôn ngữ.

Trước đây báo chí chính thống từng đăng tải bài khen về tên dân gian (Trọng Lú) đối với TBT Nguyễn Phú Trọng, nhưng người ta đoán chừng nó là sự mỉa mai nhiều hơn. Với trường hợp khen Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cảm giác của bài viết mang lại là đẩy Ngài Thủ tướng một sự ảo tưởng và tự mãn, khi hành vi công vụ của ông ở mức 1 nhưng bị nói “khống” lên làm 10. Để làm gì? Không ai rõ! Nhưng chắc đó là cái “hại” cho chính ngài Thủ tướng.

Nhà tư tưởng Trung Quốc – Tuân Tử từng bảo rằng: Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta.

Ba năm trước đây, truyền thông trong nước dẫn lại nội dung của báo Korea Herald (Hàn Quốc), nơi đăng tải bài viết ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng ông là một “biểu tượng lãnh đạo” ở châu Á. Điều này thông qua cách đối ngoại ở Châu Á, qua con số tăng trưởng GDP Việt Nam, thậm chí là sự cạnh tranh của Việt Nam qua khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới dưới thời kỳ trị vì của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng đó lại là một đánh giá/ ca ngợi hời hợt khi đánh giá tổng thể hai nhiệm kỳ của ông Thủ tướng, “biểu tượng lãnh đạo” Châu Á đã để lại một nền kinh tế thâm hụt ngân sách và sự phát triển không bền vững về kinh tế; yếu tố dân chủ – nhân quyền bị bóp ngặt; chỉ còn lại những lời nói hoa mỹ về chủ quyền – nhân quyền và kinh tế chưa bao giờ thành hiện thực.

Trở lại với cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá vì sao ông được lựa chọn chọn cho cái ghế Thủ tướng, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, chia sẻ với BBC Việt Ngữ vào tháng 4/2016. Theo đó, đảng CSVN “đã thận trọng, và cũng chưa sẵn sàng cho những lãnh đạo trẻ hơn và năng động”, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện diện vì ông là người “chơi lối chơi tập thể, là một người của hệ thống đó”.

Tin bài liên quan:

‘Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’

Phan Thanh Hung

VNTB – “Formosa” về điện than: kẻ bỏ, người ồ ạt xin

Phan Thanh Hung

Con rể ông Nguyễn Tấn Dũng xây cầu trường túc cầu 250 triệu Mỹ kim ở Hoa Kỳ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo