VNTB- Sơn Tùng, đạo nhạc, đạo ‘beat’, hay lại chỉ ‘mượn’ ý tưởng?

Thảo Vy – Nguyễn Phương

(VNTB) – Thí sinh của cuộc thi ‘The Voice’ năm 2013, anh Đoàn Mạnh Thắng nhận xét ca khúc mới “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP, là “Vừa giống nhiều nốt liền nhau trong nhiều câu, vừa giống y nguyên vòng hợp âm, vừa giống tiết tấu và cấu trúc, lại tương đương về chỉ số BPM (*)… thì 99% là có sự mượn ý tưởng”.

Ca khuc cua Son Tung bị coi 99% la dao nhac’

Đến nay, Việt Nam vẫn bỏ ngỏ chuyện đạo nhạc
Gần 2 năm trước, ngày 24/10, ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng M-TP sáng tác và thể hiện cho bộ phim “Chàng trai năm ấy” ra mắt và nhanh chóng trở thành cơn sốt mới của Vpop. Tuy nhiên, Chắc ai đó sẽ về cũng mau chóng bị tố giác là sản phẩm đạo từ ca khúc Because I miss you của nhóm nhạc Hàn Quốc CN Blue.
Theo đề nghị của đạo diễn Quang Huy, đơn vị sản xuất bộ phim “Chàng trai năm ấy”, Cục Bản quyền đã đề nghị Hội Âm nhạc họp để đánh giá ca khúc Chắc ai đó sẽ về có đạo nhạc hay không.
Sáng 10/11/2014, Hội Âm nhạc gồm các nhạc sĩ tên tuổi như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo… đã có cuộc họp kín để đưa ra kết luận gửi đến Cục Bản quyền.
Góp mặt trong hội đồng thẩm định, nhạc sỹ Phó Đức Phương xác nhận: Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc một cách tinh vi. Hội đồng thẩm định đã thống nhất gửi văn bản lên Cục Bản quyền và yêu cầu nam ca sỹ chấm dứt hành động này. Đây là vấn đề vi phạm quyền tác giả quốc tế. Các nhạc sỹ trong hội đồng cũng đồng ý với kết luận ‘Sơn Tùng đạo nhạc’ .
Tuy nhiên, trong văn bản Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ngày 21/11, sau khi kiểm chứng, so sánh và xem xét 2 ca khúc thì lại cho rằng, Chắc ai đó sẽ về không vi phạm luật và không có cơ sở để cấm phát hành ca khúc này.
Khi ấy, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cho biết: “Chúng tôi phải phân tích cả góc độ pháp lý và chuyên môn để đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất. Trên thực tế, 2 ca khúc Chắc ai đó sẽ vềBecause I mis you có sự giống nhau nhất định nhưng không thể khẳng định là đạo vì luật chưa rõ ràng”.
Ngay sau đó, trả lời báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói: “Tôi chưa hài lòng lắm với ý kiến này vì chưa nghiêm khắc đến mức cần thiết. Nhưng trong cuộc họp cũng đã đưa ra giải pháp dung hòa, là phải cám ơn tác giả của tác phẩm Because I miss you đã gây cảm hứng cho Sơn Tùng viết ca khúc này. Thôi thì trong lúc còn nhiều ý kiến khác nhau, trong giới nhạc sỹ cũng có nhiều người bênh vực ca khúc này không phải đạo nhạc, nên việc đấu tranh muốn thực sự nghiêm khắc không phải dễ. Sự dung hòa đó cũng gọi là tạm hài lòng”.
Tác giả của Trên đỉnh Phù Vân nhìn nhận, “chúng ta đang chịu tác động từ nhiều phía, với nhiều quan điểm khác nhau”. Và ngay sau đó, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương xác nhận: “Quả thật chúng ta chưa có quy chuẩn chung cho việc này. Nhưng thực ra ở trường hợp này là đạo nhạc, bởi chính tác giả công nhận đã lấy phần beat, mà phần beat thì coi như phần nền của ca khúc. Phần beat cần có người làm, tức có tác giả, mà đã có tác giả thì phải có quyền tác giả, không thể nói là không đạo được”.
Điều này, nói như nhạc sĩ Dương Khắc Linh, là một hành động ăn cắp chất xám, vì nhạc nền – phần hòa âm phối khí cũng là những sáng tạo của người nghệ sĩ, cũng được bảo hộ tác quyền hẳn hoi. Do đó, nếu lưu hành và thu lợi nhuận từ một sản phẩm lấy trái phép thì điều đó là không đúng.

Cái sảy đã nảy cái ung?
Phải chăng sự dễ dãi của Bộ VH-TT&DL ở vụ việc Chắc ai đó sẽ về đã dẫn tới hai ca khúc khác cũng của Sơn Tùng M-TP là Cơn mưa ngang quaNắng ấm xa dần bị tố cáo đạo nguyên 2 bài Sarangi Mareul Deutjianha của Namolla Family và Monologue của As One.
Chiều hôm 6-8-2016, tại Salon Văn hóa quán Cà phê thứ Bảy, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa nhạc sĩ Dương Thụ với cặp đôi nghệ sĩ đương đại là diễn viên múa Vũ Ngọc Khải và nhạc sĩ dân tộc Ngô Hồng Quang, tác giả của Tháng Tư về đã nêu quan điểm về vấn đề đang gây tranh cãi liên quan đến ca sĩ Sơn Tùng M-TP trước những người mộ điệu: “Nghệ thuật cần phải hội nhập, nhất là trong thời buổi hiện nay nhưng không phải như kiểu Sơn Tùng M-TP. Sơn Tùng là cậu ấy copy cái này, copy cái kia vào thành nhạc của mình. Đó không phải là sự hội nhập trong nghệ thuật”.
Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng bản chất văn hóa Việt là sự giao thoa, học hỏi từ các nền văn hóa khác, nhưng lại sản sinh ra những thứ đúng là của người Việt, giống như một cuộc kết hôn, người đàn ông lấy người phụ nữ rồi sinh ra một đứa con, đứa con đó có thể giống bố, có thể giống mẹ, cũng có thể chẳng giống ai nhưng trước hết nó là chính nó.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp góp mặt tại buổi đối thoại với nhận xét khá sốc khi so sánh: “Âm nhạc của Ngô Hồng Quang rất hay. Đó là lý do khiến một chương trình về nghệ thuật đương đại nhưng bán hết sạch vé, thậm chí trong đêm diễn, ban tổ chức còn phải kê thêm ghế phụ để phục vụ khán giả. Những người tìm đến các đêm diễn hôm đó là những người bạn thực sự và sẽ không ngại kết bạn với hai bạn. Nghệ thuật đến với công chúng bằng tác phẩm, khán giả tin vào lời hứa trở về với những tác phẩm mới của Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải, chả nhẽ lại để âm nhạc chỉ có những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng hay Sơn Tùng M-TP?”.

Giống từ vòng hợp âm tới tiết tấu, cấu trúc
Đoàn Mạnh Thắng, cựu thí sinh The Voice mùa thứ hai, thành viên đội Hồng Nhung, đã phân tích chi tiết từ kiến thức cơ bản về nhạc lý quanh nghi vấn Chắc ai đó sẽ về:
“Trước hết, hợp âm ca khúc We Don’t Talk Anymore của Charlie Puth là một trong những cấu trúc hợp âm rất hiếm chứ không hề là một bản nhạc viết trên các vòng hợp âm phổ biến, quen thuộc.
Chúng ta thường biết các vòng hợp âm phổ biến là hợp âm trưởng Am F C G (như bài Love The Way You Lie), C G Am F (bài Một nhà), Am Em F G (bài Em trong mắt tôi), hợp âm thứ Am Dm F C F Dm B E (các bài Nobody, I will survive) hay vòng Canon (bài Hòn đá cô đơnBeautiful in white).
Tuy nhiên vòng hợp âm của ca khúc We Don’t Talk Anymore lại là F G Am Em (chơi trên tone E – mi trưởng), đây là vòng hợp âm người viết hiếm thấy từ trước đến nay. Nói về các vòng hợp âm lạ/khó có thể kể đến bài My Lovecủa Justin Timberlake chỉ có 3 hợp âm thứ, hoặc vòng hợp âm bài Mây của Đỗ Bảo, bài Em về tóc xanh của Quốc Bảo…
Vậy tại sao ca khúc We Don’t Talk Anymore có vòng hợp âm hiếm như thế mà ngay sau đó Sơn Tùng cho ra lò một ca khúc với vòng hợp âm giống y chang được?
Về giai điệu lại rất giống một số câu mở đầu của phần verse và điệp khúc. Đoạn điệp khúc “Chúng ta không thuộc về nhau”, và “We don’t talk anymore” giống về nốt. Đoạn verse “Niềm tin đã mất giọt nước mắt cuốn ký ức…”, và pre-chorus “Don’t wanna know what kind of the dress you’re wearing…” cũng giống nhau các nốt (7-8 nốt).
Về BPM, hai ca khúc tương đương nhau (103 và 101 bpm).
Như vậy, xét về mặt nhạc lý, có thể kết luận nếu một bài hát có vẻ hơi giống một bài hát khác ở một số nốt nhạc liền nhau trong một câu, thì nó chưa chắc đã đạo nhạc. Nhưng nếu vừa giống nhiều nốt liền nhau trong nhiều câu, vừa giống y nguyên vòng hợp âm, vừa giống tiết tấu và cấu trúc, lại tương đương về chỉ số BPM… thì 99% là có sự mượn ý tưởng ở đây và hoàn toàn có cơ sở để kết luận là đạo nhạc”.

Tạm kết
Phải chăng việc ăn vay vào phần sở hữu trí tuệ của người khác để làm ra cái của mình, vốn là những trường hợp của nhiều loại hàng nhái rẻ tiền của Trung Quốc mà người tiêu dùng vẫn phản ứng?.

(*) BPM (Beats per minute) là 1 đơn vị chỉ tốc độ của bản nhạc. Ví dụ như 60 bmp có nghĩa là 1 giây chơi 1 phách (như nhịp 4/4 thì 1 nhịp ứng với 4 nốt đen) và tương đương với 4 phách, như vậy trong 1 phút có 60 phách được thực hiện với nhịp 4/4 đó. Ngày nay, BPM được sử dụng rộng rãi. Ngay cả những người không biết chơi nhạc cũng thấy trong game Audition. Nó trở thành 1 đơn vị chuẩn trong âm nhạc.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)