VNTB – Sống bằng lương?

VNTB – Sống bằng lương?

Định Tường

 

(VNTB) – Mấy vị làm lương tối thiểu ở cấp bộ ngành trên trung ương phải  xuống ăn ở cùng công nhân cho biết trước ai đang sống được bằng lương

 

Mức lương tối thiểu theo giờ từ 15.600 – 22.500 đồng/giờ, tùy vùng.

Lương tối thiểu giờ được đề cập tại Bộ luật Lao động 2019 nhưng chưa được hướng dẫn chi tiết. Và mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có dự thảo Nghị định về lương tối thiểu, trong đó lần đầu đề xuất về mức lương tối thiểu giờ.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ”.

Hiện nay, Chính phủ chỉ mới ban hành mức lương tối thiểu vùng được ấn định theo tháng (hiện hành đang áp dụng là Nghị định 90/2019/NĐ-CP) mà chưa có mức lương tối thiểu ấn định theo giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng (mức lương tối thiểu vùng hiện nay) và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, đề xuất mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng như sau: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ; Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Về áp dụng mức lương tối thiểu, căn cứ các hình thức trả lương trong Bộ luật Lao động, dự thảo nghị định quy định lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động trả lương theo tháng; lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động trả lương theo giờ.

Đối với hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán) thì do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Dự kiến, thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 01-7-2022.

Theo các chuyên gia độc lập về quản trị lao động, thì việc xác định lương tối thiểu giờ dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc như dự thảo đề xuất, cần tính toán lại. Bởi nếu dùng lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc thì tiền lương tối thiểu giờ sẽ thấp. Thông thường ở các nước lương tối thiểu giờ được tính cao hơn lương tối thiểu tháng vì tính chất công việc không ổn định và không đồng bộ.

Cụ thể về so sánh thấp – cao ở đây theo cách chia của những nhà hoạch định chính sách, đó là thu nhập thực tế của công nhân “lương tháng” sẽ cao hơn những lao động làm việc theo giờ, vì được hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng xe, nhà trọ… Và quan trọng hơn, người lao động chính thức được đóng bảo hiểm, có các chế độ phụ cấp, nếu tăng ca và chuyên cần tốt, thu nhập một tháng cũng ổn định để nuôi gia đình.

Ghi nhận trong nghề xây dựng ở Sài Gòn, với thợ kỹ thuật điện cho các công trình nhà tư nhân, tiền lương các chủ thầu trả cho người thợ dao động từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày; có chủ thầu còn lo luôn phần cơm trưa lúc theo công trình. Mỗi ngày một người thợ làm cho thầu xây dựng nhà ở như vầy sẽ làm chừng 10 tiếng, tính trung bình cũng gần 50.000 đồng/giờ.

Sau khi đọc đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ và theo tháng, chia theo vùng như kể trên, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, ý kiến: “Đề xuất mức lương thấp, không sát thực tế như vậy, với doanh nghiệp tử tế, họ có thể thương thảo với người lao động theo kiểu đôi bên cùng có lợi.

Nhưng với những chủ doanh nghiệp muốn bóc lột, muốn giảm chi phí lương, dựa vào mức lương này để trả, ép họ trong bối cảnh họ cần có việc làm thì có phải chúng ta thiếu nhân văn khi đưa ra mức lương tối thiểu theo giờ, theo tháng thiếu thực tế như thế này hay không?”.

Có ý kiến là bây giờ cứ cho mấy vị làm lương tối thiểu ở cấp bộ ngành trên trung ương xuống ăn ở cùng công nhân, đồng thời trong nhóm làm lương cũng có đại diện của công nhân. Khi ấy họ sẽ hiểu ai đang sống không phải bằng lương, và sống bằng lương thì cần phải biết sống ra sao thời gì cũng tăng này (!?).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)