Ngọc Vân
(VNTB) – Làm thế nào một thể chế dân chủ đa nguyên có thể ngăn ngừa tình trạng sử dụng bạo lực nhà nước tuỳ tiện
Nhà cầm quyền Việt Nam huy động một lực lượng vũ trang hùng hậu tấn công làng Đồng Tâm bằng súng đạn vào những ngày cuối năm Kỷ Hợi, 2020, gây ra cái chết thương tâm cho cụ Nguyễn Đình Kình, một người đã cao tuổi.
Tiếng súng, tiếng lựu đạn làm người ta liên tưởng đến chiến tranh. Sau đó, họ tổ chức các phiên toà giả hiệu, kết án tử hình thêm hai người thân của cụ. Điều gì làm nhà cầm quyền Việt Nam có thể thực hiện được những việc tày trời này? Làm thế nào một thể chế dân chủ đa nguyên có thể ngăn ngừa những tội ác tương tự?
Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện được những hành động tàn ác, trơ trẽn như vậy là vì họ là một nhà nước độc tài và độc đảng. Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Họ nắm toàn quyền kiểm soát quân đội và công an. Do đó, họ có thể điều động lực lượng này làm bất cứ điều gì họ muốn, dù là nổ súng vào dân lành. Lãnh đạo quân đội, công an, không thể không tuân lệnh nếu muốn giữ ghế, giữ bổng lộc.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, tổ chức điều hành tờ báo này, khi được hỏi rằng liệu ông Trương Tấn Sang có cứu ông vì ông từng là nhân viên của ông ấy không, đã (cay đắng) trả lời: ông ấy sẽ tố cáo tôi. Những gì đã xảy ra đối với ông ấy đã là một ví dụ về về những hậu quả mà những người không trung thành với Đảng sẽ phải trả gánh chịu.
Ông Phạm Chí Dũng không phải là trường hợp duy nhất; ông cũng không phải là người trả giá đắt nhất. Nhà văn Vũ Thư Hiên trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày đã kể rằng người ta đã giết bà Nông Thị Xuân, người tình của ông Hồ Chí Minh, bằng búa vì bà đòi chính thức hoá quan hệ giữa bà và Hồ Chí Minh sau khi họ có với nhau hai mặt con.
Sau đó, họ đưa xác bà ra đường, cho xe cán lên để tạo hiện trường giả, biến vụ giết người thành một tai nạn giao thông. Bản thân nhà văn Vũ Thư Hiên, cũng như đại tá Bùi Tín, đã buộc phải trốn khỏi Việt Nam, sống lưu vong xa gia đình, xa quê hương. Nhà nước độc tài có thể triệt hạ bất cứ cá nhân nào, nếu họ muốn.
Các thể chế dân chủ đa nguyên có thể ngăn chặn các vấn đề trên
Trong các thể chế dân chủ, quyền lực, đặc biệt là quyền kiểm soát các công cụ bạo lực, thường được chia nhỏ ra thành nhiều lãnh vực do nhiều định chế khác nhau kiểm soát. Cảnh sát địa phương tại Mỹ, thuộc quyền thị trưởng (có thể tương đương chủ tịch huyện, xã, tại VN). Thậm chí, một số trường đại học cũng có lực lượng cảnh sát riêng do các trường này tự quản lý. Do đó, chính quyền liên bang muốn ra lệnh cho các lực lượng cảnh sát này cũng không được. Họ chỉ nghe người lãnh đạo họ theo pháp luật, thị trưởng.
Chính vì vậy, khi xảy ra biểu tình và bạo loạn tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon vào cuối năm ngoái, tổng thống đương nhiệm lúc đó, Donald Trump, muốn điều lực lượng cảnh sát liên bang đến để ổn định tình hình nhưng không được phép của thị trưởng, đành chịu. Hơn nữa, khi ông triển khai lực lượng liên bang đến thành phố này để bảo vệ các cơ sở của Liên Bang, ông vẫn bị chính quyền địa phương lên án.
Tương tự vậy, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cũng được chia thành nhiều nhánh. Lực lượng Không Quân (Air Forces), Thuỷ Quân Lục Chiến (Marine), Hải Quân (Navy) thường hoạt động bên ngoài biên giới Hoa Kỳ.
Nhiệm vụ phản ứng trước các vấn đề khẩn cấp trong nội địa được giao cho lực lượng Vệ Binh Quốc Gia (National Guard). Bản thân lực lượng này tại từng bang lại thuộc quyền quản lý của từng thống đốc bang (Governor). Ví dụ, trong vụ bạo loạn tại toà nhà Quốc hội hồi đầu năm nay, cho dù hàng trăm vệ vinh quốc gia có mặt tại Washington D.C. vào lúc đó, nhưng họ không được quyền phản ứng trước khi có sự đồng ý của thị trưởng Washington D.C., Muriel Browser và của lực lượng cảnh sát địa phương.
Nếu tình trạng phân bổ quyền lực này tồn tại ở Việt Nam trong năm 2020, vụ tấn công Đồng Tâm nhiều khả năng đã không xảy ra. Vị xã trưởng Đồng Tâm, được người dân tại đây bầu lên đã không cho phép lực lượng an ninh của chính quyền trung ương vào khu vực này. Hơn nữa, vị này sẽ được sự ủng hộ của tỉnh trưởng Hà Nội trong việc cưỡng lại vụ tấn công phi pháp của chính quyền trung ương.
Cái chúng ta cần, có lẽ là, một thể chế dân chủ.