Hải Nguyễn (VNTB) Trên trang facebook cá nhân của mình, một học sinh lớp 12 trường THPT Kiến Tường- Long An, đã post status với dòng trạng thái bày tỏ sự không hài lòng về cách phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện Đồng Tháp Mười, cùng với đó là lời góp ý mà tôi cho rằng em đó mong rằng sau này mình cũng như mọi người sẽ không còn thấy cách phục vụ “tồi” như vậy nữa.
Dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc của em:
“Nói thật, thái độ phục vụ của bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1, nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của con người mình đi”.
Sau khi status của em được post lên mạng xã hội vào ngày 5/3.
Ngày 6/3 tức chỉ sau một ngày, BGH nhà trường THPT Kiến Tường ( Long An ) đã mời em lên làm việc về nội dung trên. Và cũng trong ngày 6/3 em đã xóa nội dung này trên trang Facebook cá nhân.( theo Tuổi Trẻ online).
Mười ngày sau tức ngày 16/3, BGH nhà trường ra quyết định kỷ luật em học sinh đó với hình thức khiển trách. Lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 18-3-2011 của bộ GD&ĐT về ban hành điều lệ trường THPT: Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook.
Sau sự việc trên, nhà trường tiếp tục hạ hạnh kiểm của em từ tốt xuống trung bình vào cuối năm học, khiến em tốt nghiệp với hạnh kiểm trung bình, ảnh hưởng đến cả quá trình học phổ thông của em.( theo tuổi trẻ online).
Qua việc đưa ra lỗi của em: ” Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook.”. Có thể thấy hai nguyên nhân dẫn đến chuỗi hành động nông nổi của BGH nhà trường.
1- Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp Mười gây áp lực lên nhà trường buộc kỷ luật em học sinh này.
2- BGH nhà trường chủ động áp dụng điều 41…cho học sinh của mình một cách máy móc thiếu suy nghĩ.
Dù 1 hay 2 nguyên nhân trên, tôi cho rằng quí vị là những người trưởng thành hơn em, hiểu biết hơn em, có địa vị hơn em, nhưng lại có hành động nông nổi hơn em.
Bởi, qua dòng trạng thái bức xúc của em lẽ ra quí vị phải chột dạ nhìn lại sự việc một cách công tâm. Để nếu, có thể em có sai lầm trong nhận xét chủ quan của mình đi nữa thì trách nhiệm của quí vị là hướng cho em có cách nhìn sự việc khách quan hơn đó mới là cách giáo dục.
Và hơn nữa nếu được, quí vị nên đặt câu hỏi cho mình qua lăng kính của xã hội hiện tại mà quí vị nhìn thấy, trừ khi quí vị không muốn thấy, đó là gì?.
Gía trị cốt lõi để hình thành nên một nhân phẩm tốt là gì?
Hiện tại có được bao nhiêu công chức, viên chức, quan chức đảng viên, đang làm việc để phục vụ cho xã hội có được nhân phẩm tốt?.
Sau đó nếu được, quí vị hãy đặt dòng trạng thái bức xúc của em lên lăng kính của xã hội rồi phán xét cũng chưa muộn nếu quí vị muốn phán xét cho bằng được.
Những chi tiết mà thầy Phạm Minh Thành- Phó hiệu trưởng trường THPT Kiến Tường, đưa ra để đánh giá hạnh kiểm đạo đức của học sinh (theo TT online) như: Bản thân học sinh tự xếp loại,tập thể tự xếp loại, giáo viên chủ nhiệm xếp loại và thông qua các ban, tổ của nhà trường”, chiếu theo nội qui của nhà trường gồm: đi trễ, đồng phục không đúng qui định…, chứ không chỉ vì lý do nhận kỷ luật từ việc đăng trên Facebook.
Tôi cho đây là sự nông nổi tiếp theo khi đưa ra những chi tiết gồm nhiều tiểu tiết nôi quy như vậy để đánh giá hạnh kiểm đạo đức của học sinh. Thiết nghĩ, hãy coi như một giáo án trao đổi giữa thầy và trò, tìm ra trong giáo án đó điều hay lẽ phải hơn là lấy đó mà phán xét đạo đức của học sinh.
Bởi, không thể nào một học sinh nào đó trong hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua đồng phục, hoặc đi trễ vì đường kẹt xe chẳng hạn, thì lại bị rơi vào tiêu chí xét hạnh kiểm đạo đức. Cũng không thể vì học sinh nói lên sự thật ” phũ phàng” nào đó mà lại qui em vào hạnh kiểm đạo đức không tốt thì đó là điều hết sức bậy bạ.
Và, cũng được biết em học sinh này có điểm học lực trung bình các môn là 8,7 điểm. Như vậy, em có đủ trình độ để nhận xét và đánh giá sự việc xung quanh mình một cách chính xác. Vậy thì, việc hạ hạnh kiểm đạo đức của em không lẽ nhằm mục đích che giấu đi sự thật nhiễu nhương tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp Mười?.
Không hiểu, có bao giờ quí vị tự chất vấn lương tâm của mình về việc làm của mình là đúng hay sai hay không?.
Có bao giờ quí vị hiểu được em học sinh đó nghĩ gì về quí vị hay không?.
Tinh thần của em học sinh có bị hoang mang, chao đảo trong nhận thức của mình hay không?.
Riêng tôi, với khoảng thời gian mười ngày mà quí vị không cảm nhận được dòng trạng thái bức xúc của em trên Facebook là được nói lên như vậy hay không, là đúng hay sai thì quả thật quí vị quá kém cỏi về nhận thức.
Thật đau lòng!, cho một học sinh vào ngày 6/3 đã được những người có trách nhiệm đưa lên “bàn mổ”, để mỗ xẻ nhân phẩm tốt của em rồi tự thay cho em một nhân phẩm khác chỉ có giá trị trung bình vào ngày 16/3.