Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sùng bái bút lông

Đông Đô

 

(VNTB) – Bút lực và đạo đức của cụ đồ mới làm nên giá trị của một chữ nào đó muốn trao tặng

 

Lễ khai bút được thực hiện sau nghi thức rước “thần bút” về trước đền thờ các chư vị tiên đế Vương triều Mạc.

Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm, hoặc chắp bút đầu năm, thường được thực hiện sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên ở Hải Phòng trong 10 năm qua, một “tân lễ hội” được chính quyền nơi đây “sáng tạo” tổ chức là khai bút đầu xuân vào mùng 6 Tết hàng năm với tên gọi dễ gây ngộ nhận về giá trị lịch sử “Lễ Khai bút ở Đền Mạc”.

Trong 65 năm tồn tại của mình, Vương triều Mạc đã mở được 22 khoa thi để chọn được 11 hiền tài đỗ trạng nguyên, 485 tiến sĩ, trong đó nổi bật với những học giả uyên bác như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Nguyên Giáp Hải…

Lễ hội khai bút sẽ gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ cáo yết, lễ rước, lễ khai bút và lễ tạ. Phần hội sẽ có các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bóng chuyền….

Lễ hội khai bút xuân Quý Mão năm nay sẽ tổ chức trong 3 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 Tết, dự kiến sẽ có khoảng hơn 500 em học sinh giỏi được lựa chọn từ các trường học trên địa bàn thành phố về tham dự” – trích thông báo của Ban quản lý Di tích Đền Mạc.

Lễ hội này được tái tổ chức sau hai năm tạm hoãn do dịch Covid-19, là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của một trong những triều đại có khoa bảng đạt cực thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Và theo một quan chức địa phương, thì 2023 là năm thứ 10, lễ khai bút đầu xuân được tổ chức và trở thành hoạt động không thể thiếu trong dịp đầu xuân.

Nhìn góc độ lễ hội dân gian, thì theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân có lẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An đã về Chí Linh (Hải Dương) để mở lớp dạy học. Vào dịp Tết, các môn sinh đến thăm thầy, khi ra về thường được thầy tự tay viết tặng cho một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.

Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền không những biểu trưng cho sự hiếu học, mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy của mình.

Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.

Và cũng theo quan niệm dân gian, những chữ  “khai bút đầu xuân” phải do mình tự nghĩ ra, chứ không nên sao chép của người khác. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…

Gắn với tục khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành – một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người con Việt.

Ở đây có một lưu ý là bút lực và đạo đức của cụ đồ mới làm nên giá trị của một chữ nào đó muốn trao tặng. Do vậy việc dựng lên kịch bản sùng bái một cây bút lông là “thần bút” như chính quyền Hải Phòng sắp đặt, cho thấy làm mất đi ý nghĩa của hiếu học.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lạm phát ở Việt Nam bắt đầu tăng mạnh

Do Van Tien

VNTB – Hồng vệ binh văn hóa

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đảng lần đầu tiên nghe dân!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo