(VNTB) – Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, Ủy ban Thường vụ quốc hội lại dính vào tính thủ cựu không làm sao sửa được. Lý do mà cơ quan này trưng ra là “Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác” để “chưa nên cho phép tự vận động ứng cử tại Việt Nam”. Và đó cũng có thể là nguyên cớ để chẳng cần thiết phải thay đổi dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thế nhưng người dân Việt Nam lại biết quá rõ trong quá khứ các kỳ vận động bầu cử, đã chỉ có một số ít ỏi ứng viên độc lập dùng tới “lực lượng vật chất” và “lực lượng truyền thông” để tự ứng cử. Những người này lại thuộc về thành phần doanh nghiệp chứ không phải là các trí thức túng thiếu tiền bạc nhưng luôn thừa thãi lòng tự trọng.
Phần đa còn lại là các ứng viên được “cơ cấu” theo cách không thể nào trượt. Đó là những quan chức mặt trận và chính quyền theo ba cấp phường xã, quận huyện và tỉnh thành. Chính những ứng viên này mới được trang bị đầy đủ bởi ngân sách nhà nước cùng đội hậu bị hùng hậu của báo chí quốc doanh.
Xét theo phương châm bất di bất dịch đó, quan chức nhà nước được coi là “ăn đủ”, còn những người có gan tự ra ứng cử trong quá khứ như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… đều rớt sạch. Không những rớt, các ông này sau đó còn đi thẳng vào nhà giam…
Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện tình, những thông tin sôi trào từ dư luận người dân cho thấy nếu một cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên tự do và trên hết là người có tinh thần yêu nước sẽ chiến thắng.
Có lẽ quá lo ngại tinh thần yêu nước và “chủ nghĩa tự do vô chính phủ” như thế nên Quốc hội Việt Nam vẫn âm thầm làm mọi cách để không cho phép bất kỳ nhân vật nào của Xã hội dân sự bén mảng vào chốn nghị trường.
——–
“Chưa nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam”
Ban soạn thảo cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…
Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác.
Đây là một trong những nội dung nêu tại tờ trình dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 14/8.
Theo ban soạn thảo dự án luật, bên cạnh ý kiến nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri thì còn ý kiến lo ngại cách thức tổ chức bầu cử ở Việt Nam có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử.
Ban soạn thảo cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử. Theo quan điểm này thì vẫn chỉ có hai hình thức vận động là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là quy định trong hồ sơ ứng cử đối với người tự ứng cử phải được ít nhất 30% cử tri nơi cư trú giới thiệu.
Theo quan điểm của ban soạn thảo, người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử.
Còn người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.
Do vậy, ban soạn thảo đề nghị bổ sung quy định đối với người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu.
“Nếu chúng ta muốn sàng lọc, lựa chọn được những người thực sự ưu tú, có tín nhiệm cao trước nhân dân thì phải làm quy trình khác chứ không phải buộc người ta đi lấy cho đủ tối thiểu 30% ý kiến cử tri ở tổ dân phố, mà trong thực tế cũng không thể làm được”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thể hiện chính kiến.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng đây là quy định không khả thi, thậm chí là bước lùi so với luật hiện hành. Bởi người dân có quyền làm chủ, tự ứng cử, người ta tự ứng cử là quyền của người ta còn chọn lọc thế nào là việc của cơ quan hiệp thương, giới thiệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lý giải, sở dĩ đưa phương án người tự ứng cử ấy xin ý kiến cử tri tổ dân phố vì như thế ít nhất gia đình anh phải gương mẫu, bản thân anh cũng phải gương mẫu mới được cử tri đồng ý giới thiệu.
Đây chỉ là một trong nhiều phương án để đảm bảo công bằng trong ứng cử, ông Lý nhấn mạnh.
Vẫn theo lý giải của ông Lý thì có nhiều ý kiến cho rằng người được giới thiệu phải qua nhiều thủ tục, nhiều lần sàng lọc, lấy ý kiến mới được vào danh sách hiệp thương của Mặt trận, trong khi người tự ứng cử không phải qua ý kiến của ai để nộp đơn. Họ cũng cần có một mức độ tín nhiệm nào đấy, cần được tổ dân phố xác nhận về tư cách, đạo đức, phẩm chất, gia đình…, giống như một lần bầu cử quy mô nhỏ mà những người được giới thiệu phải trải qua.
Chủ nhiệm Lý cũng cho hay, nếu phương án này được đồng ý đưa vào dự thảo luật thì ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thiết kế để có cách làm khả thi.
Theo Nguyễn Lê
VnEconomy