VNTB – Tại sao nữ thần công lý lại bịt mắt?

VNTB – Tại sao nữ thần công lý lại bịt mắt?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Dải băng bịt mắt được giải thích là tượng trưng cho sự vô tư, khách quan; công lý sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực ngoại cảnh hay không chịu sự tác động, áp đặt từ bất kỳ thế lực nào.

 

Tuy vậy, trên thế giới vẫn tồn tại hình tượng Nữ thần Công lý không bị bịt mắt, lời giải thích được cho rằng với quyền năng độc lập của mình thì Nữ thần Công lý không cần phải bịt mắt vẫn tránh được sự tác động của các yếu tố ngoại và đảm bảo được công bằng, vô tư.

Ở Việt Nam thì sao?

Chuyện kể vầy: Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh Tòa Hình sự thuộc Tòa án nhân dân Hà Nội, chủ tọa phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm vụ “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” – giải thích về việc đi xuống khu vực các bị cáo để bắt tay động viên, trong đó có bị cáo Nguyễn Đức Chung: “Sau khi kết thúc phiên tòa, tôi có xuống bắt tay động viên các bị cáo là yên tâm cải tạo để sớm được về.

Tôi xuống bắt tay các bị cáo khi phiên tòa đã kết thúc, hội đồng xét xử đã xong việc rồi, chứ có làm thế lúc đang xử đâu, nên việc này có tính chất khác nhau, tùy thời điểm.

  Thẩm phán Trương Việt Toàn và bị cáo Nguyễn Đức Chung

Tuyên án xong là xong, ở góc độ nào đó, bị can, bị cáo cũng là con người, thẩm phán cũng là con người, không lẽ người ta giơ tay ra mình không bắt. Tôi nghĩ chuyện này diễn ra một cách bình thường, thể hiện tình người với nhau thôi”.

Nữ luật sư Ngô Thị Ánh, làm một so sánh: “Vài phiên xử tôi cũng như công chúng và nhất là người thân của các bị cáo đều muốn vào để thể hiện ‘tình cảm’, mà tất nhiên là không được. Ở Việt Nam khi đã là phạm nhân thì bạn bè không được thăm nhau. Người thân như cha mẹ, vợ chồng, con phải chứng minh và đăng ký giới hạn số người… Người thân thích khác không được thăm.

Và chắc hẳn tất cả chúng ta cũng biết là một số tù nhân còn có chính sách thăm nuôi đặc biệt hơn nữa. Như bị án Hồ Duy Hải thì bà Loan chỉ chờ “ân huệ”.

Ông Chung đi thêm vài bước thì ông Toàn không được bắt tay ‘cựu đồng chí’ của mình. Như vậy, tức là ông Toàn đã lạm dụng công vụ đặc biệt của mình để làm một việc hoàn toàn cá nhân.

Điều đó có nhân văn hay không xin biết rằng kể cả khi xử công khai thì thẩm phán Toàn cũng không cho “áp dụng cái nhân văn ấy” để cho cha con vợ chồng của các bị cáo được thoải mái vào pháp đình và thể hiện tình cảm như vậy. Trong phiên xử vụ Đồng Tâm mới đây, ông Toàn bảo:  bị cáo tiếp xúc với luật sư là không cần thiết!

Giữa tình cảm cha mẹ con vợ chồng và tình nghĩa chi đó của các ông ấy, tình cảm nào là thiêng liêng hơn, cái nào nhân văn hơn? Tôi cũng không hẹp hòi chi với việc ông Toàn thể hiện tình cảm cá nhân với ông Chung.

Miễn là ông Toàn không vừa khoác áo thẩm phán và vừa xử ông Chung.

Là luật sư, hơn ai hết, tôi hiểu một người bị kết án vì họ có hành vi vi phạm pháp luật; điều đó không có nghĩa chung chung là người xấu hay người tốt. Và dù xấu, tốt, phạm pháp thì họ đều có người thương mến họ.

Tuy nhiên pháp luật không cho phép quan tòa có tình cảm riêng với bị cáo. Thẩm phán phải từ chối xét xử, nếu thấy rằng mình có quen biết có tình cảm riêng.

Và nếu những cái bắt tay, chia tay là ngoài công vụ và là nhân văn. Xin được áp dụng rộng rãi cái nhân đạo này cho toàn khắp các can phạm. Được như vậy thì giá trị tư pháp của tấm ảnh thẩm phán Toàn ‘vỗ vai’ bị án Chung sẽ lay động cả một chế độ nhà tù Việt Nam vốn rất được thế giới quan tâm.

Tự do – Bình đẳng – Bác ái là tuyên ngôn nhân văn của nhân loại! Nhưng Nhân văn là loại Bác Ái khi xây  dựng trên nền tảng của Tự do, Bình đẳng, nếu không thì xem ra cái giả danh Bác ái chỉ là tùy tiện và phù phiếm mà thôi!”.

Bên lề vụ việc, luật sư Tr.Th. biện giải vầy: Nữ thần công lý luôn cầm thanh kiếm. Đây là biểu tượng cho sức mạnh của quyền uy, cưỡng chế khi cần thiết để giúp bảo đảm cho công lý phải được thực thi. Ngoài ra, thanh kiếm là tượng trưng cho khả năng tìm ra sự thật giữa những điều dối trá, rằng công lý sẽ không có sự thỏa hiệp.

“Thế nhưng chốn pháp đình xứ mình là nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm gì có chỗ cho sự dối trá nên cần thanh kiếm làm gì? Lẽ đó nên có vỗ vai, bắt tay gì gì đi nữa giữa thẩm phán và bị án, thì đó cũng chỉ là tình đồng chí thôi mà! Nhân văn cộng sản chính là chỗ đó!” – luật sư Tr.Th., nhận xét.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)