VNTB – Tại sao rất nhiều sinh viên Luật muốn “xóa sổ giặc Đồng Tâm”?

VNTB – Tại sao rất nhiều sinh viên Luật muốn “xóa sổ giặc Đồng Tâm”?

Trần Kiên

(VNTB) – Vụ việc Đồng Tâm mang lại nhiều hiện tượng đáng bàn. Nhiều sinh viên thể hiện “hận thù”, “khát máu”, và nhìn người dân Làng Hoành (xã Đồng Tâm, Tp. Hà Nội) là “giặc”.

Khi sinh viên khát máu người

Nhà vận động nhân quyền, bà Nghiêm Hoa trong chia sẻ vào ngày 9/1/2020 trên Facebook cá nhân, bày tỏ sự “lạnh người, rùng mình” với những lời sắt máu kêu gọi “xóa sổ Đồng Tâm” khi vào một Fanpgae của sinh viên Luật.

“Có học mà lại học Luật […] hô hào trả thù, xóa sổ thì tương lai ở đâu? Còn tuyên truyền ‘khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định’ thì bao giờ mới có thượng tôn pháp luật”, bà Nghiêm Hoa bày tỏ.

Bà Nguyễn Hoàng Anh (giáo viên trường ĐH Thương Mại, Hà Nội) đồng ý với quan điểm của bà Nghiêm Hoa, chia sẻ: “Sinh viên các trường Luật, Cảnh sát, Quân sự… nhiều bạn làm mình rất sợ hãi về độ brainwash (tẩy não) của họ.”

Tương tự như bà Nguyễn Hoàng Anh, Facebooker Lê Nguyen Duy Hau cho biết: “Nhiều người được dạy luật là công cụ của chính trị, cho nên nếu quan điểm chính trị không cho phép thì luật lá không có ý nghĩa”.

Nhìn chung, cả ba quan điểm đều bày tỏ về thực trạng không ít sinh viên Luật trở nên mất lý trí và phụ thuộc hoàn toàn vào truyền thông nhà nước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì “tẩy não” như bà Nguyễn Hoàng Anh nêu ra xuất phát từ nguyên tắc pháp luật trong sách giáo trình giảng dạy, nghiêng hẳn về “công cụ của chính trị”. Bản chất của luật đã đi chệch khỏi nguồn gốc của nó, là pháp trị (rule by law), chứ không phải là pháp quyền (rule of law). Nói cách khác, pháp luật được nhào nặn trong tay kẻ cầm quyền để cai trị xã hội, chứ không phải là để mọi người công bình thụ hưởng công lý của pháp luật.

Trong mỗi trường Đại học nói chung và mỗi trường Đại học giảng dạy chuyên ngành luật nói chung, hạt nhân của lãnh đạo chính là Đảng bộ ĐCSVN.

Sự tồn tại của đảng ủy là duy trì sự cai trị của pháp luật và, như một công cụ để cai trị xã hội, biến sinh viên trường luật thành những người dựa vào quyền lực, thay vì nghĩ về bản chất của sự vật và tìm hiểu công lý. Mặc dù lời lẽ “khát máu” đòi xóa sổ “giặc Đồng Tâm” không hoàn toàn đến từ các sinh viên luật, bởi không ít sinh viên nhận thức được bản chất sự việc, bày tỏ sự đau buồn, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi một sự minh bạch hơn trong điều tra vấn đề Đồng Tâm và làm rõ nguyên nhân gốc rễ của những thương vong trong ngày 9/1/2020. Thế nhưng, con số phản ứng đòi “xóa sổ” áp đảo trên các Fanpage Luật là đáng lo ngại, bởi tương lai, không ít những sinh viên này sẽ được ngồi trong các cơ quan, đơn vị đưa ra các quyết định liên quan đến công lý, nhân phẩm và tự do con người.

Tất cả sự khát máu (nếu có) ở sinh viên khi nhìn về vụ việc Đồng Tâm là hệ quả của nền giáo dục phi tự do tư tưởng, phi tự do học thuật hiện nay, khiến tư duy của các sinh viên bị đóng khung. Mặc dù thế – cần thiết cũng phải đề cập đến một nguyên nhân nằm trong chính sinh viên, đó là thực trạng “lười suy nghĩ, động não, tư duy” trong các vấn đề chính trị – xã hội hiện nay. Đối với nhiều sinh viên, tuyên bố của nhà nước là đúng, và quan điểm, hay chủ trương chỉ đạo của Đảng là chân lý,  thay vì tự tìm kiếm – suy nghĩ và đặt câu hỏi. Hình thành một lớp sinh viên “tự tẩy não” chính mình bằng sự lười biếng, ru ngủ cá nhân.


Đó là lý do tại sao trong câu chuyện này, buộc phải đề cập đến sinh viên Khưu Hồng Linh (sinh viên chất lượng cao, thuộc ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh), đã đưa ra phản hồi thô tục trong bức ảnh “Pray for Dong Tam” bằng cụm từ “#Paycaiconcax”. Biểu hiện này không khác gì Đại tá Cảnh sát Vũ Văn Hiền, người tuyên bố, “Tự do cái con cặc” khi nói với bà Dương Thị Tân (vợ Blogger Điếu Cày). Một tuyên bố mà nguồn gốc đến từ sự tẩy não và tự tẩy não.


Việt – Trung và tự do học thuật?

Việt Nam, cũng không khác nhiều lắm so với Trung Quốc, khi mới đây, chính quyền Tập Cận Bình đã bắt buộc một trường Đại học danh tiếng của nước này, trường Đại học Phúc Đán xóa bỏ “tự do tư tưởng” ra khỏi triết lý giáo dục của trường, và hạ “độc lập học thuật” xuống sau “lòng yêu nước”. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh, chính quyền Tập Cận Bình gia tăng đàn áp tự do ngôn luận, kiểm duyệt tại đất nước đông dân nhất trên thế giới này.

Ngoài ra, Đại học Phúc Đán còn mở rộng để cam kết trung thành với đảng. “Trường đại học tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ thực hiện đầy đủ chính sách giáo dục của đảng”.

Peidong Sun, một nhà xã hội học, Phó giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Phúc Đán nói: “Đối với những người sẵn sàng ca ngợi sự lãnh đạo hiện tại, đây là thời điểm tốt nhất để làm việc. Nhưng nếu thực sự muốn nghiên cứu và có những suy nghĩ độc lập, thì đây là thời điểm khó khăn”.

“Không có trường đại học nào ở Trung Quốc có tự do tư tưởng hay độc lập học thuật”, Sun nói, lưu ý rằng tự do trí tuệ bắt đầu bị hạn chế khi Cộng sản nắm trọn quyền lực vào những năm 1940.

“Kiểm soát tư tưởng là một trong những phần quan trọng trong cai trị của Đảng Cộng sản,” cô nói. “Nghệ thuật nên phục vụ chính trị; trí thức nên phục vụ đảng. Đây luôn là quy tắc. Nó chưa bao giờ được thay đổi, và nó sẽ không bao giờ thay đổi.”

Được thành lập vào năm 1905 bởi một linh mục Dòng Tên, Phúc Đán là trường đại học đầu tiên được thành lập bởi một người Trung Quốc. Tên của nó, có nghĩa là “trở lại” và “bình minh”, xuất phát từ một bài thơ cổ điển của Trung Quốc có nội dung: “Ánh sáng sáng mai sớm quay trở lại”.

Có trụ sở tại Thượng Hải, Đại học Phúc Đán xuất sắc trong lĩnh vực nhân văn, khoa học và y học, và là một không gian tương đối tự do ở Trung Quốc.

Phúc Đán cũng từng được quảng bá là “đối tác chiến lược” với các trường đại học khác nhau bao gồm Yale ở Mỹ và Đại học Quốc gia Singapore. Tuy nhiên, có lẽ sau khi tôn chỉ bị thay đổi, tự do học thuật biến mất, thì ý nghĩa đối tác sẽ không còn tồn tại.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)