Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth
Foreign Affairs, tháng 5-6, 2016
Vũ Quốc Ngữ lược dịch
(VNTB) – Stephen G. Brooks là phó giáo sư còn William C. Wohlforth là giáo sư tại Đại học Dartmouth. Bài viết này được chuyển thể từ cuốn sách sắp ra mắt của họ: Nước Mỹ ngoài biên giới: Vai trò toàn cầu của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 (Oxford University Press, 2016).
Sau hai thập kỷ rưỡi, vị trí siêu cường duy nhất trên thế giới của Hoa Kỳ sắp kết thúc? Nhiều người đồng ý vì họ nhìn thấy một Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh và sẵn sàng bắt kịp hoặc thậm chí vượt Mỹ trong tương lai gần. Bằng nhiều thước đo, nền kinh tế của Trung Quốc được nhận định là đang trên đường trở thành lớn nhất thế giới, và ngay cả khi tăng trưởng chậm lại, nó vẫn sẽ vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ trong nhiều năm. Kho bạc của nước này đầy ắp tiền, Bắc Kinh sử dụng sự giàu có mới mình để thu hút bạn bè, ngăn chặn kẻ thù, hiện đại hóa quân đội của mình, và khẳng định tuyên bố chủ quyền ở ngoại vi của quốc gia này. Do đó, đối với nhiều người, vấn đề không phải là liệu Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường hay không, mà chỉ là thời điểm nhanh hay chậm.
Nhưng đây là suy nghĩ mơ mộng hoặc sợ hãi. Tăng trưởng kinh tế không còn được chuyển hóa trực tiếp vào sức mạnh quân sự như nó đã làm trong quá khứ, điều đó có nghĩa rằng bây giờ khó khăn hơn bao giờ hết cho những quyền lực mới nổi và ít có khả năng những quyền lực đã có bị suy giảm. Và Trung Quốc là nước duy nhất có khả năng để trở thành một đối thủ toàn cầu thực sự của Hoa Kỳ-cũng phải đối mặt với một thách thức khó khăn hơn các quốc gia tăng trưởng trước đó vì nước này bị tụt hậu khá xa về công nghệ. Mặc dù sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ đã bị suy giảm từ đỉnh điểm, ưu thế quân sự tuyệt đối của nước này không vì thế mà suy giảm. Thay vì chờ đợi một sự chuyển đổi quyền lực trong bàn cờ chính trị quốc tế, mọi người nên bắt đầu làm quen với một thế giới trong đó Hoa Kỳ vẫn là siêu cường duy nhất trong nhiều thập kỷ tới.
Tính ưu việt bền vững sẽ giúp Hoa Kỳ tránh khỏi sự nguy hiểm lớn nhất, chiến tranh giữa các nước lớn trên thế giới. Và nó sẽ cung cấp nhiều lựa chọn cho Washington để đối phó với các mối đe dọa phi nhà nước như chủ nghĩa khủng bố và những thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu. Nhưng nó cũng sẽ áp đặt gánh nặng của sự lãnh đạo và phân bố lực lượng giữa các ưu tiên trong hoàn cảnh tài chính hạn hẹp hơn. Quyền lực lớn đi đôi với trách nhiệm lớn và để thực hiện thành công vai trò hàng đầu của mình, Washington cần thể hiện một sự trưởng thành mà chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã thiếu quá thường xuyên.
Sự giàu có của các quốc gia
Trong dự báo về vị trí quyền lực trong tương lai của Trung Quốc, nhiều thách thức của quốc gia này đã được nhắc đến: nền kinh tế chậm lại, môi trường ô nhiễm, tham nhũng tràn lan, thị trường tài chính đầy nguy hiểm, không tồn tại mạng lưới an sinh xã hội, nhanh chóng lão hóa dân số, và tầng lớp trung lưu bất ổn. Nhưng cũng có hại như những vấn đề này, gót chân Achilles thực sự của Trung Quốc trên sân khấu thế giới là thứ khác: công nghệ lạc hậu so với Hoa Kỳ. So với các thế lực đang lên trước đây, Trung Quốc tụt hậu công nghệ với Mỹ lớn hơn. Trung Quốc có thể xuất khẩu loại hàng hóa công nghệ cao hết container sang container khác, nhưng trong một thế giới của sản xuất toàn cầu hóa, điều này không có ý nghĩa nhiều. Một nửa trong số tất cả các hàng xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm hàng hóa mà các nhà kinh tế học gọi là “thương mại chế biến,” có nghĩa là Trung Quốc nhập khẩu linh kiện để lắp ráp và sau đó xuất khẩu. Và phần lớn trong số hàng xuất khẩu của Trung Quốc được điều hành bởi các công ty từ những nước phát triển chứ không phải là các công ty bản địa. Khi nhìn vào các biện pháp của sức mạnh công nghệ mà phản ánh tốt hơn các nguồn gốc quốc gia của công nghệ, vị trí thực sự của Trung Quốc trở nên rõ ràng. Số liệu của Ngân hàng Thế giới về khoản thanh toán cho việc sử dụng các tài sản trí tuệ, ví dụ, chỉ ra rằng Hoa Kỳ vượt trội về công nghệ tiên tiến, với 128 tỷ USD trong năm 2013, nhiều hơn bốn lần so với nước đứng thứ hai là Nhật Bản. Trung Quốc, ngược lại, nhập khẩu công nghệ trên quy mô lớn, nhận được ít hơn 1 tỷ USD trong năm 2013 cho việc sử dụng các tài sản trí tuệ của mình. Một chỉ số nữa về khoảng cách công nghệ là số bằng sáng chế đăng ký tại Hoa Kỳ, Châu Âu, và Nhật Bản. Trong năm 2012, gần 14.000 bằng sáng chế có nguồn gốc ở Hoa Kỳ, so với dưới 2.000 ở Trung Quốc. Sự phân bố các bài báo có ảnh hưởng lớn trong khoa học và kỹ thuật- số bài viết ở 1% đầu tiên được trích dẫn nhiều, được thống kê bởi National Science Foundation, cho thấy cùng một xu hướng, trong đó Hoa Kỳ chiếm gần một nửa trong số những bài viết đó, hơn tám lần của Trung Quốc. Tình trạng tương tự về giải thưởng Nobel về Vật lý, Hóa học, và Sinh lý học và Y học. Kể từ năm 1990, 114 giải đã được trao cho các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc chỉ nhận được hai.
Chính vì nền kinh tế của Trung Quốc không giống như nền kinh tế của Hoa Kỳ, các biện pháp thúc đẩy kỳ vọng của một sự thay đổi quyền lực, GDP, có rất nhiều đánh giá thấp khoảng cách kinh tế thực sự giữa hai nước. Có một điều, sự tàn phá môi trường ghê gớm ở Trung Quốc vì ưu tiên tăng trưởng GDP sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế theo thời gian bằng cách rút ngắn tuổi thọ của con người và tăng nhanh chi phí xử lý môi trường và chăm sóc y tế. Một điều khác nữa là, GDP được thiết kế để đo lường nền kinh tế sản xuất giữa thế kỷ hai mươi, và do đó, khi nền kinh tế càng dựa trên tri thức và toàn cầu hóa sản xuất thì GDP không đánh giá kích thước thật của nền kinh tế của một quốc gia.
Một thống kê mới được phát triển của Liên Hợp Quốc cho thấy mức độ mà GDP thổi phồng sức mạnh tương đối của Trung Quốc. Được gọi là “giàu có thực sự”, biện pháp này thể hiện nỗ lực thống nhất các nhà kinh tế để tính toán sự giàu có của một quốc gia. Như báo cáo của Liên Hợp quốc giải thích, nó tính tài sản hàng hóa của một quốc gia trong ba lĩnh vực: “(i) vốn sản xuất (đường xá, nhà cửa, máy móc, thiết bị), (ii) nguồn nhân lực (kỹ năng, giáo dục, y tế), và (iii ) vốn tự nhiên (nguồn lực của đất, hệ sinh thái, không khí).” Với tính toán trên, tài sản thực sự của Hoa Kỳ đạt gần 144 nghìn tỷ USD còn của Trung Quốc là 32 nghìn tỷ USD.
Kích thước thực sự của nền kinh tế của Trung Quốc so với Mỹ “có thể nằm đâu đó ở giữa các con số dựa trên GDP và sự giàu có, và phải thừa nhận rằng, cách tính toán sau vẫn chưa nhận được cùng một mức độ quan trọng như GDP. Vấn đề với cách tính GDP là nó nó tính dòng chảy (thông thường, là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một năm), trong khi cách tính kia tính giá trị hàng hóa. Như tờ The Economist nói “đo công một nền kinh tế theo GDP cũng giống như đánh giá một công ty bằng lợi nhuận hàng quý của mình mà không bao giờ nhìn vào bảng cân đối của nó.” Bởi vì cách tính “giàu có thực sự” tính tất cả tài nguyên mà một chính phủ có thể sử dụng để đạt được mục tiêu chiến lược, nó là thước đo hữu ích hơn khi nói về sự cạnh tranh địa chính trị.
Nhưng dù người ta so sánh kiểu gì hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, có một sự thực rõ ràng là Hoa Kỳ tiến xa hơn về khả năng chuyển đổi các nguồn lực của mình vào sức mạnh quân sự. Trong quá khứ, các quốc gia phát triển có mức độ sức mạnh công nghệ tương tự như của những nước hàng đầu. Trong thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ví dụ, Hoa Kỳ đã không tụt hậu xa so với Vương quốc Anh về công nghệ, Đức cũng không tụt hậu xa so với các nước đồng minh trong những năm giữa hai cuộc chiến, Liên Xô cũng không lạc hậu về công nghệ so với Hoa Kỳ trong thời gian đầu của chiến tranh lạnh. Điều này có nghĩa rằng khi những kẻ thách thức có nền kinh tế tăng trưởng, chúng sớm trở thành thách thức quân sự nghiêm trọng cho nước đang thống trị. Tuy nhiên, sự lạc hậu tương đối về công nghệ hiện nay của Trung Quốc có nghĩa là ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng, nước này sẽ không dễ dàng bắt kịp về sức mạnh quân sự để trở thành một đế chế toàn cầu thực sự, trái ngược với việc trở thành một nước lớn trong khu vực.
Rào cản gia nhập
Sự khác biệt về công nghệ và kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không là vấn đề lớn nếu tất cả nó đã đạt được vị thế siêu cường là khả năng sử dụng vũ lực tại khu vực. Nhưng những gì làm cho Hoa Kỳ thành một siêu cường là khả năng hoạt động trên toàn cầu, và giới hạn của khả năng đó là rất lớn. Như nhà khoa học chính trị Barry Posen nói về khái niệm “kiểm soát toàn diện”, Mỹ kiểm soát cả bầu trời, vũ trụ và đại dương cùng với cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc quản lý các cơ sở đó. Khi một người đo 14 tiêu chí của hệ thống để tạo ra khả năng này (tất cả mọi thứ từ tàu ngầm tấn công hạt nhân đến vệ tinh để vận chuyển máy bay), đều cho thấy lợi thế áp đảo của Hoa Kỳ trong từng lĩnh vực, là kết quả của tiến bộ trong nhiều thập niên trên nhiều mặt trận. Trung Quốc cần một thời gian rất dài để tiếp cận sức mạnh của Hoa Kỳ trên bất kỳ một lĩnh vực nào, đừng nói là tất cả các lĩnh vực.
Có một điều, là Hoa Kỳ đã xây dựng được một cơ sở khoa học và công nghiệp lớn. Trung Quốc đang ồ ạt tăng cường đầu tư vào công nghệ của mình, tăng chi tiêu R & D và số lượng sinh viên tốt nghiệp có trình độ khoa học và kỹ thuật. Nhưng có những giới hạn với bất cứ nước nào trong việc phát triển nhanh trong các vấn đề như vậy, và có nhiều trở ngại khác nhau mà Trung Quốc đang gặp phải như thiếu bảo vệ hiệu quả sở hữu trí tuệ và kém hiệu quả trong phân bổ vốn- một điều vô cùng khó để thay đổi khi nhìn vào hệ thống chính trị cứng nhắc của quốc gia này. Thêm vào những khó khăn đó là Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu di động. Trong năm 2012, Mỹ đã chi 79 tỷ USD cho R & D trong quân sự, hơn 13 lần so với số tiền ước tính của Trung Quốc, vì vậy ngay cả những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc vẫn không đủ để thu hẹp khoảng cách.
Mỹ có hàng thập kỷ để nghiên cứu các hệ thống vũ khí tiên tiến, và những hệ thống này càng trở nên tinh vi hơn theo thời gian. Trong những năm 1960, để phát triển một máy bay mới cần khoảng 5 năm, nhưng vào những năm 1990, khi số lượng các bộ phận và dòng mã tăng vọt, thời gian kéo dài thành mười năm. Ngày nay, phải mất 15-20 năm để thiết kế và xây dựng một máy bay chiến đấu tiên tiến nhất, và để chế tạo vệ tinh quân sự cần thời gian dài hơn. Vì vậy, ngay cả khi nước khác thành công trong việc xây dựng cơ sở khoa học và công nghiệp để phát triển nhiều loại vũ khí mà như Hoa Kỳ đang có, sẽ mất một khoảng thời gian dài trước khi thực sự có thể sở hữu chúng. Ngay cả các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc nhận thức được sự thách thức này.
Kiểm soát toàn diện cũng đòi hỏi khả năng giám sát một loạt các dự án quốc phòng khổng lồ. Nhiều đồn thổi về các tệ nạn của khu phức hợp quân sự-công nghiệp và các “chất thải, gian lận và lạm dụng” trong Lầu Năm Góc, tại Hoa Kỳ, các phòng thí nghiệm nghiên cứu, các nhà thầu, và các quan chức đã tích lũy chuyên môn trong nhiều thập kỷ mà các đối thủ Trung Quốc chưa thể có. Đây là loại kinh nghiệm “vừa học vừa làm” trong các tổ chức chứ không phải của từng cá nhân. Nó chỉ được chuyển nhượng thông qua trình diễn và hướng dẫn, vì vậy đánh cắp hoặc các hình thức khác của hoạt động gián điệp không hiệu quả trong việc sở hữu nó.
Công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, và như học giả Richard Bitzinger và các đồng nghiệp của ông đã kết luận, “Ngoài một thành tựu xuất sắc như tên lửa đạn đạo, khu phức hợp quân sự-công nghiệp của Trung Quốc dường như chỉ chứng minh một vài năng lực thiết kế và sản xuất một số vũ khí thông thường tương đối tiên tiến.” Ví dụ, Trung Quốc vẫn không thể sản xuất hàng loạt động cơ máy bay hiệu suất cao, mặc dù đã ném nguồn lực to lớn vào nghiên cứu, và dựa trên các mô hình hạng hai của Nga. Với các lĩnh vực khác, Bắc Kinh thậm chí không bận tâm cạnh tranh. Hãy nói về vũ khí dưới nước. Trung Quốc vẫn nghèo nàn về vũ khí chống tàu ngầm và nước này không có nhiều cố gắng để cải thiện tình hình. Cho đến giờ, Trung Quốc mới chỉ có khả năng sản xuất tàu ngầm tấn công hạt nhân có thể so sánh về độ yên tĩnh với các loại tàu ngầm mà Hải quân Hoa Kỳ đưa vào sử dụng từ những năm 1950. Trong khi đó, chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư hàng trăm tỷ đô la và sáu thập kỷ nỗ lực để có được tàu ngầm lớp Virginia thế hệ hiện tai, với mức độ tuyệt đối không tiếng ồn.
Cuối cùng, phải có nhiều kỹ năng đặc biệt và cơ sở hạ tầng để thực sự sử dụng tất cả các loại vũ khí đó. Sử dụng chúng khó khăn không chỉ vì các loại vũ khí tự có xu hướng phức tạp như vậy mà còn vì chúng thường cần phải được sử dụng một cách đồng bộ. Đây là một nỗ lực vô cùng phức tạp, ví dụ, để triển khai một nhóm tàu sân bay chiến đấu; nhiều tàu và máy bay liên quan phải làm việc cùng nhau trong thời gian thực sự lâu. Ngay cả hệ thống nhìn có vẻ đơn giản, đòi hỏi kiến trúc phức tạp xung quanh để có thực sự hiệu quả. Ví dụ, máy bay không người lái làm việc tốt nhất khi quân đội có nhân viên được đào tạo để vận hành chúng, và năng lực công nghệ và tổ chức tốt để nhanh chóng thu thập, xử lý và hành động dựa trên thông tin thu ttập được từ chúng. Phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để kiểm soát toàn diện cần một thời gian rất dài. Và khi nhiệm vụ cần sự linh hoạt và đồng bộ rất cao, các lực lượng tập trung và phân cấp của Trung Quốc không đáp ứng được.
(Xem tiếp Phần 2: Trung Quốc có quá ít lợi thế để có thể đuổi kịp Mỹ)
===========================================
Theo Foreign Affairs, tháng 5-6, 2016
http://www.viet-studies.info/kinhte/USSuperPower_FA.htm