Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tại sao Việt Nam cần đồng minh là Mỹ?

Kỳ Lâm (VNTB) Việt Nam là một đồng minh tự nhiên của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc, sẽ là vậy, dù có bất kỳ luận điệu nào muốn né tránh! Bởi nếu Biển Đông bị nuốt, thì thể chế Việt Nam sẽ đối diện với sự thủ tiêu bởi sự tức giận của người dân trong nước.
 
 
Trong quá khứ, cả hai nước từng có thời điểm là Đồng Minh của nhau dưới Nam Bắc phân tranh, Nam Việt Nam trở thành một “đồng minh chiến lược” của Washington. Với miền Bắc, Việt Minh từng hợp tác với OSS (tiền thân của CIA) trong chống phát xít tại khu vực miền núi giáp Trung Quốc. Thậm chí, nhóm Con Nai (OSS) là nhóm giúp Việt Minh hiểu hơn về lối đánh du kích và sử dụng vũ khí trong thời kỳ chuyển động từ tự phát sang tự giác.
Tuy nhiên, cuộc chiến 10.000 ngày với cú tông sập cửa dinh Thống Nhất đã đẩy mối quan hệ hai nước xa chưa từng có.
 
Nhưng giờ đây, Biển Đông với nguồn dầu khí đốt lại trở thành một câu hỏi định tính về việc: liệu Mỹ có nên là Đồng minh hay Việt Nam bao giờ nhìn nhận Mỹ là đồng minh.
 
Trong trả lời phỏng vấn với Sputniknews Trung Quốc, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược, Anton Tsvetov đã cho biết, Việt Nam đang ở trong thế khó khi mà cô đơn đấu tranh một cách tuyệt vọng trong lòng ASEAN, nhất là qua hành lang Hội nghị Bộ trưởng ASEAN liên quan đến “cách diễn đạt Nghị quyết về Biển Đông”.
 
Và với Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này đang “bị mắc kẹt giữa hai phản ứng”. Theo đó, là phản ứng đòi hỏng cứng rắn “Đảng Cộng sản Việt Nam bị kẹt vì một phản ứng cứng rắn và giới hạn ngoại giao với Trung Quốc. Nếu mềm mại với Bắc Kinh, Hà Nội sẽ đối mặt với sự phản ứng trong nước”.
 
Phản ứng trong nước về mặt lý tính nói chung, dường như Trung Quốc là một thế lực xấu, nói theo ông Zhang Mingliang (khi trả lời scmp), một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết thì “Việt Nam luôn luôn là quốc gia ASEAN có những nghi ngờ mạnh nhất của Bắc Kinh … vì nước này chia sẻ cả một biên giới trên biển và đất với Trung Quốc”, Zhang nói.
 
Nỗi lo sợ của người dân Việt cũng được ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định vào năm 2015, khi “từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại.”
 
Điều này cho thấy, thời kỳ đi dây về mặt ngoại giao cần được đánh giá lại.
 
Vấn đề là Mỹ sẽ xuất hiện như thế nào trong câu chuyện này?
 
Trước hết, Mỹ là nước “thách thức” chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, là nước duy nhất có thể đối trọng với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tổng lực trên biển. Mỹ cũng là nước liên tục đề cao vai trò của tự do hàng hải trên Biển Đông, và bản thân nước này đang gắn chặt vào “lợi ích biển Đông”. Chính vì vậy, Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam một sự cứng rắn cần có, việc dựa vào Mỹ có thể đồng thời đem lại sự ủng hộ trong nước (khi người Việt Nam ngày càng thích có giá trị Mỹ, sự an tâm liên quan đến Mỹ và một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam luôn được đón tiếp như một ngôi sao hạng A cho tất cả).
 
Thứ nữa, Việt Nam dù mua các vũ khí đáng giá từ Nga hay thậm chí những lô hàng ít ỏi từ Hoa Kỳ và một số nước khác để tăng cường khả năng phòng thủ của mình, thì  đúng như nhiều nhận định cho hay, là một dải đất hẹp, kéo dài, Việt Nam thiếu một “chiều sâu chiến lược và dễ tấn công”, và việc cần được “bảo vệ hơn nữa” là nhu cầu luôn có.
 
Việt Nam có thể coi Mỹ như một chỗ dựa, nhưng chính xác hơn là một nơi đưa ra thông điệp rằng: đây là một chỗ dựa khi xung đột trên biển diễn ra.
 
Sở dĩ gọi là “chỗ dựa” chính vì Biển Đông dường như bị đối xử lạnh nhạt hơn dưới thời Donald Trump.
 
Việc Việt Nam nhún nhường Trung Quốc liên quan giàn khoan dầu Repsol tại lô 136-03 đã cho thấy một sự nhún nhường trong sự bất lực. Điều đáng nói, nhún nhường này gián tiếp chấp nhận sự thất bại về mặt bảo vệ chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi giàn khoan nằm trong vùng ranh biên giới 200 hải lý của Việt Nam, cùng với những hòn đảo nhân tạo – Trung Quốc đang cho Hà Nội thấy, dã tâm họ đang lên.
 
Kết quả, ông Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius để bàn về tăng cường hợp tác quốc phòng. Bởi lẽ, Việt Nam thực sự cô đơn trong lòng ASEAN, và biện pháp hòa bình/ pháp lý quốc tế chưa bao giờ là một yếu tố khiến Trung Quốc chú ý đến. Về mặt quan hệ, Việt Nam chưa bao giờ là bạn thực sự của một quốc gia nào có tiếng nói tới Biển Đông, và ngay cả Washington thì Hà Nội cũng sẽ không nhận được sự trợ giúp pháp lý trong trường hợp bị tấn công.
 
Chính sách ngoại giao “đu dây” đã khiến Việt Nam tự cô lập mình.
 
Dù chưa đưa ra một tuyên bố rành mạch, nhưng dường như Việt Nam đang cuốn theo Mỹ.
Và thực tế đang diễn ra như thế, khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã gặp gỡ với người đồng nhiệm Mỹ, James Mattis, tại Washington. Nó xóa bỏ “nỗi sợ về sự không hậu thuẫn của người Mỹ” trong trong lãnh đạo Bộ Chính trị Việt Nam (như cách mà Foreign Policy 31/07 chỉ ra). Kết quả, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến Việt Nam trong năm 2018, đây là lần đầu tiên sau năm 1975, một biểu tượng quân sự Mỹ được Hà Nội đón nhận.
 
Việt Nam cần Mỹ là đồng minh không còn là câu hỏi, mà là một mệnh lệnh thời đại – của lòng dân. Bởikhi Trung Quốc đang điên cuồng ngoài vùng biển Đông, khi ASEAN chỉ là tổ chức vô hợp, thì Mỹ là một đồng minh cần thiết giúp Việt Nam không còn cô đơn trong trận chiến chủ quyền.
 
Muốn như vậy, Việt Nam cần thể hiện một sự thành tâm hơn, trung thực hơn trong mối quan hệ với Mỹ. Và Mỹ cũng nên thực dụng hơn, nghiêm khắc hơn trong mối quan hệ Việt Nam, tránh trường hợp Hà Nội chơi chiêu trò “đổi nhân quyền lấy an ninh” như trong thời gian qua.
 
Một bối cảnh Việt – Mỹ đồng minh, thế chân Mỹ – Philiphines là một hướng đi tốt, cho cả hai dân tộc.
 
Việt Nam là một đồng minh tự nhiên của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc, sẽ là vậy, dù có bất kỳ luận điệu nào muốn né tránh! Bởi nếu Biển Đông bị nuốt, thì thể chế Việt Nam sẽ đối diện với sự thủ tiêu bởi sự tức giận của người dân trong nước.
Mỹ – cựu thù của Việt Nam giờ đây được đặt câu hỏi: bao giờ sẽ là đồng minh của Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB- Dự đoán kết quả phán quyết vụ kiện “Đường lưỡi bò”

Phan Thanh Hung

VNTB – Sau Covid-19, Việt Nam nên thế nào với Trung Quốc và Mỹ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Liên Âu -Indonesia: Trận Hải quân chung lần đầu tiên

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.