VNTB – Tại sao Việt Nam gia tăng đàn áp người hoạt động, blogger?

VNTB – Tại sao Việt Nam gia tăng đàn áp người hoạt động, blogger?
Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB) Thời điểm bắt giữ và xét xử gần đây cho thấy Bộ Công an đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC nhằm phá vỡ mạng lưới những người hoạt động và đe doạ những người khác, những người có thể sẽ tham gia những cuộc biểu tình trên mạng xã hội hoặc trên đường phố.
 
Lời người dịch: Chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền và giới blogger trong thời gian gần đây, bao gồm việc bắt giữ sáu nhà hoạt động với cáo buộc “lật đổ chính quyền” theo Điều 79 và kết án với bản án nặng nề hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thúy Nga. Sau đây là ý kiến của Giáo sư Carlyle A. Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia về tình hinh ở Việt Nam.
 
Những câu hỏi đặt ra
 
Chúng ta chưa bao giờ thấy có quá nhiều nhà hoạt động bị bắt và bị kết án trong thời gian ngắn như đang diễn ra ở Việt Nam trong mấy tháng vừa qua. Ông có thể giải thích tình hình này không?
 
Ông có nghĩ rằng có xu hướng tăng cường đàn áp các nhà hoạt động gần đây vì Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không quan tâm đến vấn đề quyền con người ở Việt Nam?
 
Ông có nghĩ rằng quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Trump làm cho Việt Nam cảm thấy tự tin hơn khi có thể đàn áp các nhà hoạt động/người bất đồng chính kiến ​​mà không lo ngại về cam kết của mình đối với TPP?
 
Có yếu tố trong nước ảnh hưởng đến quyết định tăng cường đàn áp các nhà hoạt động vì dân chủ không?
 
Ông có đồng ý rằng chiến dịch đàn áp khốc liệt đối với giới bất đồng chính kiến ​​sẽ cho thấy một hình ảnh Việt Nam rất xấu trong cộng đồng quốc tế?
 
Đánh giá của Giáo sư Carlyle A. Thayer: Có ít nhất năm yếu tố giải thích các vụ bắt giữ và xét xử gần đây chống lại các nhà hoạt động và các blogger ở Việt Nam.
 
Năm yếu tố
 
Yếu tố đầu tiên là thói quen quan liêu của Bộ Công an (BCA).Tất cả những người bị bắt đã được BCA biết rõ. Thói quen quan liêu của cơ quan này là thiết lập một hồ sơ và thu thập thông tin một cách có hệ thống về những gì một cá nhân đã nói trước công chúng, bao gồm các bài đăng trên blog và Facebook, cũng như danh sách những người liên quan. Sau đóan ninh sẽ tiếp cận các thành viên trong gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp để thuyết phục họ rằng đối tượng bị nghi ngờ là một người xấu và họ nên can đảm ngăn cản người này chấm dứt các hoạt động chống nhà nước. A ninh có thể gọi “đối tượng” để thẩm vấn kèm theo hăm dọa. Nếu nhà hoạt động hoặc blogger này tiếp tục công việc, hồ sơ của người đó sẽ được thiết lập chuỗi lệnh hành động để đối phó.
 
Yếu tố thứ hai là Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm và BCA không muốn sự việc năm 2006 lặp lại khi Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC. Vào thời điểm đó Khối 8406 xuất hiện ngày 08/4 với lời kêu gọi đòi dân chủ và nhân quyền. Vào đêm trước của hội nghị thượng đỉnh, Khối 8406 kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự sự kiện phản đối chính phủ Việt Nam về đàn áp nhân quyền. An ninh đã khống chế nơi ở của các thành viên Khối 8406 nhằm ngăn cản họ gặp gỡ với quan chức nước ngoài. Sau hội nghị thượng đỉnh, nhiều nhà hoạt động thuộc Khối 8406 đã bị bắt, bị xét xử và bỏ tù.
 
Thời điểm bắt giữ và xét xử gần đây cho thấy Bộ Công an đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn trước Hội nghị Tthượng đỉnh APEC nhằm phá vỡ mạng lưới những người hoạt động và đe doạ những người khác, những người có thể sẽ tham gia những cuộc biểu tình trên mạng xã hội hoặc trên đường phố.
 
Yếu tố thứ ba là đánh giá của BCA rằng Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ chỉ đưa ra những phản đối như thường lệ về việc bắt giữ các nhà hoạt động và các blogger.Sự đánh giá này được hình thành khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng Năm năm ngoái.Hoa Kỳ chỉ có lời chỉ trích của vị Đại sứ sắp mãn nhiệm Ted Osius và tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
 
Nên nhớ rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam là một phần của 9 lĩnh vực hợp tác được liệt kê trong tuyên bố chung năm 2013 về hợp tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai nước có đối thoại song phương về nhân quyền hàng năm và Hoa Kỳ đang cung cấp trợ giúp pháp lý cho Việt Nam để đưa luật của Việt Nam phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế. Nhân quyền cũng có trong bản tuyên bố chung của Tổng thống Trump và Thủ tướng Phuc vào cuối tháng 5 năm nay. Dường như hai nhà lãnh đạo không đề cập vấn đề này một cách kỹ lưỡng hoặc hoàn toàn không đề cập trong một cuộc gặp chỉ có 30 phút thông qua thông dịch viên. Tuyên bố chung đã được soạn thảo trước đó và văn bản này lướt qua vấn đề nhân quyền một cách chiếu lệ. Không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc bán vũ khí và công nghệ quân sự của Hoa Kỳ với vấn đề nhân quyền. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cũng có ít liên quan đến nhân quyền, phần nhạy cảm nhất liên quan đến quyền của người lao động với quyền được lập hội và tiêu chuẩn lao động của chính họ. Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng các yêu cầu này bằng cách đảm bảo rằng các hiệp hội lao động độc lập chỉ tập trung vào các điều khoản và điều kiện làm việc tại nơi làm việc chứ không phải các vấn đề nhạy cảm chính trị khác.
 
Yếu tố thứ tư là thời điểm của những vụ bắt giữ và xét xử.BCA đã tính toán rằng họ có đủ thời gian để vấn đề này lắng xuống hoặc có đủ thời gian để hành động nhằm giảm nhẹ hậu quả, như trả tự do cho một hoặc nhiều nhà hoạt động trước Hội nghị APEC. Việt Nam có thể nói rằng việc phóng thích dựa trên lý do y tế hoặc do hành vi tốt của tù nhân. Có thể xảy ra việc Việt Nam cho phép một cựu tù nhân rời Việt Nam đi lưu vong ở Mỹ hay nơi khác. 
 
Yếu tố thứ năm liên quan đến mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.Cách đây vài năm, khi có các cuộc biểu tình công khai và cuộc chiến tranh trên mạng internet giữa các cư dân mạng của Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo hai nước đồng ý “dẫn dắt công luận”.Nhiều người bị bắt giữ gần đây là những người từng phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và phản ứng của chính phủ Việt Nam. Các viên chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, từ Đại sứ xuống, sẽ không mất thời gian trong việc thúc giục Việt Nam hành động chống lại những người “làm tổn thương người dân Trung Quốc” hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc.
 
Bằng cách trấn áp các nhà hoạt động và blogger, Hà Nội đang gửi tín hiệu cho Bắc Kinh rằng Việt Nam cam kết duy trì quan hệ song phương.Thậm chí còn nhạy cảm hơn, đó là thách thức của các cuộc biểu tình của dân chúng đối với chính phủ Việt Nam và mối liên hệ với Trung Quốc như thế nào. Rõ ràng đã có một tin xấu báo hiệu ở Việt Nam về vấn đề này. Một vấn đề nhỏ xoay quanh vụ cá chết hàng loạt gây ra bởi Formosa và tác động của nó đối với quan hệ với Đài Loan. Chính phủ Hà Nội, đã được nhận bồi thường, có mọi lý do để giảm độ nóng của vấn đề này vì tầm quan trọng của quan hệ kinh tế với Đài Loan dưới một chính phủ mới.
 
Tất cả năm yếu tố tương tác với nhau ở cấp độ chiến lược và đặt ra bối cảnh để giải thích chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng những vụ bắt bớ và xét xử gần đây.
 
Việc đàn áp của Việt Nam chống lại các nhà hoạt động xã hội đã bị Liên Hợp quốc lên án.Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng có thể được đưa ra thảo luận giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về hiệp định thương mại tự do. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ có thể đưa ra các vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong Quốc hội. Điểm mấu chốt là chiến dịch đàn áp gần đây của Việt Nam sẽ không gây ra thiệt hại không thể khắc phục được trong quan hệ song phương của Việt Nam với Hoa Kỳ, các thành viên EU, Nhật Bản hoặc Australia.
 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)