VNTB – Tại sao Việt Nam lại kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc?

VNTB  – Tại sao Việt Nam lại kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Việt Nam kiên trì chính sách “Một Trung Quốc” và mong các bên kiềm chế, không làm căng thẳng thêm tình hình khu vực.

 

“Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’ và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên sáng sớm ngày 3-8 về tình hình eo biển Đài Loan.

Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thu Hằng đưa ra rất nhanh ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan đêm 2-8, đánh dấu chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất Mỹ tới hòn đảo trong 25 năm.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, “Một Trung Quốc” có nghĩa là trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc.

Thắc mắc là tại sao Việt Nam lại nói kiểu “Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc”, mà không nói “Việt Nam tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc”?

Vậy thì Việt Nam kiên trì thực hiện có nghĩa là gì? Người ta sẽ hiểu là “sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng Việt Nam bằng mọi cách, đốt cháy Trường sơn và tát cạn Biển Đông, ngay cả nướng vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu dân là chuyện nhỏ, miễn chính sách “Một Trung Quốc” được thực hiện.

Trong từ điển tiếng Việt thì khi sử dụng “kiên trì” là động từ thì có nghĩa trì chí, bền lòng theo đuổi. Khi “kiên trì” là tính từ thì có thể hiểu đó là giữ vững ý kiến đến cùng, bất chấp mọi khó khăn, trở ngại.

Một luật sư ý kiến rằng nếu phát ngôn, “Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc, thì hóa ra Việt Nam là “chủ thể – Trung Quốc” à? Việt Nam là quốc gia khác, có chủ quyền độc lập, sao lại “kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc” được. Nếu do sai sót thì đây là sai sót đặc biệt nghiêm trọng! Còn nếu đây là chủ đích, thì coi như xong phim? Liệu phát ngôn này là sai sót hay có ẩn ý gì?”.

Liên quan đến cách phát ngôn với tư cách đại diện quốc gia, trong cuộc họp báo tương tự tại Nhà Trắng, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định chuyến thăm của bà Pelosi là “không thay đổi lập trường của Mỹ đối với “Một Trung Quốc”. Ông Kirby cũng cho biết việc chủ tịch Hạ viện Mỹ quyết định thăm Đài Loan là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của bà và điều này không xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Mỹ thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”” và công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc đại lục năm 1979.

Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “không có Đảng Cộng sản Trung Quốc thì không có nước Trung Quốc mới, không có sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

Trong phát biểu tại buổi lễ, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn tổ quốc, là “nhiệm vụ lịch sử không thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất cứ ai đều không nên coi nhẹ quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, năng lực lớn mạnh giữ gìn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc”.

Ông nói thêm, tất cả người Trung Quốc ở cả hai bờ eo biển Đài Loan phải làm việc cùng nhau và xóa bỏ bất kỳ khái niệm nào về nền độc lập của Đài Loan.

Sự cẩn trọng khi phát ngôn trên cương vị đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam là cần thiết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)