VNTB – Tái thiết đất nước thời hậu dịch Covid-19

VNTB – Tái thiết đất nước thời hậu dịch Covid-19

Thới Bình

 

(VNTB) – Dòng tiền sẽ đến tay các doanh nghiệp đang khát vốn, hay cuối cùng lại chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản và lọt vào tay số ít các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt?

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ và có các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế, sản xuất phát triển trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tỉnh giàu cần tiếp tục ‘thông cảm’ với tỉnh nghèo

Hiện Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng và 2 năm là 40.000 tỷ đồng, nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì sẽ có 1 tỷ đồng “ném vào” nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng và góp phần tăng thu, giảm bội chi ngân sách.

Về tỷ lệ điều tiết của Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết 18% và tổng chi ngân sách 60.369 tỷ đồng, bình quân 7,1 triệu/người. Đến năm 2021, tổng chi ngân sách là 69.092 tỷ đồng, tức bình quân 7,4 triệu/người và đến năm 2022 xây dựng chi là 84.128 tỷ đồng, bình quân 8,8 triệu/người. Như vậy, chênh lệch cao hơn so với thời kỳ năm ngoái là 15.029 tỷ đồng và mức tăng thu là 21.675 tỷ đồng.

Đối với Đồng Nai, năm 2017-2021 chi ngân sách là 17.426 tỷ đồng, tỷ lệ điều tiết 47% thì đến năm 2021 là 19.721,6 tỷ bình quân 6,1 triệu/người, năm 2022 xây dựng 21.257,3 tỷ đồng, bình quân 6,5 triệu/người, chênh lệch cao hơn là 1.535 tỷ đồng đối với mức chi. Tỉnh này cũng vẫn có tiềm năng phát triển quỹ đất do hạ tầng tăng lên, tỷ lệ điều tiết không tính tiền xổ số và thuế đất. Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với số tiền 109.000 tỷ đồng và 1 số hạ tầng do ngân sách Trung ương quyết trong kế hoạch đầu tư công là 11.200 tỷ đồng.

“Rất mong các tỉnh, thành phố mà giàu thông cảm và chia sẻ vì vẫn còn đang lo cho 47 tỉnh nghèo nữa, có tỉnh hiện có đoàn Đại biểu Quốc hội chưa có xe ô-tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 năm, cơ sở hạ tầng thấp kém như chưa có điện, trường trạm”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Năng lực ‘tỉnh nghèo’ với khả năng quản trị tài chính công?

Như vậy, một số tiền khổng lồ dự kiến sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua tất cả các kênh trọng yếu, từ đầu tư công cho đến cung ứng tín dụng giá rẻ cho doanh nghiệp và người dân.

Nhưng liệu năng lực tài chính của khu vực công có tài trợ được số tiền này? Và dòng tiền sẽ đến tay các doanh nghiệp đang khát vốn, hay cuối cùng lại chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản và lọt vào tay số ít các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt?

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dư địa cho vay của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được cơ cấu nợ về bản chất là nợ dưới chuẩn.

Do đó việc xem xét cho vay mới là khó khăn, đặc biệt khi doanh thu của doanh nghiệp giảm, tài sản đảm bảo thiếu. Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dễ nhận ra điều mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi lúc này, đó là được bơm một lượng tiền mới để phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư cho phép giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp được phân loại đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khó khăn vẫn còn đó.

Thị trường tài chính ngay lập tức phát tín hiệu tích cực giữa lúc Quốc hội và Chính phủ thảo luận về các gói kích thích kinh tế mới. Chỉ số VNIndex đóng cửa tuần thứ 44 của năm 2021 với 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 55,03 điểm, tương đương 3,96%, lập đỉnh mới 1.444,27 điểm.

Thanh khoản tiếp tục cải thiện, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt con số ấn tượng: 26.040 tỉ đồng, tăng 19,95% so với tuần trước đó và 26,3% so với trung bình 5 tuần trước. Nhiều nhà đầu tư đang sôi nổi thảo luận về các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế.

Minh bạch với những mục tiêu cụ thể

Bên cạnh những con số cụ thể ghi nhận như trên, thì lo ngại lạm phát tái diễn như đã xảy ra với gói kích thích kinh tế ở hai năm 2008 – 2009 cũng đang là cảnh báo.

Hiện giá dầu thế giới vẫn chưa bớt nóng. Black Rock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nhận định giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng và giữ ở mức cao trong suốt năm 2022. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì nhu cầu sụt giảm sẽ càng chật vật hơn nếu chi phí nguyên liệu đầu vào không bớt căng thẳng.

Vì vậy, có ý kiến về các gói tài chính cho tái thiết hậu dịch Covid-19, thay vì đối tượng nhắm đến còn mập mờ – điều có thể làm gia tăng lạm phát và đổ tiền vào các thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ…, người hoạch định chính sách có thể thay đổi và thiết kế sao cho dòng tiền hỗ trợ lần này gắn với các mục tiêu cụ thể như bảo vệ môi trường, giảm khí thải, tạo việc làm, hỗ trợ đào tạo hay cải thiện đời sống công nhân.

Thậm chí nên đòi hỏi doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ phải thay đổi mô hình, phát triển theo các xu thế mới đang nở rộ như đầu tư có trách nhiệm với xã hội (ESG), phát triển năng lượng tái tạo hay ứng dụng công nghệ cao.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)