VNTB – “Tám” chuyện ông sư…

VNTB –  “Tám” chuyện ông sư…

Út Sài Gòn

Chuyện vỉa hè luôn là trà dư tửu hậu, nhưng đó sẽ là thước đo ít nhiều của ý dân về vấn đề thời sự nào đó của nước nhà.

Lùm xùm câu chuyện về một ông sư ở Quảng Bình rồi câu chuyện qua lại giữa hai ông Thầy, dường như thu hút được rất nhiều sự quan tâm đến từ độc giả…

–    Thiệt chẳng biết phải nói làm sao!

–    Có chuyện gì mà nhìn anh có vẻ bức xúc vậy anh Tám?

–    Thì tui theo dõi câu chuyện liên quan đến hai ông Thầy mấy bữa rày nè. Thấy kỳ kỳ sao á.

–    Kỳ là kỳ sao nè?

–    Thì từ câu chuyện của Tịnh thất Bồng Lai, tui quen gọi theo tên cũ cho đến vụ hai ông thầy nói qua nói lại vấn đề cúng dường.

–    Anh nói vậy là sao tui vẫn chưa hiểu.

–    Thì cái vụ Bồng Lai, nói gì nói, cũng là tu hành, đem nhau ra toà, coi chả được chút nào. Rồi có ý kiến cho rằng ông thầy cũng đã nhịn hai ba lần gì đó. Dĩ nhiên, đã là con người thì khó có thể tránh những điều phàm tục. Nhưng khi khoác lên mình tấm áo nhà tu phải khác chứ.

Tui nhớ, có đọc một thông tin trên website, nhẫn theo quan niệm của đạo Phật chính là nhận lãnh sự khinh khi, nhục mạ, não hại với một tâm thế bình thản, không giận tức. Nhẫn nhịn là dứt sự tranh cãi vô lý, là dùng chánh niệm để thắng tà niệm, là dùng tình thương để cảm hóa sự sân hận, là dùng trí huệ để mọi việc ôn hòa.

Cuộc sống của mỗi người là muôn màu muôn vị, mọi cung bậc đắng cay hay ngọt ngào đều đáng quý như nhau. Trải qua hết những hỉ nộ ái ố của đời, ấy mới là sống có ý nghĩa. Vì một chuyện nhỏ mà đã lôi nhau ra toà, thì có hay ho gì chăng?

Rồi còn câu chuyện lùm xùm trên thông tin đại chúng, tui nhớ lúc bà cố tui còn sống, đã dạy, chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, có gì đóng cửa dạy bảo nhau, tốt khoe xấu che. Vậy mà…

–    Nói gì thì nói, theo tui đó chỉ là một hai trường hợp thôi anh Tám ạ.

–    Ý anh là sao anh Út?

–    Những vấn đề anh nói, thật ra tui có theo dõi. Cũng có ý kiến thiên lệch, mỉa mai Phật giáo. Nhưng tui thấy, không đúng. Vì sao? Vì ngoài kia, còn rất nhiều vị Sư, ông Thầy, các Ni vẫn âm thầm, công khai giúp đỡ nhiều hoàn cảnh.

Đơn cử, dù không phải là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng nếu chỉ xét chung trên góc độ tôn giáo, Thầy Thích Không Tánh, là người có tấm lòng, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, từ thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, dân oan, thuyền nhân đến những người khó khăn, cần giúp đỡ để buôn bán, những trẻ em bị ung thư… Đến nay, dù chùa Liên Trì không còn, Thầy cũng tìm cách này cách nọ để giúp đỡ những hoàn cảnh đó.

Hay như trường hợp của sư Thầy Thích Đức Minh, đạo tràng An Viên, 7 năm trời làm công việc tái chế xe lăn thiện nguyện, tuỳ tình trạng bệnh của từng người mà giúp đỡ. Rồi chùa cho cơm từ thiện; các Thầy đi giúp đỡ đồng bào lũ lụt, khó khăn; những chùa nuôi dưỡng người già neo đơn; nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi, bị ba mẹ bỏ rơi…. Nhiều lắm…

–    Ừ, ngẫm đi ngẫm lại anh nói cũng đúng ha.

–    Thì đó…

Lưu truyền trong dân gian, bàn tay có ngón ngắn ngón dài, người thì có người này người kia. Thiết nghĩ, dù là tổ chức nào, có lẽ, cũng như vậy. Song nếu vì một hai trường hợp mà có sự đánh giá cả một tập thể, xem chừng như hơi có phần võ đoán.

Tuy nhiên, cũng xin đừng để một con sâu làm rầu nồi canh…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)