VNTB – Tâm lý sợ trách nhiệm: nhìn từ điều luật hình sự 117

VNTB – Tâm lý sợ trách nhiệm: nhìn từ điều luật hình sự 117

Cát Tường

(VNTB) –  Vì sợ chụp mũ nên mấy ai dám kiên trì phản biện các chính sách, quyết sách của Đảng…

Trước hết, cần khẳng định, Công điện 280/CĐ-TTg của Thủ tướng nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ Nhà nước hôm 19-4 vừa qua là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn.

Nội dung công điện nhìn nhận trong thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức…

Người viết bài này cho rằng nguyên nhân chính của thực trạng trên là thể chế chính trị thiếu động lực cạnh tranh, nên việc quyết đoán xử trí các vướng mắc, trở ngại chi diễn ra khi có được người lãnh đạo đủ dũng khí, cầu thị và đặc biệt là không có thái độ kiêu ngạo cộng sản rất quen thuộc như đã thể hiện không giấu giếm ở phần mở đầu của Hiến pháp 2013:

“Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” là nội dung thuộc văn kiện Đảng, và Quốc hội buộc phải căn cứ vào đó để thực thi vai trò lập pháp của mình.

Một dẫn chứng xin được trích dẫn trong bài “Đồng chí Võ Văn Kiệt với tư duy đột phá, đổi mới, phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần” trên trang tin điện tử của Đảng bộ TP.HCM.

“Những năm 1979-1980 là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam, cả nước rơi vào tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng, dân phải ăn độn lúa mì, hạt bobo, các loại khoai, củ.

Ông Kiệt rất chạnh lòng, đau xót và đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với cán bộ lãnh đạo các đơn vị: Giám đốc Ngân hàng Thành phố, Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải.

Ông chỉ đạo: “Bây giờ có chuyện hệ trọng, nếu không giải quyết xong tôi không cho về. Bàn cách giải quyết lương thực cho dân: Sở Tài chính lo ngân sách, Ngân hàng lo tiền mặt, Giám đốc Công ty Lương Thực Ba Thi mang tiền, đưa xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 5 lần giá Nhà nước”.

Khi bà Ba Thi lo ngại: “Làm thế này là tôi dễ đi tù lắm vì dám phá giá Nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”. Ông nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”.

Trong thời kỳ đất nước khó khăn, gian khổ, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, hệ thống pháp luật lại thiếu và yếu mà ông Kiệt và nhiều lãnh đạo khác còn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán trong tư duy, quyết liệt trong chỉ đạo để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, hệ trọng về kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân” (dừng trích).

… Đến nay, thực sự chưa xuất hiện một chính khách đủ dũng khí như ông Võ Văn Kiệt và những cộng sự ở Sài Gòn/ TP.HCM thời ấy. Ông Kiệt chấp nhận lắng nghe trong tinh thần cầu thị về những yếu kém trong quản lý của người cộng sản. Ông Kiệt không mang tâm lý “Nghị quyết Đảng luôn đúng”.

Và nói một cách nôm na, những ý kiến mà ông Kiệt dám nêu ra, nếu thay vào đó người phát ngôn là ‘phó thường dân’, tin rằng án hình sự theo điều luật 117 “là lưỡi gươm của Damocles” sẵn sàng bổ xuống đầu ngay…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)