VNTB – Tam quyền phân lập và quyền thứ tư cần thiết

VNTB – Tam quyền phân lập và quyền thứ tư cần thiết

Nguyễn Nam

(VNTB) – Chính khách ở Việt Nam luôn tuyên bố không đi theo “tam quyền phân lập”. Tuy nhiên trên thực tế thì dường như chưa hẳn là vậy.

 

“Nhập khẩu thuyết “Tam quyền phân lập” hay lá bài cổ súy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực” là tựa bài báo ký tên tác giả “Trần Hậu Thành, Ban Tổ chức trung ương”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 01-08-2019 (*).

Bài báo có đoạn: “Trong thời gian gần đây vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước… để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”, coi nó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị”.

Giới thiệu tiếp theo đây là một ý kiến phản biện nhấn mạnh không chỉ cần thiết đến ‘tam quyền’, mà còn cần đến quyền lực thứ tư là ‘truyền thông, báo chí’.

Trước hết, quyền lập pháp là quyền đại diện cho nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được nhân dân trao quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội.

Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân được thể hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp.

Đồng thời, là người thay mặt nhân dân giám sát tối cao mọi hoạt động của Nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện quyền hành pháp. Đây là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức bộ máy nhà nước để góp phần giúp cho các cơ quan hành pháp và tư pháp làm đúng, làm đủ nhiệm vụ quyền hạn được giao, hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền.

Tiếp theo, quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách.

Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước (hay cai trị) mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội.

Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu, thông minh thì không thể có một Nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy, quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra – một hình thức kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy hành pháp.

Đồng thời với đó còn có quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho Tòa án và các cơ quan tư pháp.

Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy, bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của quyền tư pháp.

Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của Tòa án. Kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án – là các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy tư pháp để đảm bảo cho quyền tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Như vậy, xuất phát từ đặc điểm của quyền lực nhà nước, việc phân định thành ba quyền nói trên là một nhu cầu khách quan. Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam chỉ ra rằng, việc phân định rành mạch ba quyền là cách thức tốt nhất để phát huy vai trò của nhà nước đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Ngoài ra, trong quan hệ với quyền lực nhà nước, một thực tế khách quan thường xảy ra là công dân không được bình đẳng với Nhà nước về thông tin, nên thường xảy ra tình trạng: (1) người chủ quyền lực nhà nước (nhân dân) thiếu thông tin hoặc không được thông tin đầy đủ; (2) khả năng Nhà nước không nắm bắt đúng mục đích, lợi ích của nhân dân; (3) khả năng những người thực thi quyền lực cụ thể không hiểu rõ mục đích; (4) khả năng hiểu đúng mục đích nhưng không sử dụng quyền lực đúng cách, hợp lý; (5) khả năng các đại diện vì lợi ích riêng có thể vượt quyền, lạm quyền làm tổn hại đến mục đích chung.

Hơn nữa, Nhà nước là tổ chức duy nhất có thuộc tính cưỡng chế.

Thuộc tính cưỡng chế mang lại cho Nhà nước quyền lực can thiệp một cách có hiệu quả vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng với độc quyền này, Nhà nước có thể can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Quyền này cộng với bất bình đẳng về thông tin giữa dân chúng và Nhà nước tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn.

Như vậy cần đến một quyền lực thứ tư dành cho truyền thông – báo chí.

Kiểm soát quyền lực bên trong tổ chức quyền lực nhà nước – giữa các thành tố cấu thành quyền lực nhà nước: giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp và giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thì đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Chỉ trên cơ sở phân công một cách đúng đắn, hợp lý, minh bạch, rõ ràng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để cho các quyền này có điều kiện thực hiện đầy đủ, và đúng đắn ý nguyện của nhân dân đã được ghi nhận thành các quy định của Hiến pháp và các đạo luật; đồng thời, phân cấp, phân quyền giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và ở địa phương một cách phù hợp, mới thực hiện được việc kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước.

Với cách hiểu khoa học nêu trên, cho thấy học thuyết “tam quyền phân lập”, đúng là không phải “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng, song dứt khoát nó chẳng thể là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị như cáo buộc của tác giả “Trần Hậu Thành, Ban Tổ chức trung ương”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 01-08-2019.

___________________

Chú thích:

(*)https://www.tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/nhap-khau-thuyet-tam-quyen-phan-lap-hay-la-bai-co-xuy-bat-on-chinh-tri-xung-ot-quyen-luc#

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)