Ngọc Vân
(VNTB) – Việt Nam là nơi mà con vật sợ con người.
Tại sao con vật sợ con người?
Tại sao con người tránh con người?
Tại sao chú thấy công an thì chạy quắn đít?
Chúng tôi ghé thăm một gia đình mà chủ nhà từng là một người tranh đấu cho nhân quyền, từng trốn chạy nhà cầm quyền Việt Nam, và được Hoa Kỳ cho tị nạn. Ngoài anh chị chủ nhà, chúng tôi còn được gặp và có dịp nói chuyện với một cháu trai, con của anh chị, cháu khoảng 10-12 tuổi.
Anh bạn đồng hành chắc là đã quen với cháu từ trước. Anh ẵm cháu lên lòng, khen cháu về một video mà cháu làm và đăng trên Youtube.
Trong video này, cháu so sánh Việt Nam và Hoa Kỳ, nơi sinh sống hiện tại của cháu. Trong video, cháu mô tả Việt Nam như một nơi mà con vật sợ con người. Nơi mà rất khó để con người đến gần chim chóc hay các động vật sống trong tự nhiên. Chúng rất sợ người.
Cháu cũng mô tả Việt Nam là nơi mà con người tránh né con người. Nơi con người sợ con người. Cháu kể lại chuyện của chú của cháu “chạy quắn đít” khi thấy công an. Nơi mà người ta nói chung là tránh, không muốn gặp công an.
Cháu kể về nơi sinh sống mới của cháu, nơi động vật hoang dã không sợ con người. Nơi con sóc, con nai, con vịt trời, v.v. giương mắt nhìn cháu khi cháu đến gần chúng, rồi tiếp tục như cháu không có ở đó. Nếu cháu cho chúng ăn, chúng sẵn sàng lại gần cháu mà không sợ hãi gì.
Cháu kể rằng cảnh sát ở đây rất thân thiện. Họ đến trường cháu làm việc tình nguyện, giúp cho xe của cha mẹ học sinh vào và ra khi đón con cái để khỏi kẹt xe. Có viên cảnh sát còn đến trường giới thiệu về công việc của cảnh sát cho các cháu trong một buổi học ngoại khóa.
Nước mắt tôi muốn trào ra vì những câu hỏi của cháu. Tôi mừng vì cháu có những câu hỏi mà tôi ước mong ngày càng nhiều người Việt Nam hỏi, và cố tìm câu trả lời.
Tôi buồn vì thực tế xã hội Việt Nam, vì những trải nghiệm của gia đình cháu với chính quyền đã in sâu vào tâm hồn cháu.
Tôi: Cháu có biết tại sao người dân ở Việt Nam không muốn gặp công an không?
Cháu: Cháu không biết.
Tôi: Cháu cố tìm câu trả lời nhé.
Cháu: Dạ.
Tôi: Nhất định thế nhé.
Tôi chìa nắm tay ra. Cháu và tôi cùng nắm tay. Xem như cháu hứa với tôi là sẽ cố tìm câu trả lời.
Trước khi về, tôi nói thêm với cháu: Bác chờ câu trả lời của cháu nhé.
Cháu: Dạ.
x