Hiền Vương
(VNTB) – Bà Đào Hồng Lan tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1993, Thạc sĩ Kinh tế được Bộ Chính trị phân công tham gia vào Đảng ủy Bộ Y tế.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan là trường hợp đặc biệt nhất từ trước đến nay giữ vị trí người đứng đầu Bộ Y tế: bà là người đứng đầu Bộ Y tế duy nhất trong số 14 bộ trưởng Bộ Y tế kể từ năm 1945 cho đến nay không phải là bác sĩ hay dược sĩ.
Nói luôn, vấn đề của ngành y là người có tầm nhìn chiến lược phát triển của cả ngành, là người có đầu óc quản trị, chứ không phải một người giỏi phẫu thuật, giỏi điều trị, hay hiểu biết về virus…
Bộ trưởng của “hành chính công vụ”, hay là của “hành pháp chính trị”?
Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê quán tỉnh Hải Dương, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh.
Bà Lan tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1993, có bằng Thạc sĩ Kinh tế, có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Lý lịch chính trị của người sắp ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Bộ Y tế, thấy ghi công khai thế này:
Từ tháng 12/1993 – 7/1995: Cán bộ tư vấn, Trung tâm Xúc tiến việc làm thanh niên Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội. Tháng 8/1995 – 3/2006: Chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Từ 4/2006 – 10/2006: Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tháng 11/2006 – 3/2009: Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Từ tháng 4/2009 – 12/2014: Chánh Văn phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngày 17-12-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 2298/QĐ-TTg bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Từ tháng 12/2014 – 2/2018, bà Đào Hồng Lan là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bà Đào Hồng Lan được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 26-3-2018, Bộ Chính trị quyết định luân chuyển, chỉ định bà Đào Hồng Lan tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ngày 25-9-2020, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất 100% bầu bà giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ khóa XX.
Tháng 1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bà Đào Hồng Lan được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ tháng 7/2021 – nay, bà Đào Hồng Lan là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh; Đại biểu Quốc hội khóa XV và Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Tổ trưởng Tổ Đảng.
Dường như bà từng làm tốt “hành pháp chính trị”
Theo ghi nhận thì trải nghiệm về y tế mà bà Đào Hồng Lan có thể coi là hiểu biết nhất, đó là thời gian mà địa phương này bùng dịch Covid. Khi ấy trên cương vị Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan đã có những phát biểu với báo chí như sau (trích):
“Nếu Bắc Ninh chọn phương án đơn giản, thuận lợi cho chính quyền, đó là cứ đóng băng tất cả nền kinh tế lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch, sau đó rồi mới làm các giải pháp khác, về mặt chống dịch dễ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu làm điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của Bắc Ninh, mà cả nước, thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Toàn tỉnh hiện có tới 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc với tổng 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước, nếu chúng tôi đóng cửa tất cả, thì gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ thế nào. Họ đều sẽ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó có khi còn rủi ro hơn về phòng chống dịch.
Chúng tôi ước tính, một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 3.600 tỉ đồng từ giá trị sản xuất công nghiệp, chưa kể còn thương mại, dịch vụ và nhiều thứ khác, thì con số thiệt hại còn lớn hơn.
Còn nếu tính so với % của GRDP, mỗi ngày như vậy chúng ta sẽ giảm độ khoảng 0,2% GRDP, thì chỉ cần 1 tháng thôi đã mất 6% GRDP rồi. Và cũng chưa ai khẳng định chắc chắn, đóng cửa như thế thì sau 14 ngày hoặc 21 ngày, có hết được dịch không.
Bắc Ninh đã đề xuất phương án từ ngày 2/6, doanh nghiệp nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục làm việc theo cách “đặc biệt”, “phân tán, chia sẻ rủi ro” lây lan dịch khi người lao động hàng ngày đi lại giữa cộng đồng và doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ giãn bớt người lao động, bố trí người lao động ăn, ở và làm việc ngay tại nhà máy để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và vẫn duy trì sản xuất.
Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc triển khai tiêm phòng vắc-xin cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp…”.
Người ngoài ngành Y làm Bộ trưởng Y tế, cũng không lạ. Chỉ lạ là nếu mai này có những vị bộ trưởng không phải là đảng viên, khi ấy sẽ là kỳ vọng nhiều hơn về sự đổi thay tích cực trong đường lối canh tân nước nhà.