VNTB – Tản bút: trong những khoang tàu chậm

Kiều Phong (VNTB) Thời buổi công nghệ, giao thông đi lại đã không còn là vấn đề khó khăn nữa. Ngày nay nhiều người vào nam ra bắc chỉ cần gọi điện đến phòng vé máy bay là có, giá thành máy bay giá rẻ cũng không phải là quá đắt. Nhưng tàu hỏa vẫn là phương tiện rẻ nhất, cho nên vẫn luôn được những tầng lớp dưới cùng của xã hội, những tầng lớp bình dân chọn lựa. Văn hào Nga, bậc thầy truyện ngắn thế giới Antôn Paplôvich Sêkhôp khuyên các nhà văn trẻ đi xe hỏa thì nên đi hạng ba, tức là đi với “nhân loại lớn”.


Đây là hai cha con một nhà nọ, ngồi ở toa 1A, tức là toa ngồi cứng. Vào bữa ăn sáng, hai cha con rời chỗ ngồi để xuống khoang bếp ở một đầu mút đoàn tàu. Một tô mì nho nhỏ, có xắt vài ba miếng thịt bò, nhà thầu khoang bếp lấy những 35 000 đồng. Giá này cao hơn giá thị trường, cũng là hơi đắt đỏ với tầng lớp lao động bình dân. Chính vì vậy mà khách đi tàu thường không ăn đồ ăn trên tàu, họ chỉ ăn một hai bữa trong hành trình cần đến bốn năm bữa ăn mà thôi. Còn lại , số nhiều các bữa ăn, khách đi tàu tự mua đồ bên ngoài để ăn. Đó có thể là một bà mẹ mua sẵn thức ăn cho con từ trước khi lên tàu. Hoặc những lúc tàu dừng ở ga hoặc dừng ở đường tránh cho tàu khác, có những người phụ nữ đi bán đồ ăn. Giá rẻ chỉ bằng hai phần ba, thậm chí chỉ bằng một phần ba giá mà khoang bếp đoàn tàu phục vụ, ắt hẳn người đi tàu sẽ chọn thứ nào lợi với túi tiền của họ hơn. Nếu khoang bếp bán với một mức giá vừa phải hơn, có khi khách lại chọn đồ ăn của khoang bếp thay vì mua bên ngoài tàu, thế nên có khi như thế nhà thầu khoang bếp lại được doanh thu nhiều hơn. Người bố bên cạnh cô con gái đang ăn tô mì trong ảnh nói rằng ông biết là ăn ở khoang bếp đắt đỏ, nhưng ở đó có không gian, có quang cảnh nên ông vẫn thích lên đây ăn.

Bỗng tàu chạy qua một khúc đường sắt, cả đoàn tàu lắc lư. Tô mì thịt bò của cô con gái cũng lắc lư theo, sánh nước tràn ra lênh láng trên mặt bàn. Cô con gái không kịp né, ướt cả bàn, ướt cả quần áo. Ông bố thì theo phản xạ la mắng người con. Nhưng tôi nghĩ lỗi không phải thuộc cô gái đó. Đường sắt Việt Nam khổ chỉ 80 phân, vì chiều rộng bé quá nên con tàu đứng không vững khi chạy qua những khúc cua hoặc những đoạn đường xóc. Các kỹ sư cho dù có tài giỏi đến mấy thì cũng không thể khắc phục được điều này, chỉ còn cách nâng khổ tàu từ 80 phân lên 120 phân hoặc cao hơn nữa như các nước tư bản mà thôi. Ông đầu bếp của khoang bếp hết sức hiểu biết, đưa khăn lại lau bàn cho cô con gái kia. 

Sự bất tiện của ngành công nghiệp đường sắt cứ theo mãi cũng khổ đường ray của nó. Nhất là khi những hành khách ở toa hạng ba ghế ngồi cứng muốn ngả lưng. Khi màn đêm xuống, cảnh tượng trông thật chẳng thua gì mấy so với những cảnh đường sắt quá tải ở Ấn Độ.


Trên khoang tàu hạng ba nằm la liệt những người. Nếu khổ đường ray to hơn, mỗi dãy ghế sẽ rộng hơn, khi đó người ta nằm dưới ghế là đủ rồi, chẳng còn ai phải nằm chềnh ra đường đi lại nữa. Người ta nhường chỗ nằm dưới đất cho những bà mẹ có con nhỏ. Một chú bé ngủ say khò khò không biết gì cả. Bên cạnh chú, người mẹ phải nằm chật chội, thỉnh thoảng một người khách đi lại toa vệ sinh, vô tình dẫm phải tay người mẹ hay chân người mẹ. Những cảnh này diễn ra thường xuyên, nhưng không ai giận nhau cả. Tất cả những người đi trên toa hạng ba này đều có một nỗi đồng cảm, một tình thương với nhau, dù không nói ra. Không khí ở nơi này ấm cúng một cách kỳ lạ. Đến nỗi, có những ông nhà giàu thừa tiền đi khoang giường nằm hạng nhất nhưng vẫn chọn đi khoang hạng ba. Đến độ, có những người mua vé khoang hạng ba để nghe tiếng tàu kêu xình xịch, nghe tiếng gió phập phồng qua song cửa, nghe tiếng đông người nói râm ran mới ngủ được. Dù có chật chội, người ta vẫn thích khoang hạng ba, khoang của người bình dân nhất. Trong mười mấy khoang của đoàn tàu, khoang hạng ba là khoang nghèo nhất, cũng chính vì vậy mà trong khoang này người ta nói chuyện với nhau, kết bạn với nhau, rồi hẹn hò nhau nhiều nhất. Ai đã từng đi khoang hạng ba trong những con tàu chậm sẽ hiểu, đây là khoang mà khách đi tàu nhớ về nhau nhiều nhất.

Toa hạng ba của tàu hỏa Việt Nam là một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Ở đây chúng ta thấy được một bầu không khí gì đó rất xưa cũ, hòa theo tiếng đập xình xịch Nhân loại sẽ còn nhớ mãi câu nói của văn hào Nga Antôn Paplôvich Sêkhôp : “Cần thiết cho tôi là một mảnh nhỏ của cuộc sống xã hội và chính trị dù là một mảnh rất nhỏ”.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)