Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tân Hiệp Phát: Tham nhũng… thông tin?

Minh Tâm

(VNTB) – “Việc một số đài báo lớn im lặng về sự kiện “nước giải khát có ruồi” để đổi lấy cái gì đó như tiền từ quảng cáo chẳng hạn có khác gì người tiêu dùng định đổi im lặng lấy cái gì đó như tiền bán vật chứng “nước giải khát có ruồi”? Thậm chí khoản này còn có thể lớn hơn khoản kia. Vậy đây là tình trạng gì của nền báo chí cách mạng Việt Nam?”.



Vụ việc một công dân ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị còng tay, bắt giam với lý do “tống tiền Tân Hiệp Phát” từ chai nước giải khát Number 1 do doanh nghiệp này sản xuất có “khuyến mãi” con ruồi, đang làm dư luận dậy sóng phản ứng đòi tẩy chay tất cả sản phẩm của Tân Hiệp Phát, sản xuất tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Hà Nam.

Lùm xùm này khiến công luận “lơ là” thông tin Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã bị “cưỡng chế” bán lại cho Ngân hàng Nhà nước toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

“Thông cáo báo chí về Đại hội đồng cổ đông VNCB” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra hôm 02-02-2015, viết: “NHNN đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB”.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam?

Tháng 11-2014, trả lời câu hỏi của báo chí: “Tân Hiệp Phát có kế hoạch gì cho việc công bố thông tin gửi cả ngàn tỷ đồng vào VNCB không?”, ông Phạm Lê Tấn Phong, cựu tổng biên tập báo Doanh Nghiệp, đương kim Giám đốc bộ phận Truyền thông và Thương hiệu của Tân Hiệp Phát, cho biết: “Không có kế hoạch gì cả vì việc có công bố hay không là trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và việc có thông báo, công bố thông tin hay không cũng là việc của các cơ quan chức năng. Thông tin Tân Hiệp Phát gửi tiền vào VNCB thì báo nào cũng có, nhưng vấn đề đăng hay không tùy thuộc vào các báo. Có những thông tin mình đưa ra thuộc loại “cầm đèn chạy trước ô tô” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế bởi vì cơ quan điều tra họ cũng chưa có kết luận cụ thể”.

Sau khuyến cáo của cựu nhà báo Tấn Phong (ông Phong xuất thân là phóng viên báo Đại Đoàn Kết, thư ký tòa soạn Tuần tin Thanh Niên – tên cũ của báo Thanh Niên hiện nay), các báo dè dặt hẳn về các liên quan tài chính của Tân Hiệp Phát lẫn VNCB.

Trở lại vụ chai Number 1 “con ruồi”. Luật sư Trần Vũ Hải đặt nghi vấn: “Việc một số đài báo lớn im lặng về sự kiện “nước giải khát có ruồi” để đổi lấy cái gì đó như tiền từ quảng cáo chẳng hạn có khác gì người tiêu dùng định đổi im lặng lấy cái gì đó như tiền bán vật chứng “nước giải khát có ruồi”? Thậm chí khoản này còn có thể lớn hơn khoản kia. Vậy đây là tình trạng gì của nền báo chí cách mạng Việt Nam?”.

Năm 2011, sản phẩm “Trà thảo dược Dr. Thanh” do Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất bị một đại lý ở quận 7, TP.HCM lên tiếng về chất lượng có vấn đề lên đến cả ngàn chai. Rút kinh nghiệm việc trước đó bị phát hiện sử dụng nguyên liệu hết đát bị các báo đưa tin khá đậm, ở lần này, Tân Hiệp Phát dường chừng đã “mua thông tin”, khi mà sau đó các tờ nhật báo phát hành số lượng lớn ở TP.HCM đều “im lặng” trước vụ việc.

Thời điểm ấy, người viết bài này đã đặt vấn đề (bài này “bị gát”, không được phép đăng!?): Nếu đúng như quảng cáo là “Trà thảo mộc Dr. Thanh” được chế biến từ 9 loại nguyên liệu thảo dược, có lẽ ngành dược liệu Đông y của Việt Nam sẽ không cung ứng kịp nguyên liệu cho Tân Hiệp Phát để sản xuất. Tương tự, “Trà xanh” của Tân Hiệp Phát cũng chưa hề dẫn được nơi cung cấp nguồn nguyên liệu trà xanh.

Mặc dù các sản phẩm của Tân Hiệp Phát chưa rõ được nguồn nguyên liệu là từ thiên nhiên hay hóa chất, hương liệu…, song do nhà sản xuất liên tục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, cũng như mạnh tay chi tiền để tài trợ độc quyền nhiều giải thể thao phong trào, và thêm cả giải thưởng “Thương hiệu Quốc gia” được trao cho Công ty Tân Hiệp Phát đã khiến người tiêu dùng thêm tin chắc vào sản phẩm đã có nhãn cầu chứng “Thương hiệu Quốc gia”.

Sở dĩ nhấn mạnh vào chuyện “hóa chất” hay “dược liệu từ thảo mộc” như những clip quảng cáo trên tivi của Tân Hiệp Phát, vì cũng có một sản phẩm tương tự không sử dụng từ nguyên liệu tự nhiên để làm nước mắm, song lại quảng cáo tạo ngộ nhận được chế biến như những nhà thùng ở Phú Quốc. Ngay lập tức, quảng cáo này bị các nhà sản xuất nước mắm truyền thống tổ chức hội thảo phản đối.

Còn với các sản phẩm thức uống “xì-căng-đan” về chất lượng của Tân Hiệp Phát, chưa thấy ai căn cứ vào Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng để kết luận thực hư của vấn đề.

Phải chăng đang diễn ra “tham nhũng thông tin”?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo