VNTB – Tản mạn đầu xuân: Tết này vắng lời chúc phúc của ông Chủ tịch nước

VNTB – Tản mạn đầu xuân: Tết này vắng lời chúc phúc của ông Chủ tịch nước

Hiền Vương

 

(VNTB) – Ngoại trừ Tết Quý Mẹo, việc chúc Tết ở đêm giao thừa lâu nay luôn là Chủ tịch nước…

 

Theo cách hiểu về phương diện đối ngoại, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho Nhà nước trong các hoạt động đối nội cũng như đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu và phải là một đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội.

Do vậy, xem ra chỉ thích hợp đối với Chủ tịch nước khi đọc lời chúc Tết – thường là theo các nội dung na ná nhau ở mỗi năm như sau:

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, trong thời khắc thiêng liêng chào đón năm mới XXX 202Y, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, cùng đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất, chúc mọi gia đình Việt Nam có những ngày Tết vui vẻ, đầm ấm và an toàn, đồng bào ta năm mới XXX 202Y bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công…”.

Nếu thay vào vị trí Chủ tịch nước là Tổng bí thư Đảng, thì về mặt đối nội là không gì bàn cãi, nhưng đối ngoại thì không ổn, vì về nguyên tắc, Tổng bí thư là chức danh của đại diện ‘đầu lĩnh’ một đảng phái chính trị, không do người dân bầu chọn nên người dân nhận lời chúc xuân từ Tổng bí thư chỉ mang ý nghĩa của lễ nghi, khánh tiết từ phía Đảng cộng sản mà thôi.

Về yếu tố tâm linh, Chủ tịch nước phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp và nội dung khác phù hợp với trách nhiệm được giao. Tổng bí thư Đảng thì không có ‘thề thốt’ tương tự vậy, nên theo cách hiểu dân dã nào đó, việc ‘mắc lời thề’ là yếu tố mà người dân thường mang ra để xem xét; và qua đó ít nhiều khiến vai trò của Chủ tịch nước lúc đọc lời chúc Tết ở đêm giao thừa sẽ báo điềm hung hay kiết trong mắt người dân.

Có ý kiến thắc mắc: vì sao không để ông chủ tịch nước ăn xong ba ngày Tết cho tử tế theo truyền thống người Việt rồi mới “từ chức”, vì chuyện này không hề liên quan gì đến an nguy đất nước, mà còn được tiếng là nhân bản?

Trước khi “từ chức” cận Tết nguyên đán Quý Mẹo, ông Chủ tịch nước xuất hiện khá nhiều trước công chúng: Ngày 11-1-2023, ông vào Nam dâng hương các cố lãnh đạo và thăm các cựu lãnh đạo Chính phủ. Hai hôm sau đó, ông xuất hiện ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, xem trận lượt đi chung kết cúp AFF giữa Việt Nam và Thái Lan.

Ngày 14-1-2023, ông và phu nhân cùng một số Việt kiều thả cá trong Hoàng Thành Thăng Long ở Hà Nội. Ngày 15-1-2023, ông lại có mặt ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, thăm và tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 16-1-2023, tứ 25 Tết Quý Mẹo, ông thăm và chúc Tết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, Sài Gòn, trước khi bay về Hà Nội để họp trung ương và… “từ chức”.

Báo chí Nhà nước đưa tin ông Chủ tịch nước đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu “sau khi nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”.

Điều đó cho thấy nếu như bằng quyền của lá phiếu cử tri, người dân đã bầu ông Chủ tịch nước làm “đại biểu nhân dân”, vậy thì phải tôn trọng về lá phiếu này qua việc “hỏi qua ý dân”, rằng cụ thể các “lỗi lầm, sai phạm” A.B.C chi đó dẫn đến người “đại biểu nhân dân” này phải “từ chức”, có nhận được sự đồng tình của đại đa số cử tri hay không?

Vì sao lại gấp gáp cho ông Chủ tịch nước ‘hồi hưu’ trước thềm xuân mới khiến đêm giao thừa Quý Mẹo vừa qua trên làn sóng truyền hình quốc gia, người dân không còn được Chủ tịch nước chúc Tết theo truyền thống nữa?

Không dễ có câu trả lời vì tìm hiểu chính trị Việt Nam luôn luôn khó khăn, khi mà Đảng Cộng sản thường đưa ra quyết định của mình đằng sau cánh cửa đóng kín.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)