Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tăng GDP nhưng lại không giúp cải thiện cuộc sống của người dân

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Vì sao GDP (*) của Việt Nam được đánh giá tăng trưởng cao hàng đầu thế giới nhưng lại không giúp cải thiện cuộc sống của người dân?

“Theo số liệu vừa mới công bố, tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%. Năm 2016 chỉ số này 6,21%, năm 2017 là 6,8%, 2018 là 7,08% và năm 2019 là 7,02%. Như vậy 2 năm liền chúng ta tăng trưởng GDP trên 7%”, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin với báo chí kèm nhận xét đây là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Có một nhà báo cắc cớ thắc mắc hỏi về việc những dự án kiểu như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được tính vào GDP hay chưa. Câu trả lời là “đã tính”.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê giải thích thay cho Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Giá trị thi công của dự án này trong các năm trước đây đã được tính vào GDP rồi. Đây là dự án có vốn đầu tư rất lớn, nên không thể bỏ sót được, và không có chuyện dự án hoàn thành mới tính vào GDP”.

Như vậy, mỗi đồng tiền bỏ vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được tính hết vào GDP. Chỉ có điều, suốt cả chục năm nay hiệu quả của dự án này vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Nhưng Cát Linh – Hà Đông không phải là cá biệt. Từ Bắc chí Nam, có vô vàn các dự án hoành tráng, làm tăng GDP mà không thúc đẩy quá trình phát triển, giúp cải thiện cuộc sống của người dân.

Tại họp phiên thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vừa diễn ra hôm 15/1 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo – yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Cụ thể, có 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm trong năm 2020:

1. Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP.HCM; 2. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM; 3. Vụ  án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM;

4. Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi Nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng; 5. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ; 6. Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;

7. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; 8. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; 9. Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”; 10. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Như vậy, chỉ mới nhìn qua ’10 vụ án nghiêm trọng’ vừa kề, cho thấy trong chuyện thống kê thành tích GDP, hễ cứ có hoạt động chi tiền ra cho đầu tư, dù hiệu quả hay không, dù dự án hoàn thành hay chưa, thì số tiền đó cũng đã được cộng ngay vào GDP hàng năm. Nhờ đó, quy mô GDP cứ thế năm sau cao hơn năm trước.

Dĩ nhiên các nhà kinh tế, nhà quản lý không lạ gì với câu chuyện kể trên. Nó không sai về nguyên tắc thống kê, nhưng khoảng cách giữa con số với đời thực cứ nối dài. Những dự án công đó “đóng góp” cho tăng trưởng GDP là một một sự tréo ngoe: cứ tung tiền đầu tư là đương nhiên có tăng trưởng nhưng không phải bao giờ cũng có phát triển đi kèm.

GDP là thước đo của một nền kinh tế. GDP quan trọng, song không phải là tất cả. Còn ở Việt Nam, dường như GDP vẫn được xem là quan trọng hơn cả, là niềm vui – nỗi buồn của một năm điều hành, là chỉ số đo lường thịnh vượng của quốc gia.

Còn ở phía người dân, những thước đo khác liên quan mật thiết đến miếng cơm manh áo hàng ngày, môi trường không khí trong lành để hít thở, giáo dục tốt đẹp cho con em họ, là quan trọng hơn nhiều. GDP cứ ngày một tăng cao, mà đồng lương người lao động bao năm nay vẫn không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu thì người dân đâu có vui mừng…

+ Chú thích:

(*) GDP viết tắt của Gross Domestic Product đó là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa. Là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Các sản phẩm tính luôn cả sản phẩm của công ty nước ngoài và công ty nội địa. Bao gồm tất cả các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, du lịch…

Tin bài liên quan:

VNTB – Tập Cận Bình không thể từ chức

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đàn em của Trọng có chống tham nhũng không?

Do Van Tien

VNTB – Không chỉ đơn thuần là nịnh bợ …

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo