Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tăng lương công chức

Hồng Dân

 

(VNTB) – Lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan của Nhà nước được đề nghị tăng vào tháng 7-2023.

 

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, Chính phủ đề xuất chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Vì bội chi ngân sách năm 2023 sẽ là 455.500 tỷ đồng…

Trong năm 2023, dự toán thu ngân sách là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, chi ngân sách là hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 291.600 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Bao gồm, chi 726.700 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; chi trả nợ lãi, viện trợ và dự trữ quốc gia là 106.800 tỷ đồng.

Nguyên tắc thực hiện chi sẽ đảm bảo việc bố trí kinh phí tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Theo đó, ngoài khoản chi thường xuyên là 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 56,5% để đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở là 12.500 tỷ đồng; chi bổ sung dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách là 58.000 tỷ đồng.

Như vậy, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 là 455.500 tỷ đồng, tăng 82.600 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 44 – 45%GDP, nợ Chính phủ khoảng 41 – 42%GDP, nợ nước ngoài khoảng 41 – 42%GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.

… Nên chưa cải cách tiền lương trong năm 2023

Trên cơ sở báo cáo, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%.

Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1-1-2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Chính phủ đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định cũ cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng.

Nhưng thế nào là lao động trong khu vực công?

Nhận xét về đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương – cựu viện trưởng Viện Khoa học lao động, cho rằng cần định nghĩa lại lao động trong khu vực công. Theo bà, điều tra mức sống dân cư lao động năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập 8,4 triệu đồng (trình độ đại học). Nếu mỗi năm tăng lương bình quân là 7% thì năm 2022 mức lương của lao động tốt nghiệp đại học sẽ khoảng hơn 9 triệu đồng.

Trong khi lương một công chức tốt nghiệp đại học (đi làm khoảng 10 năm) với hệ số bình quân là 3,6 nhân với mức đề xuất tăng là 1,8 triệu đồng thì được khoảng 6,5 triệu. Nếu lấy mức này chia cho con số hơn 9 triệu trên thì bằng khoảng 80%. Như vậy mức lương của công chức, viên chức chưa bằng được trung bình của thị trường.

Do vậy, điều quan trọng nhất là cần sớm thực hiện cải cách tiền lương để đưa tiền lương về đúng giá trị thực, tạo động lực cho phát triển. Trong đó, phải định nghĩa lại lao động trong khu vực công và xác định không phải tất cả những người làm trong khu vực này đều được gọi là công chức, viên chức mà chỉ một nhóm nào đó, còn những người khác có thể là chế độ hợp đồng…

Nhóm công chức, viên chức được hưởng lương nhà nước cần phải đảm bảo mức trên trung bình xã hội, thị trường bởi các quyết định trong công việc của họ sẽ ảnh hưởng đến đất nước. Đồng thời, phải thay đổi phương pháp tiếp cận lương, thay đổi cách tính lương, bỏ tính lương theo hệ số, tiền lương cơ sở bằng cách tính lương dựa trên vị trí việc làm và có tính tới đặc điểm yếu tố địa hình, vùng miền…

Như vậy với đề xuất trên cho thấy khả năng việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng sẽ không làm thay đổi phần hạch toán sản xuất hiện tại, qua đó với yếu tố cạnh tranh thị trường, hàng hóa nếu có tăng, thì đó không đến từ yếu tố tiền lương như đề xuất ở trên.


 

Tin bài liên quan:

Quỹ BHXH cho Nhà nước vay: Trấn an người dân được không? *

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai cần ‘hồi sức cấp cứu’ ở Tiền Giang?

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Đổ thừa’ châu Âu đang cung cấp ma túy cho Việt Nam

Do Van Tien

1 comment

Công Tâm 22.10.2022 5:04 at 17:04

Lên tivi lãnh nha cán bộ công nhơn dziên chức

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.