VNTB – Tăng mức đóng bảo hiểm y tế

VNTB – Tăng mức đóng bảo hiểm y tế

Ngọc Lan

 

(VNTB) –  Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình với người thứ nhất tăng thêm 1,5%, người thứ hai sẽ đóng tăng thêm 10%, người thứ ba, tư và năm trở đi sẽ tăng lần lượt 20%, 30% và 40% mức đóng so với quy định hiện hành.

 

Theo dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, trong đó doanh nghiệp đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Tuy nhiên, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình có điều chỉnh khi người thứ nhất đóng ở mức 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi sẽ bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.

Mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình với người thứ nhất bằng 4,5% lương cơ sở, tương ứng đóng 67,05 ngàn đồng/tháng (hơn 804 ngàn đồng/năm); Người thứ 2 còn hơn 46,9 ngàn đồng/tháng (hơn 563 ngàn đồng/năm, tức bằng 70% mức đóng người thứ nhất); Người thứ 3 đóng 40,23 ngàn đồng/tháng (hơn 482 ngàn đồng/năm, bằng 60% người thứ nhất); Người thứ 4 đóng hơn 33,5 ngàn đồng/tháng (hơn 402 ngàn đồng/năm, bằng 50% người thứ nhất);

Người thứ 5 trở đi chỉ còn đóng 26,82 ngàn đồng/người/tháng (hơn 321 ngàn đồng/năm, bằng 40% người thứ nhất).

Theo dự thảo lần 1 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình có điều chỉnh khi người thứ nhất đóng ở mức 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi sẽ bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.

Nếu dự thảo được thông qua, tăng mức đóng lên 6%, với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng thì thẻ bảo hiểm y tế có giá 89.400 đồng/tháng, cả năm là 1.072.000 đồng, tăng hơn 200.000 đồng so với mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế hiện tại.

Đồng thời mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình của người thứ 2 trở đi đều là 80% mức đóng của người thứ nhất tức tương đương 800.000 đồng/tháng. Nếu gia đình đông người thì đây cũng là mức tăng đáng kể so với mức đóng cũ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định khuyến khích một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mức tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm hoặc nhận lại; không được rút tiền đã đóng bảo hiểm y tế.

Ghi nhận tại thành phố Cần Thơ. Gia đình ông Trần Văn Ninh ở phường Thới An, quận Ô Môn, tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình đã nhiều năm. Gia đình ông có 4 thành viên; trong đó, vợ ông thuộc diện hưu trí được cấp thẻ bảo hiểm y tế; còn ông và 2 con đều tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Ông Ninh nói rằng, “Hằng năm, gia đình tôi đều dành dụm một khoản tiền để tham gia bảo hiểm y tế, nhằm phòng khi chẳng may ốm đau, giảm gánh nặng chi phí điều trị”.

Còn gia đình của bà Nguyễn Thị Hạnh ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, có tới 6 thành viên. Dù kinh tế gia đình chẳng dư gì mấy, nhưng bà Hạnh vẫn cố gắng tham gia bảo hiểm y tế. Bà Hạnh nói: “Tham gia bảo hiểm y tế, tôi coi như để dành, phòng khi ốm đau, bệnh tật. Còn nếu như không tham gia bảo hiểm y tế, chẳng may bị bệnh, chi phí điều trị sẽ nhiều. Khi đó, gia đình sẽ không có khả năng trang trải”.

Cùng góp ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, băn khoăn: “Năm nay, kinh tế gia đình tôi hơi eo hẹp. Gia đình chỉ canh tác 1 công đất vườn, trồng mận. Giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng, trong khi đó, giá bán mận không cao, nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập.

Theo dự thảo Luật bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thứ 2 trở đi sẽ tăng, tôi cũng bấm bụng chạy tiền mua, nhưng yêu cầu ngành chức năng cần xem xét, quy định tăng thêm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh”.

Cả ba người dân nói trên đều chung đề xuất là nhà nước nên bỏ quy định “trái tuyến – đúng tuyến”. Người dân có nhu cầu đi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nào thì tùy vào quyền lựa chọn của người đó.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)