VNTB – Tăng vọt 11% so cùng kỳ năm ngoái: Nợ công VN dấn sâu nguy hiểm

VNTB: Nếu chỉ cập nhật theo Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist ngày 4/5/2015, tổng nợ công của Việt Nam đang ở mức 89,08 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 46,6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm này năm ngoái, nợ công của Việt Nam là 81 tỷ USD chiếm tỉ lệ 47,9% GDP.

Cần lưu ý, con số và tỷ lệ nợ công trên được căn cứ vào báo cáo chính thức của Chính phủ và Bộ tài chính VN.

Tuy nhiên tỷ lệ thực về nợ công/GDP mà những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu công bố của Chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.

Song những chuyên gia độc lập khác đã nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ đến nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên hiệp quốc.

Trong mọt thái độ khuất tất lâu ngày, ngành thống kê và Bộ tài chính VN vẫn khăng khăng không chịu đưa tiêu chí trên vào áp dụng, dẫn đến kết quả “nợ công luôn nằm trong mức an toàn”.

Cùng với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,25% lên 3,49% theo một con vừa được công bố bởi Ngân hàng nhà nước, tình hình nợ công tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế VN lao vào vùng phá sản trong ít năm tới – không khác mấy trường hợp Achentina năm 2001.


Tin liên quan: Mỗi người Việt “gánh” hơn 21 triệu đồng nợ công

Con số này đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu 1 năm trước, mỗi người Việt “gánh” khoảng 896 USD nợ công thì tới thời điểm sáng 4/5/2015, số nợ công trên đầu người đã lên tới 979,77 USD.

(Ảnh chụp màn hình sáng 4/5/2015)
Theo cập nhật tại Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist sáng nay (4/5), hiện tại, tổng nợ công của Việt Nam đang ở mức 89,08 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 46,6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm này năm ngoái, nợ công của Việt Nam là 81 tỷ USD chiếm tỉ lệ 47,9% GDP.

Và như vậy, với dân số 91,46 triệu dân, bình quân mỗi người Việt đang “gánh” trên mình 979,77 USD nợ công, tức khoảng 21,2 triệu đồng (cùng kỳ năm ngoái, con số này là 896 USD).

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố số liệu cho biết, dư nợ công ở thời điểm 31/12/2014 bằng 59,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,1% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 40,3%, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Theo đánh giá của Chính phủ, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.

Đánh giá về tình hình nợ công của Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Mức độ nợ công luôn được báo cáo ở dưới ngưỡng an toàn, các điều chỉnh về mặt pháp luật là tương đối hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện hiện tại.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cách hạch toán ngân sách nhà nước ở Việt Nam không theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu chính phủ cho các dự án giáo dục, thuỷ lợi, y tế… được để ngoài bảng và không được tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách và nợ công.

Chi cho các công trình lớn kéo dài cũng được phân bổ dần vào quyết toán ngân sách nhiều năm chứ không tính cả vào năm trái phiếu được phát hành để vay nợ. Sự bỏ sót trong hạch toán thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua số chênh lệch giữa lượng trái phiếu chính phủ phát hành vay nợ thực tế hàng năm và con số trái phiếu chính phủ phát hành phản ánh trong Quyết toán.

Bên cạnh đó, còn một lượng nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, cũng không được phản ánh trong bội chi ngân sách và nợ công hàng năm như thông lệ và khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế. Sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khoá khiến cho con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng nợ công của Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin cho những người tham gia thị trường, khiến cho việc so sánh quốc tế, đánh giá, và quản lý rủi ro nợ công của Việt Nam khó khăn.

Cùng quan điểm, TS Ngô Trí Long cũng chỉ ra rằng, cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước được nhà nước không tính vào đó. Với tỷ lệ nợ công so với GDP như vậy đồng thời với những khó khăn thách thức cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc sử dụng không hiệu qủa thì đây là tình trạng đáng báo động… – ông Long quan ngại.

Để chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công hiện hành, hồi năm ngoái, Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD (hơn 21.000 tỷ đồng) và thành công vượt mức mong đợi về lãi suất (4,7%/năm, so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm) giúp tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ (trong 10 năm).

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã xin ý kiến phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đầu tiên là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, ông không đề cập tới giá trị số trái phiếu dự kiến phát hành là bao nhiêu.

Ông Tuấn cho biết, việc phát hành nhằm mục đích thay các khoản vay với thời gian ngắn lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước.

Theo Bích Diệp/ Dân trí

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)