Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 5)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Chính quyền Việt Nam thường cáo buộc các nhóm tôn giáo người Thượng có liên hệ với FULRO và coi những người này là mối đe dọa an ninh quốc gia 

 

Bài 5: Người Thượng Tây Nguyên – Con Giun bị xéo mãi

 

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

 

 

Người Tây Nguyên, đặc biệt là các dân tộc bản địa như Ê Đê, Ba Na, M’Nông, đã khởi xướng nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm.

N’Trang Lơng (1901 – 1936) là thủ lĩnh của người M’Nông, nổi dậy chống lại sự cai trị của thực dân Pháp tại vùng Tây Nguyên vào đầu thế kỷ 20. Ông tập hợp các dân tộc bản địa kháng chiến trong suốt hơn 30 năm. Cuộc kháng chiến thất bại nhưng ông trở thành biểu tượng anh hùng cho tinh thần chống ngoại xâm của tất cả người Tây Nguyên. 

Người Tây Nguyên cũng đã tham gia cùng Việt Minh kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), cản trở thực dân Pháp kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng tại Tây Nguyên.

Vị trí chiến lược của Tây Nguyên đã khiến khu vực này trở thành chiến trường ác liệt trong cuộc chiến giữa Bắc và Nam Việt Nam. Lúc này người Tây Nguyên hoặc theo quốc gia Việt Nam chống cộng hay ngược lại. Cũng nhiều người trợ chiến trong các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ chống cộng sản xâm nhập Nam Việt Nam. 

Ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa, 26 tháng 10.1956 Người Thượng đã dâng tặng Tổng thống Ngô Đình Diệm một con voi trắng, thiêng liêng, hiếm quý, biểu thị danh dự và tầm quan trọng lớn theo truyền thống của người Thượng là chúc mừng và ban phước lành. Việc tôn vinh TT Việt Nam Cộng Hòa theo cách này theo phong tục, hiếm khi xảy ra trong lịch sử của người Thượng. Họ trao gửi lòng tin, sự thuần phục và sự tôn trọng sâu sắc nhất của họ đối với Tổng thống Diệm.

Nhưng chỉ 2 năm sau, năm 1958, Phong trào BAJARAKA- Bahnar, Jarai, Rhade và Koho-, do Y Bham Enuol lãnh đạo, được thành lập để phản đối Chính sách của Tổng thống Diệm. Mục tiêu của BAJARAKA là tạo ra một quốc gia riêng biệt với quyền tự quản của người Thượng, nhưng vẫn chung sống hòa bình với người Việt Nam. Tổng thống Diệm ngay lập tức đàn áp Phong trào này bằng võ lực. Sáu nhà lãnh đạo người Thượng: Y Bham Enuol, Paul Nur, Siu Sip Y T’Hih Eban, Y Ju Eban, Nay Luett và Touneh Yoh đã bị kết án, mỗi người sáu năm tù.

1960- Hồ Chí Minh đã lập ra phong trào “Mặt trận Tây Nguyên Giải phóng” và chỉ định một chủ tịch bù nhìn là Y Bih Aleo. Hàng ngàn thanh niên người Thượng bị bắt đi lính, sống trong những vùng chiến khu xa xôi để chiến đấu và hy sinh vì lợi ích cho Bắc Việt. Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ khôi phục quyền tự chủ cho người Thượng sau khi giành chiến thắng ở Nam Việt Nam.

Ngày 12 tháng 2 năm 1964, Y Bham Enuol và sáu nhà lãnh đạo BAJARAKA khác được trả tự do. Chính quyền Sài Gòn, lúc đó do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo bổ nhiệm Paul Nur làm Trợ lý Tỉnh trưởng Kontum và Y- Bham Enuol làm Trợ lý Tỉnh trưởng Daklak sau ông này trở thành dân biểu quốc hội. 

Ông Y Bih Aleo – Người dân tộc Ê Đê- được đề cử Tổng trưởng Bộ Sắc tộc. Ông là người đại diện cho các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên trong chính quyền và được biết đến với vai trò thúc đẩy các chính sách dành cho người dân tộc thiểu số. 

Y Bham Enuol và các nhà lãnh đạo người Thượng khác một lần nữa tổ chức một mặt trận ngầm mới có tên là “Mặt trận Giải phóng Người Thượng Cao nguyên” (FLHPM). Y Bham Enuol được người Khmer Krom và Champa ở Campuchia tiếp cận và đề nghị tham gia một mặt trận mới được thành lập mang tên FULRO, “Front  Unifie De Lutte De La Races Opprimee”- Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của Các Sắc tộc Bị Áp bức. 

FULRO là một tổ chức chính trị-quân sự được thành lập vào thập niên 1960. Một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam thành lập tổ chức này năm 1964 bằng kết hợp ba phong trào chính BAJARAKA, Phong trào người Chăm đòi quyền tự trị cho dân tộc Chăm và Phong trào Khmer Krom đòi lại đất cho người Khmer ở Nam Bộ.

Mục tiêu chính của FULRO là giành lại quyền tự trị cho các dân tộc bản địa và chống lại sự chi phối của cả chính quyền miền Nam Việt Nam lẫn chính quyền miền Bắc. 

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, FULRO thực hiện các cuộc đấu tranh võ trang chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và một số khu vực miền Nam Việt Nam. FULRO ban đầu chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó tổ chức này cũng đối đầu dữ dội với chính quyền miền Bắc Việt Nam khi miền Nam sụp đổ.

Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, FULRO vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc xung đột nhỏ chống lại chính quyền mới. Đến cuối thập niên 1980, tổ chức này dần suy yếu do thiếu hỗ trợ, thiếu nguồn lực và sự đàn áp mạnh từ chính quyền Việt Nam.

Đến đầu những năm 1990, FULRO gần như tan rã. Tháng 12/1992, khoảng hơn 400 người FULRO còn lại do ông Y Pênh A Yun cầm đầu đã hạ cờ trước UNTAC, cơ quan chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia-The United Nations Transitional Authority in Cambodia.

Ngay khi kiểm soát toàn bộ miền Nam, ĐCSVN đã nuốt lời hứa của HCM trao quyền tự chủ cho người Thượng sau khi giành chiến thắng ở Nam Việt Nam. Cao Nguyên Trung phần, Tây Nguyên, rơi vào thảm họa chưa từng thấy. Người bản địa Tây Nguyên phải đối mặt với những bất ổn xã hội do chính sách thâm độc của chính quyền Việt Nam. 

Chính quyền Việt Nam đã bị quốc tế chỉ trích về việc đàn áp, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo, phân biệt đối xử với những người theo đạo, và dùng võ lực đối phó các cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo. 

Chính quyền Việt Nam chỉ công nhận các tổ chức tôn giáo được đăng ký với nhà nước và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các nhóm tôn giáo không được công nhận, như Tin Lành Đề Ga, “Hội thánh Tin lành đấng Christ, UMCC, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, CHPC, đạo Hà Mòn v..v bị xem là bất hợp pháp và bị đàn áp mạnh mẽ. Một số linh mục công giáo bị giết một cách mờ ám, hay thủ phạm được cho là kẻ bị tâm thần.

Các báo cáo của các tổ chức nhân quyền cho rằng chính quyền địa phương đã dùng biện pháp cưỡng ép người Thượng từ bỏ đức tin. Một số trường hợp được ghi nhận là chính quyền đã phá dỡ nhà thờ hoặc không cho phép người dân tổ chức các buổi lễ tôn giáo tại nhà riêng.

Còn có thông tin về việc chính quyền ép buộc người dân ký cam kết từ bỏ đạo. Người dân bị đe dọa về kinh tế như mất trợ cấp, đất đai, hoặc công việc nếu không bỏ đạo.

Người Thượng đã nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo và quyền lợi đất đai. Các cuộc biểu tình này thường bị chính quyền coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và bị đàn áp bằng vũ lực. Ví dụ, các cuộc biểu tình lớn vào năm 2001 và 2004 ở Tây Nguyên đã bị đàn áp nặng nề, với nhiều người biểu tình bị bắt giữ và kết án tù.

Chính quyền cũng được cho là đã sử dụng các lực lượng vũ trang để đàn áp các cuộc biểu tình, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và truyền thông để hạn chế thông tin về những cuộc đàn áp.

Người Thượng theo đạo Tin Lành và Công giáo thường bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Các hoạt động tôn giáo, chẳng hạn như tổ chức lễ nhà thờ, phải xin phép chính quyền và bị kiểm soát kỹ lưỡng.

Nhiều người dân Tây Nguyên báo cáo rằng các buổi họp tôn giáo hoặc lễ nghi thường bị can thiệp hoặc cấm đoán, đặc biệt là khi tổ chức ở quy mô lớn hoặc có yếu tố chống đối.

Cũng có những báo cáo về việc chính quyền đưa các tín đồ Tin Lành và Công giáo vào các trại “cải tạo” với mục đích giáo dục lòng trung thành với nhà nước và từ bỏ đức tin tôn giáo để hòa nhập vào xã hội dưới sự kiểm soát của chính quyền.

Chính quyền Việt Nam thường cáo buộc các nhóm tôn giáo người Thượng có liên hệ với FULRO và coi những người này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Điều này đã tạo cớ cho chính quyền đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.

Chính quyền Việt Nam luôn giám sát, đối xử không công bằng, xóa bỏ lịch sử, văn hóa truyền thống, chiếm đoạt đất đai, nguồn nước của dân bản địa Tây Nguyên. Thêm vào đó, chính quyền lại đang giám sát sâu và gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên gây nên căng thẳng giữa chính quyền và người Thượng. Tây Nguyên vẫn là điểm nóng, nhạy cảm về an ninh và xã hội và đó là nguyên nhân cho cuộc nổi dậy đẫm máu năm 2023.

Bài sau: Dân Tộc Bản Địa Tây Nguyên bị đàn áp tôn giáo.

 

___________________________

Tham khảo

https://www.hrw.org/news/2002/04/23/vietnams-repression-montagnards

https://www.refworld.org/reference/countryrep/hrw/2002/en/40633

https://www.rfa.org/english/commentaries/vietnam-montagnards-10232018155849.html

https://baogialai.com.vn/tay-nguyen-xay-dung-the-tran-long-dan-vung-chac-bai-1-tu-nhung-bai-hoc-dat-gia-post92106.html

https://special.nhandan.vn/ao-vong-ve-nha-nuoc-dega-tu-tri/index.html

https://www.mhro.org/montangards-history

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB- Việt Nam: Cuộc chiến thật trên mạng ảo

Phan Thanh Hung

VNTB – The Diplomat: Xung đột phía Bắc Myanmar và góc nhìn sâu về quá trình chuyển đổi

Phan Thanh Hung

VNTB – Lần đầu ra mắt “Sách trắng về tôn giáo ở Việt Nam”

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.