VNTB- Tết Ất Mùi 2015 được tổ chức khắp Hà Lan

Phương Thảo (Hà Lan)

(VNTB) – Thành phần tham dự các buổi tiệc này cũng khá là khác nhau vì có người không thích thấy cờ đỏ sao vàng thì cũng có người không quen nhìn cờ vàng ba sọc đỏ. Có những người không thích cờ nào

Với gần 20 nghìn người Việt sinh sống và làm việc ở Hà Lan, cộng đồng người Việt khá là khiêm tốn nếu so với các cộng đồng dân Suriname, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ma Rốc ở đây. Nhưng cộng đồng người Việt cũng vẫn có những hoạt động trong suốt cả tháng hai để vui tết Ất Mùi.
Bắt đầu từ ngày 7 tháng 2 dương lịch, người Việt ở đã bắt đầu ăn tết âm lịch ở Arnhem và cứ mỗi cuối tuần sẽ có một hai buổi tiệc. Tiệc do các Cộng đồng người Việt tại Hòa Lan ở Eindhoven, Pumerend, Bollenstreek và Hoorn lần lượt tổ chức hàng tuần cho đến tận ngày 28 tháng 2 ở để phục vụ đồng hương. Giáo xứ Vương nữ các Thánh Tử vì Đạo tại Hòa Lan tổ chức tiệc ở Utrecht cho các giáo dân. Phật tử có thể tham gia lễ tết tại chùa Vạn Hạnh Hòa Lan. Các ông bố bà mẹ trẻ của Hội bố mẹ Việt nam tại Hà Lan trên Facebook cũng tổ chức một cái tết Việt Nam riêng cho các bé vào ngày chủ nhật giữa tháng Hai.
Các chương trình tết chỉ được tổ chức vào ngày cuối tuần để mọi người có thể tham gia. Chương trình tết mỗi năm thì cũng chỉ có phần hát karaoke, phần biểu diễn văn nghệ của người lớn và các em thiếu nhi có kèm theo dạ vũ, múa lân. Một phần không kém phần quan trọng khác là các món ăn truyền thống Việt Nam. Có người mong đi đến chỉ để ăn các món chè, phở hay hột vịt lộn. Đây là dịp để được gặp gỡ người Việt và thưởng thức các món ăn ngày tết. Lễ tết do các hội đoàn hay nhà thờ tổ chức đều có bán vé vào cửa từ 5 đến 15 euro để trang trải tiền thuê mướn chỗ và thuê bao âm thanh, ánh sáng.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng có tổ chức tiệc mừng xuân ở Den Haag. Phần lớn người tham gia tiệc của đại sứ là các sinh viên học sinh tại Hà Lan hoặc những người mới sang định cư gần đây. Ai muốn tham gia thì đăng ký và sẽ được nhận giấy mời tham dự. Tiệc của Đại sứ thì hoàn toàn miễn phí, chỉ tốn tiền tàu xe. Ngoài các tiết mục văn nghệ của các sinh viên, ăn uống thì còn có cả bốc thăm may mắn. Phần thưởng lớn nhất có năm là cặp vé máy bay về Việt Nam nên ai cũng rất hào hứng.
Thành phần tham dự các buổi tiệc này cũng khá là khác nhau vì có người không thích thấy cờ đỏ sao vàng thì cũng có người không quen nhìn cờ vàng ba sọc đỏ. Có những người không thích cờ nào và cũng không thích đi xa thì có thể tự tổ chức tiệc ở nhà với bạn bè người thân. Ngày tết rơi vào thứ Tư là ngày thường, ai cũng đi làm nên chỉ còn có thể gặp nhau vào ngày cuối tuần nếu như không phải làm trong các ngành dịch vụ về ăn uống. Duy chỉ có chùa Vạn Hạnh tổ chức đón giao thừa và ngày tết đúng ngày âm lịch.
Nhiều gia đình cũng tự làm các loại bánh mứt, bánh chưng thường được đặt mua để đón tết. Năm nay nhờ có Facebook mà thị trường bánh chưng online trở nên sôi nổi vì người bán được người mua quảng cáo miễn phí hộ khi họ chụp hình và cho ý kiến phản hồi. Có người còn có cả cây quất nâng niu cả năm để dành trưng cho những ngày đầu năm này hay trưng những cành mai giả cho đỡ nhớ tết ở nhà. Với những người bận rộn thì vẫn có thể mua bánh mứt ở các tiệm tạp hóa của người Việt hay người Tàu. Chiều cuối cùng của năm nếu đi đến phố Tàu sẽ có múa lân, đốt pháo và diễu hành quanh các khu phố.
Người Việt ở đây không đi mua sắm nhộn nhịp cho mấy ngày tết như người ở nhà vì chỉ ăn tết có một buổi tối và không phải nhà nào cũng có mâm cỗ ngày ba mươi đón giao thừa. Nếu có đón giao thừa thì chỉ đón vậy thôi, chứ nếu là người làm công ăn lương hay chủ các cửa hàng nhỏ thì sáng sớm hôm sau lại tất bật một ngày đi làm bình thường như mọi ngày. Không có đi chùa hái lộc đầu năm hay chọn giờ xuất hành. Hương vị, không khí ngày ba mươi hay ngày đầu năm chỉ trong tâm trí.
Không phải ai cũng đón tết. Cũng có những người xa quê lâu ngày, cuộc sống bận rộn và lại sống ở khu vực không có người Việt thì tết âm lịch đã không còn là điều cần thiết nữa. Không phải họ quên nguồn cội, nhưng chỉ đơn giản bởi không có gì để gợi nhớ đến không khí ngày tết và cũng không có nhu cầu phải quây quần bên gia đình ngày đầu xuân âm lịch. Họ cũng đã có làm những việc tương tự vào dịp Giáng sinh và ngày đầu năm dương lịch rồi.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)