VNTB – Tết của ngày xưa

VNTB – Tết của ngày xưa

Nguyễn Thị Hường

 

(VNTB) – Ở quê tôi cứ độ gần Tết là gió chướng về. Quả tình cơn gió này “chướng” thiệt!

 

Đang trên cao tự nhiên lại sà xuống, đang thổi hướng xuôi bỗng dưng lộn ngược trở lại. Cho nên đối với đứa trẻ nít vô tư là tôi ngày xưa, cơn gió như đang nhào lộn reo vui chào đón mùa xuân về. Đây cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón Tết. Cái chung là như vậy nhưng chắc hẳn mỗi nhà đều có một cách chuẩn bị khác nhau.

Ba tôi bắt đầu chuẩn bị cho Tết bằng việc… sửa nhà. Căn nhà này ba má mua được sau khi đã trải qua nhiều lần thuê nhà ở hết chỗ này sang chỗ khác. Hồi ấy chắc tôi còn nhỏ lắm vì chưa đi học, đâu khoảng bốn hay năm tuổi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh lúc dọn sang nhà mới. Đó là một căn nhà nhỏ nằm sát mé sông bên cạnh một bến nước kêu là bến Lở. Gọi như thế vì bờ sông này hay bị lở.

Thời trước, để chống lở Pháp đã cho xây một bờ bao bằng xi măng trộn sỏi đá dọc con sông mà dân xóm này hay gọi là “cột sạn”. Nhà chỉ có một phần ba nằm trên mặt đất. Phần còn lại là nhà sàn dựa vào “cột sạn” được chống đở bằng các cột gỗ xiêu vẹo cắm xuống đáy sông.

Bây giờ nhiều lúc nhớ lại tôi giật mình tự hỏi sao gia đình mình chưa bao giờ bị lọt xuống sông vì sập nhà nhỉ? Mấy cây cột này sau một năm ngâm mình dưới nước cứ đến Tết thì y như răng sắp rụng, nên Tết cũng là dịp để ba đại tu lại căn nhà: xem xét và thay những cây cột hư mục, lợp lại mái nhà, đóng lại vách…

Ba một mình tự làm hết mọi chuyện, ung dung nhưng rất hiệu quả. Ba tôi làm nghề thợ đồng chuyên gò các thùng xăng xe bị móp, hàn vá lại cửa, vách xe đò xe tải bị rỉ sét, bị móp méo… Cho nên chẳng lạ gì khi sau mấy lần “cải tạo” căn nhà sàn vốn có vách lá mái lá đã dần biến thành mái tôn, vách tôn. Vào mùa gió chướng mái tôn lại bị gió giật kêu lạch cạch thành một khúc nhạc chào xuân rất rộn ràng.

Má tôi chuẩn bị cho Tết theo cách của phụ nữ. Vì má làm nghề thợ may nên sau những ngày thức khuya để cố giải quyết những đồ may mướn xong má bắt đầu cắt may quần áo mới cho các con.

Công việc tiếp theo là dọn tủ. Tủ của má có giá trị nhất trong căn nhà, xét cả về hình thức lẫn nội dung chứa trong đó. Tủ được làm bằng các tấm gỗ nguyên, đóng rất khít. Đồ đạc trong tủ là một bí mật khêu gợi trí tò mò của một đứa nhỏ như tôi rất nhiều. Mỗi lần má soạn tủ tôi luôn túc trực bên cạnh để được dòm ngó các món đồ trong ấy. Nào là giấy khai sinh của anh chị em tôi, nữ trang của má, quần áo mới… Lại có cả xấp giấy báo nữa chứ. Từ nhỏ tôi đã có tật ham đọc nên hay chộp lấy và đọc không sót mục nào trong đó.

Mấy năm đầu ở đây, các em còn nhỏ nên chỉ có tôi và chị ba chơi với nhau. Gần Tết là mùa nước rong nên nhà hay bị ngập. Tép con, cá con lội đầy trong nhà. Chúng tôi hay dùng thau để vớt tôm cá. Những con tép, cá sống nhăn, trong veo lội lúc nhúc trong thau là trò giải trí không chán của hai chị em.Khi cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì dưới sông không khí ngày Tết lại càng đến gần.

Những ngày ấy tôi hay thức dậy sớm, khoảng 4 hay 5 giờ sáng, khi bà ngoại và dì út dậy nấu khoai lang để ngoại đem ra bán trước rạp hát gần nhà. Bếp nằm sau nhà, nhìn ra sông. Tôi hay ngồi im lặng cạnh anh hai, cũng dậy sớm học bài bên ánh lửa bếp, ngắm nhìn những con chim bay lượn bắt cá trên sông.

Đôi khi tôi cũng tò mò lắng nghe xem anh hai đang học bài gì. Có một bài tôi rất thích thú và nhớ đến tận bây giờ. Đó là bài vạn vật nói về đời sống con ếch.

Ếch đẻ trứng, trứng nở thành con nòng nọc rồi sau mới thành con ếch (thật là ngộ nghĩnh!). Tất nhiên, dậy sớm không chỉ vì bấy nhiêu việc đó. Tôi đang chờ mặt trời ngoi từ rặng dừa bên kia sông lên. Cảnh mặt trời mọc trên sông thật đẹp. Và nó còn làm nền cho một cảnh đẹp khác tiếp theo. Chút nữa thôi những chiếc ghe chở bông sẽ đi ngang qua. Bông được chở từ thôn quê đem ra chợ thị xã bán Tết.

Càng cận Tết các ghe đi ngang càng nhiều hơn, rộn rã hơn. Từng chiếc ghe chở hoa, ở giữa cắm một tàu dừa nước làm buồm lộng gió, nườm nượp trôi mau về phía trước, lướt qua vũng mặt trời lấp lánh trên sông. Hình như ánh mặt trời bỗng rạng rỡ hơn khi chiếu qua những bông hoa đủ sắc màu tươi thắm ấy.

Trước Tết vài ngày cả nhà sẽ xúm nhau lau dọn nhà cửa. Sau đó bà ngoại, dì út và hai chị em tôi sẽ đi chợ và lễ mễ xách về mọi thứ: nào là đồ ăn, bánh mứt, dưa hấu… Còn ba lo phần mua bông chưng.

Bao giờ ba cũng phải bỏ ra cả nửa ngày trời để rút ra cắm vào, nghiêng đầu ngắm nghía sao cho có được một bình bông chưng bàn thờ thật vừa ý. Sau mấy ngày tất bật dọn dẹp, đến ngày 30 Tết mọi việc đã đâu vào đấy. Căn nhà hình như trở nên sáng sủa mát mẻ hơn với bộ lư hương chân đèn mới đánh bóng, bình hoa chưng trên bàn thờ và những chậu vạn thọ, cúc, mồng gà…để trước và sau nhà.

Đêm giao thừa là một đêm đặc biệt nhất. Bà ngoại đã chuẩn bị sẳn một bình bông và trái dừa để cúng trời đất. Khi xa xa vọng lại vài tiếng pháo đì đùng là cả nhà reo lên: “Rồi, tới giao thừa rồi!”…

Bà ngoại, mặc sẳn chiếc áo dài the đen, lật đật châm nhang vào cây đèn dầu ra trước bàn thiêng kính cẩn khấn vái. Trước sân nhà ba đang châm lửa vào dây pháo.

Pháo bắt đầu nổ, một năm mới đã đến trong bầu không khí thật thiêng liêng. Ai cũng thầm mong ước năm nay gia đình sẽ được yên vui nhiều may mắn hơn. Tôi cũng thích sáng mồng một Tết được theo ngoại đi lễ chùa, ngang qua những con đường ngập tràn xác pháo và đó đây vẫn còn vài tiếng pháo của trẻ con đốt vang lên từng chập.

Tết cũng là dịp mọi người thăm viếng lẩn nhau trong niềm hân hoan. Thế nhưng có một người mà hễ Tết đến nhà là má lại sa sầm nét mặt. Tôi gọi người này là ông cậu (không nhớ là anh hay em của bà nội). Giống như má, tôi cũng không ưa ông ấy. Nguyên do là vì lần nào đến nhà khi thấy tôi toét miệng ra cười và cúi đầu chào thì ổng lại phán:

– Con nhỏ này miệng rộng quá ta. Nữa lớn nó ăn tan hoang cửa nhà bây ơi!

Còn má, tại sao má cũng lộ vẽ ác cảm với ổng?

Cuối cùng thắc mắc của tôi cũng được giải đáp. Một lần sau khi ông ấy ra khỏi nhà, không nhịn được má càu nhàu:

– Ổng là nhà nho mà ác thấy ghê. Hồi đó bắt ba mày chăn trâu mà còn bỏ đói rồi đánh đập nữa.

Rồi má kể hồi đó ông nội mất sớm, bà nội gửi ba cho ông ấy nuôi. Tiếng là nuôi nhưng thực chất là ở đợ. Ba suốt ngày chăn trâu ở ngoài đồng, nhiều khi đói phải hái ổi non ăn nên bây giờ bị đau bao tử kinh niên. Nghe xong tôi càng ghét ông ấy bội phần.

Tuy không được ăn học nhưng ba rất thông minh. Ông ấy là thầy đồ trong làng, mở lớp dạy học ở nhà. Ba núp ở kẹt cửa học lén mà cũng biết đọc chữ. Có thể nói tôi có niềm đam mê đọc sách ngay từ hồi nhỏ là nhờ ba.

Đến giờ, tôi cũng không sao hiểu được một người không được đến trường ngày nào mà lại thích đọc báo hàng ngày, thích đọc truyện Tam quốc chí, Thủy hử…và lại còn có thể giải nghĩa những từ Hán Việt nghe khá hợp lý. Sao cuộc đời ba tôi nghe cứ như là chuyện cổ tích? Nhưng ba má là những người chân chất chắc chắn không thể bịa đặt ra một câu chuyện như vậy. Vả lại, bịa ra để làm gì?

Có một lần sắp Tết ba kể:

– Hồi đó Tết tao đòi quần áo mới bà nội mày cứ gạt tao: chưa Tết đâu con. Tới chừng Tết qua hồi nào hỗng hay.

Ba vừa nói vừa cười cứ như không và cũng chỉ nói điều đó một lần duy nhất. Vậy mà cho đến bây giờ mỗi lần Tết đến nhớ lại câu nói ấy tôi lại cứ rơm rớm nước mắt.

Lớn lên một chút tôi mới hiểu vì sao ba lại có một tính khí ngang tàng nhưng đầy nghĩa hiệp, luôn có một thái độ rất điềm tĩnh và tích cực trước những khó khăn trong cuộc sống. Mười hai tuổi ba đã một mình khăn gói lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Một chút quần áo và tiền bạc lận lưng đã bị kẻ gian dụ lấy mất. Một đứa trẻ 12 tuổi đã làm mọi chuyện để có thể tồn tại trên đất Sài Gòn và có một nghề nghiệp lương thiện thì còn có trở ngại gì trên đời có thể làm chùn bước được nữa?

Nhưng má thì không được như vậy. Đơn giản vì má là phụ nữ. Má luôn lo âu, căng thẳng trước mọi chuyện. Những năm sau, mấy đứa em lần lượt ra đời trong khi chiến sự ngày càng ác liệt, chính trường miền nam luôn rối ren với các cuộc biểu tình, đảo chính… kéo theo vật giá liên tiếp leo thang.

Công việc của ba không thuận lợi nên má phải lo toan nhiều hơn. Nhiều khi đồ may ế ẩm má phải ra chợ tìm mối gia công cho cả nhà cùng làm: nào may quần áo mưa, đan vớ đan nón cho trẻ em… Mỗi lần Tết đến má không còn hào hứng như trước mà hay thở dài rên rỉ: “Sao Tết gì mà rầu quá!”. Than thì than vậy nhưng rồi má vẫn xoay sở để ba ngày Tết được tươm tất một chút.

Dù sao trời cũng đã ban cho má một bà tiên: đó là dì út. Dì út hồi trẻ tuy không đẹp nhưng nổi tiếng hiếu thảo và giỏi giang nên cũng có nhiều người dạm hỏi. Thế mà dì không ưng một ai cả! Ai thắc mắc hỏi thì dì chỉ bẽn lẽn cười rồi quay mặt đi, len lén kéo vạt áo lên chậm nước mắt.

Dì út không nỡ bỏ bà ngoại và má với đàn con nheo nhóc! Lâu lâu dì lại gom những đồng tiền chắt bóp được từ việc nấu khoai lang bán để đưa cho má trang trải việc nhà. Ngoài việc phụ may quần áo với má, khi chúng tôi còn nhỏ dì còn phải đi chợ nấu cơm, gánh nước, giặt giũ…

Hồi mới biết đọc tôi đã mê đọc truyện hơn học bài nên kết quả học tập không tốt lắm. Nhưng lớn hơn một chút, ý thức được  hoàn cảnh gia đình, tôi đã cố gắng chiến thắng tật làm biếng để học tốt. Tôi mong ước sau này sẽ đỗ đạt thành tài, có thể lo cho bà ngoại, ba má và dì út được sung sướng hơn.

Ước mơ ấy tôi chỉ thực hiện được một nửa. Vĩnh viễn là như thế!

Bà ngoại đã mất khi tôi đang học lớp đệ nhất. Tôi vào đại học, ra trường, rồi đi làm xa nhà, có gia đình con cái. Tôi đâu có làm được gì cho những người thân còn lại ngoài những bộn bề lo toan cho cuộc sống của gia đình riêng cho đến khi má rồi ba lần lượt qua đời. Và những cái Tết ngày thơ ấu cùng những người thân yêu ấy dần lùi sâu vào quá khứ…

Bây giờ, sau nhiều năm một mình lủi thủi đi trên con đường đời, với một gánh nặng trên vai, tôi bỗng phát hiện ra mình cũng hay càm ràm rên rỉ như má tự lúc nào. Và tôi đã hiểu, một cách sâu sắc, má cũng như nhiều phụ nữ khác luôn cảm thấy yếu đuối sợ hãi bất an trước những bất trắc của cuộc đời, nhưng vẫn luôn phải dũng cảm tiến lên, bởi sự thôi thúc của tình thương và trách nhiệm.

Để rồi, đôi khi ghé về mái nhà xưa vào một mùa gió chướng rộn ràng, khi con tim trĩu nặng ưu phiền, chợt thèm được một mình ngồi yên lặng bên bờ sông, lắng nghe từng cơn sóng êm ái vỗ về… Lòng bỗng khao khát được trở về ngày xưa cũ, đã xa lắm rồi, nơi có những chiếc thuyền hoa trôi qua vũng sáng lấp lánh trên sông, chở tuổi thơ đến xứ sở thần tiên với đầy ắp những ước mơ sáng trong và giản dị.

Lại thêm một cái Tết nữa cận kề.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)