Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tết , kể vài kỷ niệm về Trúc Phương

Trần Thế Kỷ

 

(VNTB) – Có lẽ không quá lời nếu nói rằng ở Việt Nam, cái tên Trúc Phương đồng nghĩa với Bolero.

 

  

Trúc Phương là nhạc sĩ nổi tiếng, nếu không nói là nổi tiếng nhất, của dòng nhạc Bolero. Ông là tác giả của nhiều nhạc phẩm Bolero để đời: Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Lối Mộng, Nửa Đêm Ngoài Phố … Có lẽ không quá lời nếu nói rằng ở Việt Nam, cái tên Trúc Phương đồng nghĩa với Bolero .

Sau đây là vài kỷ niệm tôi đã có với người nhạc sĩ này.

Lần đầu tôi gặp ông là vào đầu năm 1970. Lúc ấy chỉ còn mấy tuần nữa là đến Tết. Tôi và một bạn học cũ tên Hùng đang ngồi trong một quán cà phê trên đường Võ Tánh, Phú Nhuận thì bước vào một người đàn ông tuổi độ bốn mươi, đeo kính cận, dáng người cao và lưng hơi khòm. Hùng liền vồn vã đứng dậy chào ông và giới thiệu với tôi đó là nhạc sĩ Trúc Phương . Hai người hẳn là biết nhau vì tôi thấy Trúc Phương hỏi thăm sức khỏe bố mẹ Hùng.  Rồi Hùng mời người nhạc sĩ ngồi cùng bàn với chúng tôi. Bên ly cà phê đen, tôi hỏi người nhạc sĩ:

– Trong số các sáng tác của anh thì anh thích bản nào nhất?

– Chính là bài Tàu Đêm Năm Cũ. Tôi viết bài này vào đầu năm 1960 để tặng cho những người lính phải xa nhà vì lúc đó ông Diệm có sắc lệnh hoán chuyển sĩ quan và công chức từ Nam ra Trung và ngược lại.

– Dường như những sáng tác đầu tay của anh là vào thời ông Diệm?

– Đúng vậy. Thời ấy, dưới sự lèo lái của ông Diệm, miền Nam rất thái bình . Tâm hồn nghệ sĩ nhờ thế cũng dạt dào niềm cảm hứng. Sáng tác đầu tay của tôi là Tình Thắm Duyên Quê viết năm 1957. Sau đó là Chiều Làng Em và Đò Chiều. 

Qua cách nói của mình, Trúc Phương tỏ ra tiếc nuối thưở ông Diệm còn là Tổng thống của miền Nam. Theo tôi , ông Diệm đã là một nhà lãnh đạo rất có tâm. Nhiều người tiếc thương khi ông ra đi. 

Rồi Trúc Phương bảo hai chúng tôi khi nào có dịp nhớ ghé thăm lớp nhạc của ông ở Gò Vấp.

– Lớp nhạc của anh chắc là dạy đàn ghi ta, mandolin …? Tôi hỏi.

– Không phải thế. Ở đấy tôi đào tạo ca sĩ.

Nếu tôi không lầm thì lớp nhạc của Trúc Phương không mấy thành công vì tôi chưa nghe nói có ca sĩ nổi tiếng nào xuất thân từ lớp nhạc này. Có lẽ Trúc Phương có duyên sáng tác hơn là có duyên dạy nhạc.

– Trong các ca sĩ thì anh thích ai nhất?

Tôi hỏi tiếp. Trúc Phương đáp:

– Nhiều ca sĩ trình bày thành công nhạc của tôi nhưng người tôi thích nhất là Thanh Thúy vì chất giọng của cô đặc biệt phù hợp với dòng nhạc của tôi. Tôi đã viết tặng riêng cho Thanh Thúy một số bài như : Mắt Em Buồn, Hình Bóng Cũ …

Sau năm 1975, qua bè bạn, tôi được biết Trúc Phương vượt biên thất bại. Căn nhà của ông ở đường Lý Thường Kiệt, quận 11 bị tịch thu. Những năm sau đó ông vượt biên mấy lần nữa song vẫn không thành công. Ông ở tù, gia đình tan tác. Ra tù, Trúc Phương sống không nhà không cửa, lưu lạc khắp nơi.

Năm 1985, khi đến Vĩnh Long thăm người bác, tôi được bác cho hay nhạc sĩ Trúc Phương đang công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng nhỏ ở số 6 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Vĩnh long. Tôi đến đấy ngay. Khi sắp tới phòng của Trúc Phương thì tôi chợt nghe một giọng hát . Chính là giọng của Trúc Phương. Ngồi trên chiếc giường con , ông đang ôm cây đàn ghi ta cũ mèm, vừa đệm vừa hát bài “Ai Cho Tôi TìnhYêu”: Nhà vắng mang nhiều cay đắng xua hồn đi hoang …

Tôi bước vào phòng và chào ông. Trúc Phương dừng hát, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi nói:

-Cách đây mười mấy năm, anh em mình từng gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Võ Tánh. 

– Tôi nhớ ra rồi. Lần đó cậu đã hỏi tôi nhiều về âm nhạc.

Trúc Phương cười, một nụ cười héo úa, không tươi như ngày nào tôi gặp ông.

-Công việc của anh lúc này thế nào?

– Hội Văn nghệ Cửu Long nhờ tôi giúp tư vấn việc phát triển phong trào văn nghệ tỉnh nhà. Tôi nhận lời vì trước mắt  được cơm ngày hai bữa và nhất là có chỗ ở tạm, không phải sống vô gia cư nữa.

Rồi ông nhún vai:

– Thôi thì tới đâu hay tới đó.

– Từ  năm 75 tới giờ, anh có sáng tác bài nào mới không? Tôi hỏi.

– Gần như là không. Thời buổi này, còn hứng đâu mà sáng tác. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình chẳng khác gì một thây ma biết đi.

Trúc Phương đáp với vẻ mặt héo hắt. Tôi hiểu ông. Sau cái tháng Tư buồn thảm, nhiều người than thở rằng dưới chế độ mới, họ đã trở thành những kẻ lưu vong ngay trên đất nước mình.

Vài năm sau có dịp xuống Vĩnh Long, tôi lại ghé số 6 Trần Hưng Đạo để thăm Trúc Phương thì không gặp ông. Ở đấy cho biết ông đã về Sài Gòn. Có lẽ Hội Văn nghệ Cửu Long không cần ông nữa. Ở Sài Gòn, Trúc Phương sống với ai hay lại sống lang thang một mình, tôi không rõ.

Bẵng đi một thời gian, tôi hay tin qua báo chí rằng ông đã mất ngày 18 tháng 9 năm 1995 vì bệnh sưng phổi. Có một MC ở hải ngoại nói rằng cuối đời, Trúc Phương sống trong cảnh vô cùng nghèo khó và khi chết chỉ còn đôi dép. Không hiểu những lời của MC này là đúng hay sai, nhưng nếu đúng thì thật xót xa và cần phải đặt câu hỏi rằng ở hải ngoại, các ca khúc của Trúc Phương được rất nhiều ca sĩ trình bày trên sân khấu, được nhiều nhà sản xuất thu băng, thu đĩa. Sao không ai trong số họ chịu trả cho Trúc Phương tiền tác quyền, để ông phải sống nghèo chết khổ?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Truyện cười: Lận đận long đong

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện cười: Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Phan Thanh Hung

VNTB – Ba chìm bảy nổi

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.