Trần Thế Kỷ

Một ngàn năm Bắc thuộc khiến nước ta chịu ảnh hưởng của người Tàu về nhiều phương diện một cách sâu đậm. Không phủ nhận sự Bắc thuộc đã mang lại những điều tích cực. Về chính trị, chế độ quận, huyện của người tàu giúp dân ta biết bỏ óc địa phương để tuân theo kỷ luật của trung ương và lần lần có ý niệm về quốc gia. Mặt khác, chính sách cai trị hà khắc của người Tàu càng khiến dân ta đoàn kết, từ đó hình thành tinh thần dân tộc quật cường.Về văn hóa, xã hội, sự du nhập phong tục, lễ nghi Trung Hoa cùng với Tam giáo đã biến đổi sâu xa cách sinh hoạt của dân ta.
Trong khi học được những cái hay của người Tàu, dân Việt cũng từng bước loại bỏ những nghi lễ, hủ tục rườm rà (như trong cưới xin, ma chay,…) để theo kịp thời đại mới. Nhiều năm trở lại đây, mỗi độ tết đến xuân về, nước ta lại rộ lên nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên ăn Tết Nguyên đán theo dương lịch hay không. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc từ bỏ tổ chức Tết Nguyên Đán theo âm lịch thì cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nên tiếp tục ăn tết theo cách cũ, cho rằng như thế hợp với truyền thống của “ông bà”.
Câu hỏi xin đặt ra là hai chữ “Ông bà” ở đây là “Ông bà” nào?
Tổ tiên ta không phải là người Gaulois, cũng không phải là người Tàu, mà là người Việt. Sử cũ còn ghi: Trước thời Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã biết tổ chức Hội Xuân, trai gái múa hát theo tiếng trống đồng, thức ăn ngày Tết thì có bánh dày, bánh chưng. Khi rơi vào thời Bắc thuộc, dân ta đón năm mới theo kiểu người Tàu. Không rõ ông bà ta trước khi bị người Tàu đô hộ thì đón năm mới theo kiểu lịch nào, nhưng chắc chắn không phải là theo âm lịch như người Tàu. Vậy thì hai chữ “Ông bà” mà những người ủng hộ ăn tết theo âm lịch nói tới đích thị là “Ông bà Tàu”, không phải “Ông bà Việt”!.
Thế thì không được. Nếu cứ tiếp tục mừng Tết Nguyên Đán theo âm lịch thì khác nào chúng ta còn luyến tiếc thuở 1.000 năm đô hộ giặc Tàu, cái thời mà dân ta phải vào rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc cho quan Tàu. Trong khi đó nếu mừng tết theo dương lịch thì chúng ta sẽ được nhiều điều lợi. Những cái hay, cái lợi này nhiều vị đã bàn tới nên tôi thấy không cần thiết phải nói ở đây. Không nên cực đoan tới mức bỏ hẳn Tết Nguyên Đán như ý của một vị giáo sư, nhưng chúng ta nên dứt khoát mừng tết theo dương lịch. Để Tết Nguyên Đán theo dương lịch mang đậm tính dân tộc, chúng ta cứ duy trì thịt mỡ dưa hành, cây nêu, câu đối (nên theo thư pháp tiếng Việt), bánh chưng, kể cả tràng pháo (dù chỉ là pháo sáng)…
Nhất thời sẽ có không ít người còn luyến tiếc cái tết theo âm lịch. Nhưng chắc chắn rằng con cháu chúng ta, những người sinh ra khi đất nước đã thay đổi đón năm mới từ âm lịch sang dương lịch sẽ chẳng có gì để luyến tiếc cả. Rất có thể khi biết ông bà ngày xưa từng ăn tết theo âm lịch, con cháu chúng ta sẽ ngạc nhiên và cười:
– Ông bà mình lạc hậu thật!