Minh Tâm
(VNTB) – “Tha tù trước thời hạn” thực chất chỉ nhằm để ngân sách đang èo uột giảm bớt nguồn chi. Đáng nói là trong khi chưa biết hiệu quả thực sự thế nào, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý duyệt chi bình quân 40 tỷ đồng/ năm cho nhóm những người thực hiện Đề án, quả là một nghi ngại cho chuyện ‘tham nhũng chính sách’.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1461/QĐ-TTg, về việc “Phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Tác giả đề án này là Bộ Công an. Theo đó, việc tha tù trước thời hạn là “tiếp tục thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý, giáo dục người phạm tội; ghi nhận và là điều kiện bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013” (Trích phần I.1 của Đề án).
Để thực hiện Đề án từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngân sách sẽ chi cho những người thực hiện Đề án này là 40 tỷ đồng. Nếu Đề án thành công, sẽ giúp ngân sách tiết kiệm được 200 tỷ đồng/ năm, với ước khoảng 20 ngàn phạm nhân được tha tù trước thời hạn.
Gián tiếp xác nhận ở Việt Nam không có nhân quyền
Trong Đề án của Bộ Công an, nhìn nhận rằng tạm tha là một biện pháp trong thi hành án phạt tù đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, kể cả ở những nước phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) hay ở những nước đang phát triển (Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…) với nhiều hình thức và điều kiện cụ thể khác nhau của mỗi nước.
Hiện nay, ở châu Âu đã lập Hiệp hội tạm tha và trên thế giới đã hình thành Hiệp hội tạm tha thế giới với sự tham gia của nhiều quốc gia. Các nước đã thực hiện cơ chế tạm tha đều cho rằng thực hiện biện pháp tạm tha có tính răn đe xã hội cao, tạo động lực thúc đẩy phạm nhân cải tạo tiến bộ và cơ hội tái hòa nhập cộng đồng sớm hơn, hiệu quả hơn cho người bị kết án phạt tù, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong quản lý, giáo dục, giám sát người bị kết án phạt tù, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm và vi phạm pháp luật.
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện tốt biện pháp tạm tha góp phần giảm tải cho các trại giam, giảm chi phí cho việc ăn, mặc, ở, phòng chữa bệnh, chế độ sinh hoạt của phạm nhân, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và giảm số lượng cán bộ các cơ sở giam giữ.
“Các nước đã thực hiện tạm tha có điều kiện đều cho rằng đây là xu hướng tất yếu của công tác thi hành án phạt tù, coi trọng giáo dục hơn giam giữ; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế theo tinh thần của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo… Việc đối xử với tù nhân trong hệ thống trại giam nhằm mục đích chính yếu là cải tạo và đưa họ trở lại xã hội” và “Phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái hòa nhập xã hội của những người nguyên là tù nhân theo những điều kiện tốt nhất có thể, với sự tham gia và giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức xã hội” được nêu trong “Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân” năm 1990 của Liên hợp quốc” (Trích phần I.3).
Người được tha tù vẫn bị hạn chế về quyền công dân
Theo nội dung của Đề án, quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, sẽ chỉ được hưởng các quyền cơ bản của công dân, nếu như những quyền đó không bị hạn chế, hoặc tước bỏ trong bản án đã tuyên đối với từng người, và các nội dung trong quy định bắt buộc đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được một phần hai (1/2) thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì có thể được xem xét rút ngắn thời gian thử thách.
Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện ngay UBND, Công an xã, phường, thị trấn nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú; Thực hiện cam kết của mình về tuân thủ pháp luật và các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của địa phương, nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc. Không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, giám sát và giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; Chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi cư trú và người được cơ quan có thẩm quyền phân công quản lý, giáo dục.
Người được tha tù trước thời hạn vẫn bị hạn chế quyền tự do cư trú. Trường hợp nếu có lý do chính đáng cần phải đi khỏi nơi cư trú thì phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đi khỏi địa bàn cư trú trong thời gian 03 ngày phải được sự đồng ý của cán bộ được giao trực tiếp quản lý, giáo dục; từ trên 03 ngày phải được sự đồng ý của UBND cấp xã và khai báo tạm trú, tạm vắng (theo quy định của pháp luật về cư trú).
Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú giữa các xã trong huyện thì do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định; thay đổi nơi cư trú giữa các huyện trong tỉnh do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh quyết định. Trường hợp thay đổi nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác do cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an quyết định. Chỉ giải quyết cho thay đổi nơi cư trú nếu xét thấy có lợi cho công tác giáo dục, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, đồng thời vẫn bảo đảm việc quản lý, giám sát.
Người được tha tù trước thời hạn buộc phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã được giao quản lý giám sát, giáo dục; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (đối với đối tượng quân đội quản lý). Định kỳ 03 tháng phải báo cáo bằng văn bản việc chấp hành các quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, có xác nhận của người được giao quản lý, giám sát với UBND cấp xã được giao quản lý, giám sát, giáo dục; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (đối với đối tượng quân đội quản lý).
Người được tha tù trước thời hạn còn bị cấm tham gia các tổ chức chính trị; cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn; không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Như vậy, có thể tạm kết rằng, cái gọi là “tha tù trước thời hạn”, thực ra chỉ là chuyển từ ‘tù giam’ sẽ hình thức tương tự của ‘tù treo’. Nói một cách khác, “tha tù trước thời hạn” thực chất chỉ nhằm để ngân sách đang èo uột giảm bớt nguồn chi. Đáng nói là trong khi chưa biết hiệu quả thực sự thế nào, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý duyệt chi bình quân 40 tỷ đồng/ năm cho nhóm những người thực hiện Đề án, quả là một nghi ngại cho chuyện ‘tham nhũng chính sách’.