Kiều Phong
(VNTB) – Từ mấy năm nay thủ đô Bangkok bão hòa việc làm, dân ngoại kiều phải trôi dạt về phía nam Thái Lan. Thành phố du lịch nổi tiếng Pataya trở thành lựa chọn sinh nhai ưa thích của người Việt. Nhưng ngay lúc này đây, trên khắp Pataya, cảnh sát địa phương đang tiến hành một chiến dịch rất mạnh tay để bố ráp người Việt lao động chui.
Dưới sức ép của cuộc càn quét, cộng đồng người lao động Việt đang rất hoang mang. Đồng hương Việt Nam loan báo với nhau về cuộc bắt bớ qua mạng xã hội Facebook. Tuy vậy, kế sinh nhai không thể hoãn lại dù chỉ một vài ngày, vẫn có nhiều người Việt liều mình đi đến chỗ làm. Kết quả là những người này lại bị bắt thêm.
Người dân và chính quyền Thái Lan cho rằng nước này đang phải gánh thêm thành phần lao động bất hợp pháp, nhất là về y tế và giáo dục.
Chính sách y tế của Thái Lan quy định bệnh nhân nằm viện được bao cấp nên mỗi ngày họ nằm viện chỉ tốn 80 bath ( khoảng VNĐ) . Ngành y tế nước này không phân biệt dân Thái hay dân nước ngoài sống trên đất Thái. Bất kỳ ai bị tai nạn khi vào bệnh viện đều sẽ được cấp cứu ngay. (Việt Nam thi hành chính sách ngược lại, người nhà chưa đóng tiền thì bệnh nhân còn chưa được cấp cứu.)
Giáo dục ở Thái Lan còn được ưu tiên hơn thế. Ở trên quy mô toàn quốc, nhà nước bao cấp mọi chi phí cho học sinh. Phụ huynh trẻ mầm non và tiểu học nếu không đưa trẻ đến trường sẽ bị chính quyền phạt. Nền giáo dục miễn phí như thế cũng mở rộng cho cả những trẻ người Việt sinh ra ở Thái hoặc theo bố mẹ sang Thái.
Các chính khách và học giả thân hữu ở Thái Lan cho rằng việc duy trì phúc lợi xã hội như vậy có thể làm thâm hụt nghiêm trọng ngân sách quốc gia. Giải pháp họ đưa ra để quỹ phúc lợi không vỡ, đó là ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Hiện nay, đường sinh nhai tại Bangkok và Pataya đối với lao động nước ngoài không có giấy tờ coi như đã khép lại. Tại các tỉnh ở cực nam Thái Lan, tiêu biểu là Phù Khẹt, cảnh sát Thái chưa siết chặt quản lý. Điều này có thể lý giải rằng những địa phương này muốn tận dụng sức lao động giá rẻ. Vấn đề là, sau này, khi các tỉnh nghèo đã phát triển, cảnh sát sẽ lại mở chiến dịch loại bỏ lao động người Việt như điều đã xảy ra ở Bangkok và Pataya. Khi đó, rất nhiều dân miền trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sẽ hoặc bị nhốt vào trại giam, hoặc bị trục xuất về nước và lâm vào cảnh nợ nần, nghèo đói.
Chính sách quản trị kém cỏi của chính phủ Việt Nam đã đẩy quốc dân vào tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Tại nhiều làng quê bắc miền Trung, người dân chỉ còn cách đi sang Lào và Thái Lan để kiếm sống. Chỉ rất ít và không đáng kể trong số đó là có hợp đồng. Phần còn lại, chiếm một tỷ lệ rất lớn, không hề nằm trong quản lý của pháp luật. Thời hạn của hộ chiếu để cư trú ở nước ngoài là 30 ngày. Hết 30 ngày đó, người lao động Việt Nam trở thành bất hợp pháp. Họ phải làm việc chui ở các nhà hàng, các xưởng may và các công trường xây dựng… và có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Cảnh sát địa phương cũng phạt rất nặng những ai chứa chấp đối tượng cư trú bất hợp pháp ở Thái Lan.