Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thảm họa nhiễm mặn ở ĐBSCL: Dân phải kiện chính phủ VN

TS. Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức
(VNTB) – Những chính sách sai lầm của chính phủ VN, đi ngược lại qui luật tự nhiên, đã đẩy người dân ĐBSCL vào thảm họa như hiện nay. Đã đến lúc người dân ĐBSCL cần phải kiện chính phủ VN về những chính sách “triệt dân sinh” này.
“Phả vào mặt những người nông dân chết khát một làn hơi nước viển vông”
Thảm họa nhiễm mặn ở ĐBSCL ngày càng rõ nét, cuộc di dân thầm lặng của hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL đã diễn ra từ hơn một thập kỷ qua. Nhưng sự di dân này dần dần sẽ thành những làn sóng ồ ạt, tạo nên một thảm cảnh tị nạn dân sinh nội địa và gây sức ép rất lớn với Sài Gòn và các tỉnh lân cận Sài Gòn trong tương lai.
Hơn một tuần nay, cả nước “bấn loạn” đối với thảm họa hạn hán và nhiễm mặn ở ĐBSCL. Việc chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan hành chính đã “phải” vội vàng gửi công văn “đề nghị” Trung Quốc xả nước. Cảm giác, chính phủ đã làm được một việc là “phả vào mặt những người nông dân chết khát một làn hơi nước viển vông”. Để rồi hàng triệu người nông dân khốn khổ, nhẹ dạ kia lại đang tự huyễn mình và ruộng lúa của mình sẽ được hồi sinh. Hàng loạt nông dân lại tấp tểnh gieo xạ lại.
Hàng loạt các nhà khoa học đăng đàn đề cập nhiều vần đề liên quan đến hạn hán, nhiễm mặn và lúa chết ở ĐBSCL. Có những ý kiến trái ngược nhau. Rất nhiều ý kiến cho rằng, bằng mọi cách phải chống chọi thiên tai và nhân tai (Trung Quốc) để cứu lấy vựa lúa ở ĐBSCL. Trong đó, một ý kiến “lội ngược dòng”  của GS Võ Tòng Xuân là cần thay đổi tư duy và chuyển đổi sang nuôi tôm thay vì trồng lúa, đã gây nên nhiều phản ứng mạnh mẽ.
Chuyện tranh cãi là điều đáng nhìn nhận để một xã hội được cởi mở, thu hút sự đóng góp của từng cá nhân. Chuyện đúng sai cần phải được cọ sát và tranh luận công khai bằng những dẫn liệu thuyết phục. Tuy nhiên, bài viết này sẽ không đi sâu vào phần tranh luận xoay quanh ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân. Bài viết này sẽ đi vào phân tích nguyên nhân cốt lõi gây thảm họa nhiễm mặn ở ĐBSCL, đó là sai lầm trong chính sách dân sinh đồi với vùng ĐBSCL, của chính phủ và đảng Cộng sản từ ngay sau khi chiến tranh hai miền Nam- Bắc kết thúc năm 1975. 
Đánh đổi cả hệ sinh thái bồi đắp ổn định
Là người Việt, sẽ không ít người sẽ cảm thấy rất hãnh diện và lạc quan khi Việt Nam trở thành “nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới”,  Việt Nam “là nước xuất khẩu thủy sản chiếm thị phần lớn ở thị Trường Mỹ, Nhật và Châu Âu..”. Và cũng không một báo cáo tổng kết định kỳ, cũng như bài phát biếu ở bất cứ buổi lễ quốc gia nào mà các chính khách của chính phủ VN không khơi dậy niềm tự hào này của Việt Nam bằng những dẫn chứng này. Nó được mặc định như là sự thành công trong chính sách phát triển kinh tế, và xã hội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản VN từ khi cướp chính quyền và “giải phóng miền Nam”.
Từ năm 1975, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh hai miền Nam- Bắc, ĐBSCL một vùng đất phù sa mênh mông đã được đảng CSVN nhắm đến như một “cứu nhân” trước nạn đói do chiến tranh đề lại. Mô hình kênh mương thủy lợi dẫn nước tưới tiêu từ các tình đồng bằng Trung du Bắc bộ đã nhanh chóng được đưa vào và áp đặt lên vùng đồng bằng phù sa của Cửu Long. Kết quả, chỉ sau hơn một thập niên cùng với chính sách “khoán 10” (đầy tủi nhục cho chủ thể) ở miền Bắc, Việt Nam đã tạm đủ gạo ăn, mà không cần phải mua và xin lúa mỳ từ các nước.
Và không chỉ dừng lại việc đủ ăn, chính sách kinh tế với tham vọng xuất khẩu lúa gạo của đảng Cộng sản, hệ thống kênh mương thủy lợi ngày càng được nhân rộng và phủ kín khắp các vùng miền của ĐBSCL. Với khẩu hiệu “lấn biển”, thể hiện sức mạnh của đảng CSVN, cứ vùng bồi đắp nào đã định hình (đất phù sa bồi đắp đã dần ổn định về kết cấu, hệ sinh thái có khả năng nhất bảo vệ vùng đới bờ về xói mòn cũng như ngăn chặn sự nhiễm mặn) sẽ ngay tức khắc được những máy xúc bùn (miền Tây gọi là Xáng) xẻ ngang, xẻ dọc tạo nên mạng lưới kênh mương phần lô phân vùng, bờ cõi vuông vắn. Kết hợp chính sách “dãn dân” , hàng loạt các hộ dân ở các vùng lân cận đã được đưa đến vùng đất mới này, nhận ruộng trồng lúa, làm nhà và trồng hoa màu trên những bờ kênh vừa mới được múc bùn đổ lên. Tạo nên những ấp dân cư trải dài theo các kênh mương thủy lợi rất đặc trưng nhưng cũng nhiều cay đắng.  Nhiều vùng, bị nhiễm mặn, giếng khoan kiểu gì cũng không có nước ngọt, nhưng cứ bắt dân đến ở. Rất nhiều hộ dân không trụ lại được, cuối cùng phải bỏ đi làm thuê tại chỗ hoặc lên các thành phố.
Để trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, ĐBSCL và con người ở đây vẫn năm này qua năm khác oằn mình và vắt kiệt sức, vật lộn với thiên tai và nhân tai để “bảo toàn” danh hiệu “nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2” này. Cứ đầu vụ, người dân lại phải vay tiền ngân hàng, mua giống, phân, thuê máy cày bừa, để cuối vụ thu hoặc trả cả vốn lẫn lãi, nuôi các ngân hàng và các đầu nậu. Việt Nam đứng thứ 2 sau Thái Lan về sản lượng xuất khẩu gạo. Nhưng như chuyên gia Phạm Chi Lan đã nói, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ bằng số tiền đàn ông Việt Nam chi cho việc uống bia rượu. Đến đây thì chúng ta có thể thấm thía và đau đớn với cái thành tích “trọc phú”: nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới”. Nhưng nếu không thế, thì lấy cái gì để đảng CS làm dẫn cứ về “sự lãnh đạo tài tình” của đảng.
Cụ thể, việc các máy xúc bùn ngày đêm xẻ những vùng đất của vùng đệm (buffer zone) của khu bào tồn U Minh Thượng, suốt những năm cuối thập kỷ 1990s cho đến đầu 2000s. Những vùng đất bùn cát phù xa (mudflat) với sinh cảnh tự nhiên, bị xẻ thành những kênh mương di dân đến. Việc xẻ đất làm kênh thủy lợi tràn lan, cho nên sau này chính vùng rừng tràm duy nhất còn lại gọi là “back mangrove forest” cuối cùng này cũng bị mặn xâm nhập kinh khủng, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn của khu bảo tồn U Minh Thượng ngày càng bị phèn hóa. Một chính sách sai lầm phá hủy thiên nhiên và môi trường, làm mất đi hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng bậc nhất này.
Đánh đổi hệ sinh thái bồi đắp non trẻ, tuyến đầu bảo vệ bờ biển
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, thập kỷ 1940s. Nước Đức cũng rơi vào tình trạng nghèo đói như VN sau chiến tranh hai miền Nam Bắc. Người Đức lúc đó cũng phải đi nhặt từng củ khoai tây sót lại trên những cánh đồng để về ăn. Suốt một chặng đường khoảng 20 năm từ 1940s đến 1960s, kinh tế Đức cũng chủ yếu là nông nghiệp, thuần nông. Nhưng tại sao họ không cho xẻ đất phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi. Cho đến nay các cánh đồng của Đức vẫn trải bạt ngàn không hệ thống thủy lợi, và cũng chỉ phát triển  nông nghiệp một mùa đảm bảo sự phục hồi về thổ nhưỡng,  không áp lực lên tài nguyên đất, không phá nát cảnh quan (landscape/landschaft). Hay họ kém cỏi hơn VN? Xin hãy nhìn chính sách của nước Đức, để đừng cố ngụy biện những chính sách sai lầm này bằng những lời giải thích “cứu nguy nạn đói sau chiến tranh”.
Còn ở VN, đến những năm cuối thập kỷ 1990s, “sự nhanh nhạy” trong chính sách kinh tế của đảng Cộng sản Việt Nam còn mạnh mẽ hơn nữa trên con đường “lấn biền” chinh phục thiên nhiên. Nếu như các vùng bồi đắp ổn định phía sau đới bờ được mổ xẻ làm kênh thủy lợi, thì vùng bồi đắp mới trẻ phía ngoài nếu không thể trồng lúa được thì sẽ cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hàng chục ngàn hecta vùng đất mới bồi ôm sát bờ biển đã được giao cho những cá nhân nhiều tiền, thoải mái phá nát những vùng đất sinh cảnh đất ngập nước, hệ đệm tuyến đầu của vùng đới bờ để xẻ đất làm đìa tôm, các kênh mương thủy lợi phục vụ nuôi tôm đã len lỏi sâu vào trong nội địa.  Các hình thức nuôi tôm công nghiệp được áp dụng tối đa, cho mục tiêu tăng nhanh sản lượng NTTS, đạt mục tiêu kế hoạch xuất khẩu của chính phủ. Việt Nam trở thành một trong những nước chiếm thị phần xuất khẩu thủy sản vào các nước phương Tây.
Tự hào lắm Việt Nam ơi!!!!.
Với hình thức nuôi tôm công nghiệp (mật độ nuôi cao, thức ăn công nghiệp, với việc sử dụng hóa chất và kháng sinh bừa bãi và nguy hiểm). Sau vài năm, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan. Để giảm thiểu dịch bệnh MBV (Monodon Baculovirus) trên tôm sú, người nuôi phải hạ nồng độ mặn nước trong ao nuôi. Nhu cầu nước ngọt là bắt buộc, việc kết nối các kênh thủy lợi dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa ở vùng phía sau vào khu vực NTTS. Sự kết nối này chính là hậu quả của sự giao thoa của nước biển và nước ngọt mọi ngõ ngách và phủ trên diện rộng ở ĐBSCL.
Vâng, ĐBSCL vẫn đang phải nghiến răng oằn mình phục vụ nhu cầu làm giàu của một số cá nhân cũng như tham vọng của chính sánh xuất khẩu.
Một chính sách phát triển NTTS bền vững với mô hình nuôi quảng canh, hoặc bán thâm canh cho từng vùng đặc thù tận dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước vùng bồi đắp non trẻ nhưng không phá nát sinh cảnh tự nhiên là lựa chọn phát triển kinh tế bền vững, đồng thời sẽ đóng góp sản lượng thủy sản sạch và ổn định.
Kiện chính phủ?
Từ chính sách sai lầm “lấn biển” từ mục đích “cứu đói” đến “làm giàu” và nâng lên tầm cao mới là “nước xuất khẩu hàng đầu”về thủy sản và lúa gạo, Chính phủ Việt Nam cùng với các chính quyền địa phương đã phá nát hệ sinh thái bùn cát phù sa của ĐBSCL, vùng đệm bảo vệ vùng đới bờ. Việc phá nát các cánh rừng tự nhiên để chuyển sang các đìa nuôi tôm hoặc ruộng lúa, làm giảm khả năng lưu trữ trầm tích từ thượng nguồn mang đến là nguyên nhân làm chìm dần đới bờ trước thực trạng mực nước biển dâng. Việc cho xẻ đất làm các hệ thống kênh mương thủy lợi trong nông nông nghiệp và trong NTTS ở hai vùng bồi đắp ổn định và bồi đắp non trẻ này chính là nguyên nhân đẩy nhanh tiến trình và vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL.
Đó là những chính sách sai lầm của chính phủ VN, đi ngược lại qui luật tự nhiên, đẩy người dân ĐBSCL vào thảm họa như hiện nay. Đã đến lúc người dân ĐBSCL cần phải kiện chính phủ VN về những chính sách “triệt dân sinh” này.

Khi người viết đề cập đến những điều này, sẽ có rất nhiều nhà khoa học đã từng phục vụ cho chính quyền VN sẽ cảm thấy khó mà chấp nhận và sẽ phản ứng, mặc dù nhiều người trong số họ hiện nay cũng đã “bước sang lề dân”. Chúng ta có thể cảm thông với họ vì dù sao cũng không dễ dàng gì bắt họ tự phủ nhận những “công lao” của họ đã mấy chục năm cùng với đảng “lăn lộn” cho “mục tiêu cao cả” như họ nghĩ. Nhưng đã đến lúc toàn dân phải có trách nhiệm rà soát lại và có thể phải “đấu tố” những chính sách sai lầm của chính phủ. Không thể để những chính sách sai lầm này mãi đè đầu người dân và để thảm họa cho đời sau mãi. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Vấn nạn ĐBSCL: Đôi lời với nhà báo Lê Phú Khải

Phan Thanh Hung

VNTB- Lại tin chấn động- Gửi Uỷ Ban Quốc gia Mekong Việt Nam!

Phan Thanh Hung

VNTB- Hạn và nhiễm mặn: Sự bất tài của hệ thống chính phủ và cấu trúc rệu rã xã hội VN

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo