VNTB – Tham nhũng quyền lực trong quản lý đất đai

VNTB – Tham nhũng quyền lực trong quản lý đất đai

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Tòa án nhân dân TP.HCM đang diễn ra phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và 18 bị cáo khác trong vụ sai phạm xảy ra tại đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, gây thất thoát của Nhà nước 725 tỉ đồng.

 

Diễn tiến của vụ án cho thấy đây là một tham nhũng quyền lực trong quản lý đất đai.

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản nhà nước. Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách nhà nước đã đầu tư cho dự án.

Khi triển khai thực hiện, ông Đinh La Thăng, khi đó là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã giới thiệu, đưa ông Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ông Đinh Ngọc Hệ đã tận dụng mối quan hệ này để làm hồ sơ gian dối, làm giả hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính 2 công ty của ông Hệ là Yên Khánh và Khánh An từ thua lỗ thành lãi, để được tham gia mua đấu giá quyền thu phí.

Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, ông Hệ tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối như che giấu doanh thu thực tế, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ Giao thông vận tải để chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Do biết mối quan hệ cá nhân giữa ông Thăng và ông Hệ, nên ông Nguyễn Hồng Trường và các cán bộ dưới quyền của ông Đinh La Thăng đã làm trái quy định về bán đấu giá tài sản Nhà nước để Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát của Nhà nước 725 tỉ đồng…

Như vậy với tình tiết của vụ án cho thấy lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả. Tương tự như ông Đinh La Thăng, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất.

Sở dĩ tình trạng kể trên được ghi nhận diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước, vì chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính, và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật, và đặc biệt là tùy vào quan điểm ở từng giai đoạn của Ban Bí thư.

“Ông Đinh La Thăng cùng phe nhóm quyền lực ở Bộ Giao thông vận tải không thể một tay che trời. Chắc chắn thời điểm quyền uy đó, ông Thăng có được chỗ chống lưng đủ mạnh. Mọi chuyện luôn là bánh ít đi, bánh quy lại. Không quyền lực nào là miễn phí…” – một nhà báo ‘chuyển ngành’ sang nghề luật sư tham vấn, nhận xét.

Ông Trương Tấn Sang, cựu chủ tịch nước, từng lên tiếng cảnh báo từ mấy năm về trước, rằng, “Tham nhũng đất đai đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị – xã hội của đất nước”.

Cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chia sẻ góc nhìn phản biện: “Không thể đổ lỗi cho đất thuộc sở hữu nhà nước là nguyên nhân của tham nhũng đất đai. Trên thế giới, hầu hết các nước đều có đất công, đất thuộc sở hữu nhà nước, cũng như có các tài sản công khác, nhưng họ có luật pháp và sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân, nên tham nhũng nói chung, tham nhũng đất đai nói riêng rất ít xảy ra”.

Nếu làm một công thức toán học, thì “Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán – Trách nhiệm giải trình – Minh bạch”.

Như vậy, bao giờ ở Việt Nam có cạnh tranh về quản trị quốc gia, chấm dứt độc đoán trong lựa chọn nhân sự cấp cao ở thượng tầng kiến trúc, mọi cá nhân đang giữ trọng trách quốc gia luôn phải giải trình minh bạch khi dân chúng yêu cầu…, thì có lẽ sẽ an tâm được phần nào nỗi lo về tham nhũng, trong đó có tham nhũng quyền lực trong quản lý đất đai.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)