Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tham nhũng trên mặt trận chống dịch

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Thanh tra TP.HCM lập đoàn thanh tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như công tác tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị F0, các gói hỗ trợ an sinh.

 

Hôm 18-9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu xác minh về việc người dân phản ánh không được cứu trợ.

Văn bản nêu rõ: thời gian gần đây, tại một số nơi ở TP.HCM có tình trạng người dân tụ tập kéo lên trụ sở UBND xã, phường phản ánh không được cứu trợ. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu ăn, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 21-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam với Lê Thị Kim Dung, sinh năm 1989, trú tại quận 4, để điều tra về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Lê Thị Kim Dung khai nhận nhờ mối quan hệ cá nhân mà có thể sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vắc xin phòng Covid-19 với giá từ 2 – 4 triệu đồng mỗi liều vắc xin. Từ đó, Dung đăng thông tin này lên Facebook và “khách hàng” có nhu cầu thì nhắn tin thông tin cá nhân để Dung lập danh sách rồi chuyển tiền thanh toán.

Theo cơ quan điều tra, Dung đã đưa trót lọt cho 21 trường hợp không thuộc đối tượng vào danh sách tiêm vắc xin trên địa bàn quận 11 và thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.

Một vụ việc tương tự, ngày 7-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 6 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Mạnh Thảo, sinh năm 1984, trú ở quận 6, cán bộ UBND phường 2, quận 6 để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 – Bộ luật hình sự.

Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Trương Mạnh Thảo khai nhận trong 4 tháng qua Thảo đã móc nối, làm hồ sơ và tổ chức cho gần 20 trường hợp không cư trú trên địa bàn phường 2 đến tiêm tại các điểm tiêm chủng. Thảo đã thu lợi hơn 10 triệu đồng tiền mặt cùng một số hiện vật có giá trị.

Một vụ án khác cũng liên quan dịch giã Covid-19.

Tối 4-9, Công an TP.HCM thông tin về việc khởi tố, bắt tạm giam một cán bộ phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức để điều tra tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, ông Huỳnh Hồng Sơn là cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội của phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện ông Huỳnh Hồng Sơn lợi dụng vị trí công tác là thành viên hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của phường Phú Hữu, để cấu kết với một số người, lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, dù không thuộc diện theo nghị quyết số 09/2021 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Bước đầu làm việc với cơ quan điều tra, Huỳnh Hồng Sơn đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng lưu ý là trong một báo cáo của ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy quận 8, TP.HCM gửi đến Thành ủy và Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, có xảy ra việc chính quyền cấp phường đã chi hỗ trợ trùng lắp, không đúng đối tượng.

Đơn cử, về trường hợp của gia đình ông Đ.N.V.L ., 25 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, phường 2, có đăng ký 6 người hành nghề rửa xe, thì trường hợp gia đình ông không thuộc diện được hưởng theo Nghị quyết 09, chỉ được hưởng theo Công văn 2799. Gia đình ông L. đã nhận 1,5 triệu đồng là đúng quy định.

Trong quá trình chi hỗ trợ, tổ công tác phát hiện trong một gia đình có nhiều người xác định không phải là nhà trọ, phòng cho thuê, nên đã giải thích và phát cho đại diện hộ gia đình ông L. 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại (tại số thứ tự 1.679, 1.680 và 1.681), đã chuyển về phường và nộp vào tài khoản UBND phường ngày 14-9.

Còn về trường hợp ông T.V.T., 38 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, phường 2, thuộc diện hộ khó khăn, theo Công văn 2799/UBND-VX ngày 21-8 của UBND TP.HCM.

Vợ của ông T.V.T làm nghề may gia công tại nhà, không thuộc đối tượng được hưởng theo Nghị quyết 09, gia đình ông được hưởng chi hỗ trợ cho hộ gia đình khó khăn 1,5 triệu đồng/hộ là đúng. Tuy nhiên, lúc lập danh sách có sai sót là trùng tên, khác năm sinh, khác số điện thoại và khác tên đường, thể hiện tại số thứ tự 1.677 – 1.678. Khi phát hiện sự việc, tổ chi hỗ trợ đã dừng phát đối với người có tên tại số thứ tự 1.677 và nộp tiền về UBND phường.

Theo ghi nhận của báo chí, một lãnh đạo Phòng Lao động, thương binh và xã hội quận 8, cho rằng nếu chi tiền cho hộ lao động khó khăn, dù có nhiều nhân khẩu trong đó, chính quyền địa phương phải để cột địa chỉ nằm cùng nhau, số tiền nhận của tất cả các nhân khẩu phải gộp lại là 1,5 triệu đồng.

Lúc nhận tiền, một trong các nhân khẩu đều có thể đại diện ký nhận. Việc UBND phường 2 lập danh sách tách biệt địa chỉ các nhân khẩu trong cùng một hộ, mỗi trường hợp nhận tách biệt 1,5 triệu đồng dựa trên danh sách UBND phường 2 đã cung cấp, là không đúng quy định.

Chưa kể, trong danh sách xét duyệt/ ký nhận chi hỗ trợ của UBND phường 2 lại bỏ trống mục công việc của người nhận tiền. Vậy làm sao xác định họ thuộc nhóm lao động tự do hay thuộc hộ lao động khó khăn?

Tin tức cho biết, kể từ ngày 20-9, đoàn thanh tra của Thanh tra TP.HCM bắt đầu kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; chủ tịch UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các đơn vi sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố.

Đồng thời, đoàn thanh tra cũng xác minh, kiểm tra các vụ việc đột xuất theo phản ảnh của dư luận, việc thực hiện các chỉ thị, kế hoạch liên quan phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM.

Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc điều trị F0 tại khu cách ly tập trung, bệnh viện quận, trung tâm y tế quận, huyện và việc phát túi thuốc cho F0 và kiểm tra kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời gian tiếp theo của các đơn vị liên quan…


Tin bài liên quan:

VNTB – Hãy cẩn trọng để “ăn không bõ ị…”

Do Van Tien

VNTB- Đã có tiền lệ xử tội làm lây lan dịch bệnh trước đó? (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân sự kiện một cô giáo ở Đại Học Duy Tân bị đuổi việc, tản mạn về phần tử trí thức đại học

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo