Trần Việt Nhơn
(VNTB) – Công khai hóa mua bán quan chức, chính là giai đoạn cuối cùng của hiện tượng lạm dụng quyền lực, là bản chất của một cơ chế nhà nước đã bị tha hóa sâu.
Bởi một khi sự cất tiếng gợi ý cho phép về mua bán chức tước, thì tức là việc đó đã xảy ra, và không còn đủ sự ngăn cấm. Chính điều kiện này sẽ thúc đẩy thêm nạn bòn vét trong dân để thu hồi vốn, sinh lời, tăng thuế khóa, làm mọi cách “cung ứng chi tiêu” khi ngân sách từ thuế không đủ, lại tức một hình thức “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn.”
Điều này không phải là sự vẽ ra để hù dọa, hay là cố ý xuyên tạc, nói quá sự thật. Mà cứ theo cổ nhẩn, ôn cố tri tấn, lấy chuyện xưa để ngẫm chuyện nay, thực đúng như thế.
Mua học vị, bán chức tước
Có một thời kỳ trong lịch sử, mà chính sự rơi vào rối bời đến đảo điên, đó là thời Lê trung hưng (1533 – 1789). Cụ thể, vào thời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740). Cụ thể, do sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và nhu cầu cần tiền của Nhà nước. Trong đó trọng yếu nhất là, “Trịnh Giang chơi bời xa xỉ, của cải ngày một hao mòn, cho nên mua quan, bán tước, không việc gì là không làm, vì vậy mà sinh ra loạn lạc sau này.”
Quan chức đã trở thành một thứ hàng hóa mua bán (cho phép quan lại đuợc nộp tiền để thăng chức, và thường dân được nộp tiền để làm quan) và đồng tiền đã lũng đoạn thị trường, hủy hoại “kỷ cương tôn nghiêm”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay: “Trịnh Giang hạ lệnh cho quan và dân, nếu ai nộp tiền thì sẽ được bổ làm quan hoặc thăng chức tước. Cả quan và dân đều cho phép được nộp tiền để xét cất nhắc như sau: Quan trong triều từ lục phẩm trở xuống, nếu nộp 600 quan sẽ được thăng chức một bậc, dân thường mà nộp 2.800 quan sẽ được bổ làm Tri phủ, nộp 1.800 quan sẽ được bổ làm Tri huyện.”
Sự kiện trên đã dẫn đến việc, “guồng máy chính trị đương thời vốn đã mục ruỗng càng thêm mục ruỗng. Khi mà cả đến chức tước và học vị cũng được đem ra mua bán thì lòng ưu thời mẫn thế, trí tuệ và đạo đức… nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp, đều phải ngậm ngùi đội nón ra đi.”
Trinh Doanh lên thay, nhưng thời gian đầu cũng không khá gì hơn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng: “Đến đây, vì việc đánh dẹp diễn ra triền miên, chi phí không biết bao nhiêu mà kể, của kho không đủ để chu cấp, cho nên (triều đình) hạ lệnh rằng, hễ năm nào có khoa thi Hương thì cho phép mọi người được nạp ba quan tiền để thay cho việc khảo hạch (ở huyện), rồi cũng cho được đi dự thi, và gọi đó là tiền Thông Kinh.” Dân gian gọi là “sinh đồ ba quan”.
Sử gia Phan Huy Chú ghi lại sự suy đồi trong thi cử như sau: “Những người có thực tài, mười người thi không đậu một. Hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được mưu đồ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán”.
Chỉ chờ đến như thế, đâu đâu cũng có người đi thi, Việt sử lược ghi chép, “những người đi làm ruộng, đi buôn, đi bán thì ai cũng được nộp tuyển vào thi, đến lúc vào thi, người tranh nhau vào trường xéo đạp lẫn nhau, có người chế. Vào ở trong trường thi thì dùng sách, kẻ đi thuê người làm bài, học trò với quan trường thì thông với nhau, thành ra cái chợ thi. Phép thi cử bấy giờ thật là bậy.”
Trường thi trở thành nơi chen chúc của những kẻ bất tài và mua bán, thành ra quan trường chỉ rặt một lũ chỉ biết bòn vét của dân, công nhà nước thông qua hối lộ.
“Dùng tiền để kiếm học vị, dùng học vị để kiếm chức và dùng chức để kiếm cách bòn rút thiên hạ, đó là con đường tất yếu của bọn có tiền mà thất đức. Sinh đồ ba quan, đó là bọn đã làm ô uế cả trường thi, làm dơ bẩn cả thanh danh bao đời của kẻ sĩ, ấy là một lần đại nhục. Sinh đồ ba quan là bọn vênh váo với sự hữu danh vô thực, tưởng như ai mà chẳng thể như ai, đó là hai lần đại nhục.
Mới hay, dốt chưa phải là sự đáng lo, sự đáng lo đến mức đáng sợ là sự xuất của bọn dốt nát nhưng lại có học vị hẳn hoi. Ngẫm cho kĩ mà xem!”
Bởi bọn quan lại xuất thân từ việc mua bán quan tước ấy tất nhiên phải lấy “nghề làm quan” làm phương thức kinh doanh bóc lột kiếm lãi. Chế độ mua bán quan tước phổ biến và phát triển thêm tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, lạm quyền của bộ máy quan liêu.
Xa hoa cá nhân
Trong khi đó, thời Trịnh Giang, một phần vì tôn sùng đạo Phật, một phần lại muốn biến chùa chiền thành nơi thắng cảnh, tuần du, nên các chùa chiền ở Quỳnh Lâm (Quảng Ninh); Sùng Nghiêm (Quảng Ninh; Hải Dương); chùa Hồ Thiên, Hương Hải (Bắc Giang) được xây mới và tu bổ liên tục… Ngay như đúc chuông đồng, khi nhà nước thiếu đồng (đúc chuông), chúa Trịnh Giang lại bắt các quan phải nộp đồng nhiều ít tùy theo phẩm tước, lấy đó mà bù vào, nạn nhũng nhiễu ở dân của hệ thống quan lại từ T.Ư đến địa phương, bòn vét qua đặt thuế khóa tùy tiện, chiếm công dụng tư cũng từ đây mà ra.
Trịnh Giang lại thêm sở thích xây phủ đệ và đền thờ. Riêng quê ngoại của Giang là xã Tử Dương thuộc huyện Đông Yên (Khoái Châu, Hưng Yên) và xã Mỹ Thữ thuộc huyện Đường Hào (nay là huyện Bình Giang, Hải Dương), vốn và nguyên quán và trú quán của bà mẹ họ Vũ, Giang cho xây dựng nhiều phủ đệ, lập nhiều nhà thờ rất nguy nga, tráng lệ.
Trịnh Giang còn thường cho bọn tay chân, tôi tớ ra chợ búa, phố xá ức hiếp mua rẻ hay cướp không hàng hóa của dân. Bọn tay chân của những quan lại có quyền thế cũng theo đó mua bán ức hiếp, làm cho “nông thương đều thất nghiệp, dân khổ không chịu nổi.”
Trong khi đó, nhân dân bị bần cùng, phá sản ngày một nghiêm trọng. Cung đốn vật liệu vất vả vào những công trình xây dựng ấy là những gánh nặng thêm đổ lên đầu những người nông dan đã gần kiệt sức. Vì vậy, năm 1740, Trịnh Doanh lên nối nghiệp, giữa lúc phong trào nông dân đang khởi nghĩa khắp nơi, đã phải ra lệnh đình chỉ mọi công trình dinh tạo ấy để hòa hoãn lòng phẫn nộ của nhân dân và tập trung tiền của vào những cuộc chiến tranh đàn áp.
Bộ máy hủ hóa: trên thối, dưới nát
Bộ máy quan lại phong kiến quan liêu từ T.Ư đến xã thôn đều trở nên hủ hóa, thối nát nghiêm trọng. Ở triều đình và phủ chúa, bọn quan lại câu kết thành bè đảng để mưu lợi riêng. Từ năm 1682, Tham chính Nguyễn Văn Đương đã dâng sớ tố cáo tham tụng Nguyễn Mau Tài là “ghét kẻ hiền, ghét kẻ tài, lập bò đảng riêng, cùng với thượng thư Hồ Sĩ Dương kết làm thông gia, mỗi khi bàn việc thì người xướng, kẻ họa, che lấp cả thông minh, không mang theo phép công, cùng bọn gian quan mua bán…”
Nhưng quan thanh liêm vốn ít, mà bọn nhũng nhiễu, tham ô kết bè đảng lại nhiều thành ra, việc tố cáo như cát bỏ biển, người tố cáo lại bị hùa vai, làm cho thanh bại danh liệt.
Ở các địa phương, bọn quan lại mặc sức hoành hành đục khoét nhân dân. Những chức quan ở những nơi nào có nhiều mối lợi đế tham ô, bóc lột lúc bấy giờ gọi là “phì quan”. Ví như chức đốc phủ Cao Bằng là “phì quan”. Năm 1715, Trịnh Cương thậm chí cử Nguyễn Công Hãn giữ chức ấy đế un đãi một đại thần thân tín. Việc tham ô, bóc lột không còn là những hàng động lén lút, tội lỗi mà đã trở thành một chế độ công khai được Nhà nước công nhận. Trong việc bán quan tước, nhà nước cũng có phân biệt những nơi có thể hối lộ nhiều hay ít để quy định số tiền khác nhau.
Trong các bọn quan lại, thì bọn quan đốc thúc phú thuế là ngạch quan lại đặc biệt tham nhũng nhất và cũng là mối uy hiếp ghê sợ nhất của nhân dân. Bản thân thuế khóa đã nặng nề, bọn quan lại đốc thu này còn làm cho sự đóng góp của nhân dân trở nên gần như vô hạn trước lòng tham vô đáy của chúng.
Ở xã thôn, bọn cường hào, địa chủ lũng đoạn chính quyền, bóc lột, ức hiếp dân nghèo đến thậm tệ. Nhận thấy kiện tụng không ngót, trong tờ Thông sức của Ngự sử đài năm 1718 có nhận xét như sau: “Những bọn cường hào gian hoạt trong làng mạc, giảo quyệt đủ món, dối trá trăm khoanh, chúng lấy thế lực mà xử sự, dùng cách xâm chiếm để lợi mình, bóp nặn kẻ nghèo nàn, khinh rẻ người ngu tối, hơi có ai trái ý thi chúng vu oan giá họa, đưa đến cửa công.”
“Lại có bọn xúi giục đi kiện, đảo lộn phải trái, thay đổi trắng đen, coi người kiện làm của báu, lấy đơn từ làm kế sinh nhai…”
Trần Cảnh, một quan lại thanh liêm đương thời, phải thán lên rằng: “thói tham lam vơ vét tiền của của dân” của đám quan lại “từ cái chổi cùn rế rách của dân”, “vẫn làm việc xấu xa, vui say tửu sắc”, “nói là đi bảo vệ dân, thực chất là đi cướp của dân”, quan quân đi làm việc của triều đình ở đâu, thì ở đấy, “đánh bạc thâu đêm suốt sáng”, không có cớ gì cũng chè chén liên miên “ăn cho béo xác”, đến mức khi có biến thì “bỏ cả ấn tín mà chạy”. Ở các làng xã thì“bọn cường hào xâm chiếm ruộng đất (của dân), người dân sống sót thì thất nghiệp.” Trong khi đó, “nạn hối lộ rất phổ biến, ở chỗ nào cũng thấy, cấp nào cũng có”.
Về quân đội và đất đai, ở thời kỳ này, đất đai rơi vào tay quân lính rất nhiều, đó là do chính sách ưu tiên và đãi ngộ binh lính, “Lúc ấy, trong nước, nhiều việc nguy cấp, ưu binh phải đi đánh dẹp luôn, triều đình dùng quan tước để thưởng công, từ chức thập trưởng trở lên đều ban cho sắc lệnh. Vì thế ưu binh càng kiêu ngạo… Ưu binh kiêu ngạo, hung hãn đã thành thói quen, chung quy không thể nào kiềm chế được.”
Chính sách thuế khóa, xây dựng đền thờ, phủ đệ, lại thêm chuyện mua bán chức tước, ban bổng lộc hết mình cho quân đội, trên đã nát, mà dưới địa phương lại càng nát hơn, luật lệ trở thành trò chơi đổi trắng thay đen, khiến cho nền kinh tế thủ công nghiệp thương mại bị đình đốn, suy sụp, dân lang bạt khắp nơi, lời kêu thán, mấy lần dấy binh nổi loạn, triều đình lại xuôi, sau đó lại tiếp tục bòn vét, gây nên một tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong đời sống của nhân dân.
Ai oán không biết bao nhiêu là kể, dân nổi can qua, nhưng cái họa không nằm ở đó, mà nằm ở việc, “Dân là gốc của nước, gốc không yên nước cũng không yên, lúc ngày thường không lấy ân huệ mà kết lòng dân, khi có việc thì tựa vào đâu?”, Bản tấu của Nguyễn Cư Trinh lên chúa Nguyễn đã cho thấy điều đó.