Loan Thảo
(VNTB) – Người phụ nữ mặt tái mét, lảo đảo… Người đàn ông gần đó vội đỡ và bế thốc bà về phía căn phòng đang đặt giường bệnh dã chiến. Không gian chiều như dừng lại.
Đó là câu chuyện diễn ra chiều ngày 10-8 tại một điểm chích ngừa Covid ở Sài Gòn, tại một quận nội thành đang xếp vị trí thứ tám về số ca F0 của cả thành phố.
Tháng bảy âm lịch. Vu lan với tích ngài Mục Kiền Liên đi xuống cõi âm dâng “bát cơm đầy vạn ước mong” tỏ lòng hiếu kính mẹ.
Tháng bảy âm lịch, còn là truyền thuyết dân gian của “tháng cô hồn, xá tội vong nhân”, Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ Môn quan để các linh hồn ma quỷ không được thờ tự, phải sống lang bạt được trở về dương gian. Đến ngày Rằm, tất cả quỷ hồn đều phải quay lại địa ngục khi Quỷ Môn đóng cửa…
Tháng bảy âm lịch, gần 60 năm trước là bắt đầu câu chuyện từ tùy bút “Bông hồng cài áo”, và sau đó được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc với giai điệu da diết:
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…
Trong tùy bút “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
“Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi…”.
Tháng bảy âm lịch năm Covid thứ hai, rất nhiều bông hồng trắng cài lên ngực, và Quỷ môn quan dường chừng cũng nghẽn đường khi cả hai chiều ‘lên – xuống’ đều đang có quá nhiều linh hồn vất vưởng từ địa ngục lẫn vừa rời trần gian.
Mồng 3 tháng bảy âm lịch, từ bệnh viện Dã chiến thu dung số 12, thành phố Thủ Đức – trích nhật ký chiều mưa 10-8 của sư cô Nhuận Bình:
… Các bình oxy được thay liên tục, dịch truyền chảy từng giọt nhặt khoan, máy SPO2, huyết áp được đo sau mỗi giờ hoặc 30 phút, tiếng tút tút được phát ra từ máy Monitor vẫn đều đặn vang lên…
Mưa lại rơi, nỗi buồn giăng khắp lối. Chưa bao giờ người ta lại ước muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường như lúc này, chỉ cần “bình thường” thôi, không cần xa hoa, cao sang, quý phái gì, nhưng cũng thật xa xỉ và khó lắm thay!
Những chiếc xe không còn hối hả, những tán cây xôn xao đón giọt mưa rào. Hàng ngàn F0 đứng trên lầu cao nhìn ra cửa sổ từ bệnh viện dã chiến, mỗi người một nghĩ suy, mỗi người một ước muốn. Trong thâm tâm, ai ai cũng mong Sài Gòn mau khoẻ, Covid-19 sớm đi qua, nhà nhà được đoàn tụ, cuộc sống bình thường trở lại.
Từ khi trở thành F0 và vào đến nơi này, mỗi người đều mang theo trong lòng một cuộc chia ly. Có những cuộc chia ly ngắn, có những cuộc chia ly dài, và cũng có những cuộc chia ly mãi mãi.
Mưa lại rơi, rơi như giọt nước mắt mặn đắng của nhiều F0 khi nhận được hung tin có người thân vừa ra đi vì Covid-19. Họ gào khóc như một đứa trẻ, họ dãy dụa trong đớn đau, họ quỵ ngã xuống sàn bất kể chỉ số SPO2 tuột dốc không phanh…
Và nhật ký của biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo, ghi nhận bằng những dòng vắn tắt:
Sài Gòn
– Ngày 01/8: 107
– Ngày 02/8: 174
– Ngày 03/8: 170
– Ngày 04/8: 217
– Ngày 05/8: 214
– Ngày 06/8: 185
– Ngày 07/8: 235
– Ngày 08/8: 269
– Ngày 09/8: 308
Những con số này chỉ là ghi nhận từ các bệnh viện đang điều trị các ca F0 chuyển nặng. Số F0 thương vong tại nơi đang cư trú, cho đến nay vẫn chưa thấy được thống kê.
Tháng bảy âm lịch. Vu lan là thời gian các chùa, cơ sở tự viện tụng kinh cầu siêu cho các chư vị vong linh, cửu huyền thất tổ các gia đình, dòng họ, và anh linh các anh hùng liệt sĩ được an lành nơi tịnh cảnh.
Vu lan Phật lịch 2565, Tân Sửu 2021 còn là mùa vu lan mà các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập đang lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì Covid-19 được siêu sinh tịnh độ.
Vu lan giữa ngổn ngang của đại dịch Covid, phải chăng có nhiều khi ngôn ngữ, lời nói của chúng ta trở nên hữu hạn trong việc thể hiện tình thương yêu, lòng nhớ tưởng, tri ân về điều gì đó đã qua hay hối tiếc về những điều đã trở nên muộn màng…