Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tháng Tư của một thời hoài cảm

Hồng Dân

 

(VNTB) – Tháng Tư này, Sài Gòn 48 năm …

 

48 năm gì, không cần nói rõ, ai cũng biết trong ít nhiều ngậm ngùi và cả cay đắng.

Một ông bạn vong niên của người viết từng là sinh viên của Đại học Khoa học của Sài Gòn ngày cũ, trong một lần cà phê, hoài cảm rằng Sài Gòn khi đấy đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu đường, bơm mực bút bi…

Trong dòng xúc cảm đó, ông bạn kể tiếp, “Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước đây phụ trách vài mục âm nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản. Sau 1975, khốn đốn cực kỳ, nhưng cương quyết đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách, làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản.

Vài năm trước, gặp giám đốc mới có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng của tôi mắc bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh.

Ông lại tiếp tục làm chân lon ton! Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy, không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu”.

Sau tháng Tư của năm 1975, người Sài Gòn ngậm ngùi chứng kiến nhà giáo vì ‘mất dậy’, ‘vô lương’ nên phải ra đứng chợ trời. Công chức mất sở làm phải ra chợ trời, còn sĩ quan ‘ngụy’ bận đi cải tạo, nếu không cũng ra chợ trời…

Cái cột đèn trong thành phố nó bị trồng cứng xuống lề đường nên đành đứng nguyên một chỗ, còn đồ Mỹ có chân, nó chạy ra chợ trời ! Nồi cơm điện, bàn ủi, hay ‘đổng’ (từ lóng chỉ đồng hồ đeo tay) – đài (tức radio, bộ đội Bắc Việt gọi là ‘đài’) nó có thể chạy ra đến chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm.

Từ xưa, trong mắt số đông người miền Nam, chợ trời đồng nghĩa với sự lừa đảo, dối trá, ma lanh, láu cá. ‘Dân chợ trời’ là một cụm từ miệt thị chỉ những tay mua bán theo cơ hội, thời cơ, nhưng trong thời điêu linh, Sài Gòn biến thành một chợ trời khổng lồ, trong đó đủ các thành phần xã hội, thượng vàng hạ cám. Tất cả chỉ vì miếng ăn, có cái tọng vào họng là được, bất kể sang hèn…

Tôi thấm thía lắm về nhận xét “ngòi bút có máu”, nên “không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu” khi liên tưởng đến tuyến bài viết về điều luật 117 gần đây trên trang Việt Nam Thời Báo.

Thấm thía còn vì chính mình nằm trong số vô vàn nhân chứng của chuyện “chơi bài ba lá với lịch sử”, khi mà cái gì của chế độ cũ dù đã đâu vào đó, chế độ mới khi tiếp quản, chưa nghĩ làm sao để tiếp tục lưu giữ phát triển cho tốt, mà nghĩ ngay đến đổi tên để mong xóa đi cái cũ – Một hình thức háo thắng, mặc cảm, vô ơn của tự ái, thiếu khả năng… Để sau bao nhiêu năm tiếp quản, đã kéo đất nước đi ngược thời gian bằng những bước chân thụt lùi tội nghiệp – Âu cũng là mệnh nước…

Từ Sài Gòn, ông bạn của tôi trở ngược lên Đà Lạt bằng một câu chuyện mà ông nói rằng cô bạn của ông đã viết về xứ mù sương này trong so sánh về Đà Lạt ngày trước và bây giờ của hoài niệm thời tuổi trẻ giờ chỉ còn trong nhắc nhớ, kể về – giống như lứa trung niên cứ bồi hồi mỗi tháng Tư đến vậy mà…

“Con đường quanh bờ hồ vẫn đẹp nhưng sao cứ thấy có cái gì đó thất vọng trong tôi; có phải vì những công trình kiến trúc đồ sộ thi nhau khoe bóng ven hồ, đuổi dần sự thơ mộng mộc mạc của thiên nhiên?

Giọng người Đà Lạt gốc cũng trở nên hiếm hoi. Lại cũng buồn.

Khí hậu mát lạnh cũng không còn; tuy không đến nỗi đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại như ở Sài Gòn nhưng vẫn có thể ăn mặc phong phanh, kể cả khi mặt trời đã lặn. Sự quen thuộc còn chăng là trong một vài buổi chiều tắt nắng được nhìn thấy sương mù giăng mắc trên những nóc nhà, ngọn cây.

Lạ một điều, đứng trên balcon của nhà người bạn và phóng tầm mắt nhìn xa xa, thấp thoáng  sau rặng thông của ngọn đồi là trường Couvent des Oiseaux năm nào, bỗng dưng như tìm lại được vẻ đẹp quyến rũ rất Đà Lạt, một chút Đà Lạt thuở xưa.

Cho dù thay đổi hay vẫn thế, gì thì gì, tôi vẫn yêu Đà Lạt”.

… Tôi, một thằng học trò ‘trường Tây’ của Sài Gòn ngày cũ, cũng nghĩ rằng Sài Gòn hay Đà Lạt có thay đổi sao đi nữa, thì tình yêu vẫn vậy, dù đong đầy tiếc nuối hệt như ông Phạm Duy đã viết trong cuốn hồi ký của mình về nhạc phẩm “Bên cầu biên giới”, với đoạn kết đúng tâm trạng hồi nào của ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt về “triệu người vui, cũng có triệu người buồn” cho mỗi tháng Tư về:

“Sau 60 năm, được trở về nơi mình đã ngồi ước mơ, tóc xưa xanh biếc nay đã bạc trắng nhưng con tim thì hình như vẫn còn mơ mộng như xưa. Khiến cho tôi phải ngẫm nghĩ về cụm chữ “nước chảy qua cầu”, câu này thường ngụ ý: thời gian trôi nhanh, cái gì cũng có thể bị thay đổi…

Thế mà đứng bên chiếc cầu biên giới này, ước mơ của tôi vẫn còn y nguyên, nhưng chua xót hay, vẫn còn đâu đó sự cấn cá phân cách như một giai điệu buồn… Vẫn còn người bên ni, bên nớ…”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có tiếng rao như lời mẹ tôi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Luật của nhân dân, hay của chính phủ hoặc tòa án?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đọc “Tháng Tư màu nhớ” của Phạm Đức Mạnh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.