Mai Lan
(VNTB) – Bình Dương tới 15-9 sẽ “khống chế được dịch nếu được phân bổ 2 triệu liều vắc xin
Bình Dương giàu có đang khốn đốn
Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc ngày 27-8 rằng tới 15-9 sẽ “khống chế được dịch”.
Ông Nguyễn Văn Lợi còn kèm theo một điều kiện: nếu như được Bộ Y tế tiếp tục phân bổ tối thiểu 2 triệu liều vắc xin Covid.
Ngày 29-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch CoviD-19 tỉnh Bình Dương cho biết sau khi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban hàng ngày, đã thống nhất tiếp tục kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 15-9.
Thường trực Tỉnh ủy đã có yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt gắn với triển khai thực hiện phương án thu dung điều trị 150.000 ca F0, tức chiếm tới 6% dân số.
Giới chuyên gia y tế đánh giá rằng số ca F0 trong cộng đồng vẫn còn cao nên cần sự nỗ lực rất lớn và chi viện của trung ương và các tỉnh, thành để Bình Dương hướng tới mục tiêu trên.
Một tín hiệu lạc quan cho diễn biến dịch bệnh tại Bình Dương là tỉ lệ xuất viện, khỏi bệnh cao. Tính tới 28-8 đã có trên 54.000 F0 được xuất viện, khỏi bệnh, chiếm trên 50% tổng số ca mắc tại Bình Dương.
Đến nay hầu như chưa có công nhân, người lao động nào ở Bình Dương được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh mới tiêm được khoảng 809.000 liều vắc xin, dân số Bình Dương hơn 2,5 triệu người, trong đó mới có gần 36.000 người được tiêm mũi 2 chủ yếu là lực lượng “tuyến đầu”, người được ưu tiên do có bệnh lý nền…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết sẽ ưu tiên vắc xin cho “điểm nóng” Bình Dương trong các đợt phân bổ tới. Dự kiến trong tháng 9-2021 vắc xin cho Bình Dương sẽ nhiều hơn để phủ rộng toàn dân, trong đó với các phường bị “khóa chặt, đông cứng” thì vừa lấy mẫu xét nghiệm vừa kết hợp tiêm vắc xin ngay cho người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không ứng phó quyết liệt và nhanh chóng thì Bình Dương sẽ gặp những hệ lụy rất lớn do Covid-19, bởi đây là địa phương có nhiều người nhập cư và diễn biến dịch phức tạp không kém gì TP.HCM, trong khi năng lực y tế lại yếu hơn rất nhiều.
Giãn cách kéo dài và chậm chạp vắc xin: cú nốc ao vào Bình Dương
Một vấn đề quan trọng khác bên cạnh y tế là chăm lo cho người lao động để vượt qua đại dịch và đóng góp vào sản xuất. Rất nhiều công nhân đang “mắc kẹt” trong các khu nhà trọ do chính sách chung là “ai ở đâu ở yên đó” nên họ không thể về quê, nhưng cũng không có việc làm, thu nhập.
Theo thống kê chưa chính thức, có tới 70% doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm ngưng sản xuất, một số ít duy trì nhưng phải giảm quy mô lao động. Sau một thời gian hoạt động, với tình hình giãn cách xã hội kéo dài và số F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng buộc phải đóng cửa.
Thống kê tại huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát là những vùng dịch đỡ phức tạp hơn, đang dần chuyển hóa thành “vùng xanh” nhưng trước khi có dịch có trên 190.000 lao động sản xuất “3 tại chỗ” thì tới nay chỉ còn chưa tới một nửa số lao động còn được làm việc.
Ở hôm làm việc với Thủ tướng vào trưa ngày 27-8, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết hiện tỉnh chuẩn bị kịch bản cho 150.000 ca. Với số ca F0 cực lớn thì Bình Dương thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thiết bị, vắc xin và cả kinh phí. UBND tỉnh Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỉ đồng chi phí chống dịch cho kịch bản có 150.000 ca F0. Đây là một số tiền rất lớn, trong đó Bình Dương mới cân đối được gần một nửa nên kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị trường hợp cấp bách thì cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển, và nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kinh phí kịp thời cho phòng chống dịch.
Một lo lắng khác là thời gian tới, nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương kết thúc đợt hỗ trợ trong khi số ca Covid-19 đang tăng nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bình Dương đang cần tối thiểu 100 trạm y tế lưu động, mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để ứng cứu cho người dân, nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành chi viện.